SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp

07:35, 29/10/2021
(SHTT) - Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã được diễn ra thành công để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trên thị trường.

Những thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia được các chuyên gia, diễn giả dẫn ra trong buổi tọa đàm khiến nhiều người giật mình. Theo đó, chỉ tình riêng 9 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 100 nghìn vụ vi phạm về buôn bán, hàng giả và gian lận thương mại, khởi tố 1.615 vụ việc, tăng 90% với 2.148 đối tượng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. 

Không chỉ những mặt hàng buôn lậu “truyền thống”, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch là khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... cũng trở thành “mặt hàng nóng” trên mặt trận phòng chống buôn lậu tại nhiều địa phương trên cả nước mà phức tạp nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Cùng với đó, tình trạng gian lận xuất xứ cũng diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan với hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Tệ hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lợi dụng loại hình hàng quá cảnh nhập hàng lậu theo đường mòn, lối mở ở biên giới.

hang gia

 Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp

Thêm nữa, tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, khai báo gian dối vẫn diễn biến phức tạp. Thực trạng này gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia dự báo, thời gian tới, khi Chính phủ từng bước mở cửa kinh tế và khôi phục sản xuất kinh doanh, những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần, thực trạng buôn lậu sẽ diễn ra phức tạp, nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được đưa vào thị trường.

Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khương, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng cho biết, không chỉ có tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, mà tình trạng gian lận xuất xứ cũng diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, một số hình thức được các đối tượng sử dụng như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó dán nhãn hàng hóa xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài. Hoặc hàng hóa được đặt làm sẵn ở nước ngoài và ghi xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác.

Một hình thức khác là doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất trong nước, nhưng thực chất sản phẩm nhập gần như hoàn chỉnh, sau đó xuất khẩu đi nước ngoài và mang xuất xứ Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lợi dụng loại hình hàng quá cảnh nhập hàng lậu theo đường mòn, lối mở ở biên giới. Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Lào Cai, thời gian qua, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng hóa buôn lậu vào hàng hóa khác và kê khai sai nhãn hàng, cũng như số lượng, lợi dụng luồng hàng xanh đỏ để trà trộn vào Viêt Nam. “Các đối tượng vi phạm cũng lợi dụng thương mại điện tử buôn lậu hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ. Có những vụ việc qua thương mại điện tử, chúng tôi lần theo thì hàng hóa lại được các đối tượng tập kết ở cách đường biên giới 1 km nên rất khó khăn trong xử lý. Dự báo, tình hình buôn lậu cuối năm sẽ diễn biến phức tạp khi mở cửa nền kinh tế trở lại”, đại diện Cục Quản lý thị trường Lào Cai chia sẻ.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hứa Quang Vinh – Trưởng ban thị trường hàng giả, hàng nhái Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong cũng chia sẻ các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay rất tinh vi, nắm bắt công nghệ cũng rất nhanh, khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ họ dễ dàng sao chép chỉ trong 1 thời gian ngắn.

Theo ông Vinh, thực tế, các hình thức vi phạm thường diễn ra theo phương thức sản xuất trực tiếp trong nội địa hoặc được đặt hàng từ bên kia biên giới chuyển về qua đường tiểu ngạch, trong đó, hàng giả trong nội địa chất lượng kém, dễ dàng phát hiện, còn sản phẩm được đặt hàng sản xuất chuyển về dù chất lượng vẫn kém nhưng từ kiểu dáng, mẫu mã được sao chép tinh vi, gây khó cho công tác đấu tranh và phòng chống.

Cùng với đó, ông Vinh cũng quan ngại, hiện nay quy định của luật và chế tài xử lý hàng giả còn chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răn đe để các đối tượng kinh doanh hàng giả cảm thấy rủi ro, một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, có dấu hiệu bảo kê, bao che cho sai phạm dẫn tới các vi phạm vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho doanh nghiệp.   

Ngoài ra, theo ông Vinh, doanh nghiệp đang rất vướng trong xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ sản phẩm có thương hiệu là nhựa Tiền Phong, nhưng đối tượng chỉ cần thêm 1 chữ nào đó trước chữ nhựa Tiền Phong hoặc phía sau thì lại không còn là hàng giả nữa, mà lại quy ra là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, để xác định được xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì rất nhiêu khê nhiều thủ tục, doanh nghiệp muốn theo được các vụ kiện rất tốn kém công sức thời gian và tiền của, do đó, các doanh nghiệp đề nghị nên xây dựng văn bản với các chế tài đủ mạnh hoặc quy định cụ thể để xác định được việc xâm phạm quyền như thế nào.

Minh Anh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Bath Gel – MM Professional (chai 35ml) do không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.