Hàng giả tràn lan trên chợ mạng: Làm sao để phân biệt?
Hàng giả ‘phủ sóng’ trên mạng internet
Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Hàng giả thường đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh… giả, kém chất lượng khiến bệnh tật thi nhau “nảy nở”, phát triển trong cơ thể những “thượng đế” nhẹ dạ, kém hiểu biết và ham rẻ.
Thực phẩm và đồ uống giả có vẻ ngoài giống như các mặt hàng chính hãng, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Mỹ phẩm giả có thể chứa hóa chất nguy hiểm và đồ chơi có thể có mức độ hóa chất bất hợp pháp hoặc nổ pin. Việc tiêu thụ rượu giả có thể dẫn đến các vấn đề về thận hoặc gan và thậm chí mù lòa.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng Tín - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho hay, hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một tinh vi. Hàng giả không chỉ có yếu tố nước ngoài mà còn sự tiếp tay của thương nhân. Đặc biệt, đường đi của hàng giả đang được internet hóa với việc chào hàng trên mạng xã hội ngày một nhiều.
Theo ông Tín, “không chỉ tinh vi về vận chuyển, các đối tượng làm hàng giả rất xảo quyệt trong sản xuất và lập đường dây hàng giả xuyên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng sản xuất, bán hàng giả ở một nơi, gia công tem, gia công các phân đoạn sản phẩm ở một nơi khác nên gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng chuyên ngành".
Trong khi đó, theo báo cáo tại cuộc họp Giao ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia quý 3 và triển khai nhiệm vụ quý 4 năm 2018 tại Hà Nội cho biết, nhiều vụ vi phạm hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu đã được phát hiện trong quý III như thu giữ 1000 điện thoại qua sân bay Nội Bài, hơn 200 điện thoại qua sân bay Tân Sơn Nhất…
Đối với hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet, theo BCĐ 389, hoạt động này diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cách nhận biết hàng giả cho người tiêu dùng
Lawrie IP, công ty luật sư thương hiệu có trụ sở tại Glasgow đã đưa ra các bí quyết để giúp mọi người phát hiện hàng giả:
- Cảnh giác với sản phẩm bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá thông thường.
- Để ý hàng hóa được bán thông qua các kênh lạ, như một trang web mà bạn chưa từng sử dụng trước đây.
- Nhãn hiệu, nhãn mác và bao bì có thể không như thông thường, ví dụ như chứa bao bì chất lượng thấp hơn và lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
- Coi chừng các đánh giá giả mạo trực tuyến, ví dụ như có một số lượng lớn các đánh giá tích cực nhận được trong một khoảng thời gian ngắn, lỗi chính tả và nhận xét lặp đi lặp lại trong các đánh giá khác nhau.
- Khi nhận được sản phẩm, hãy kiểm tra bao bì và sản phẩm phù hợp, đảm bảo rằng những thứ cần thiết đều có, bao gồm hướng dẫn sử dụng và thông tin bảo hành sản phẩm.
Bằng cách làm theo những lời khuyên trên và đề cao cảnh giác hơn, người tiêu dùng có thể tránh bị lừa mua hàng giả có khả năng gây hại.
Hoài An