SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Hàng giả, hàng nhái tràn ngập chợ truyền thống: Nút thắt 'tiền nào của đó'

11:10, 28/10/2022
"Tiền nào của đó" là tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt Nam. Đó là lý do chính khiến hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên tồn tại, bày bán ở các khu chợ truyền thống, đặc biệt là những chợ du lịch nổi tiếng.

Chợ càng nổi tiếng, hàng giả, hàng nhái càng nhiều

Với tuổi đời hơn 100 năm, Đông Ba là một trong những chợ lớn và nổi tiếng nhất Huế. Có từ thời vua Đồng Khánh, khu chợ này gắn liền với nhiều mốc son lịch sử quan trọng của đất nước. Đông Ba không chỉ là nơi bán buôn náo nhiệt, mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, tinh thần của người dân Cố đô.

Đến với chợ Đông Ba, du khách có thể mua sắm đủ mọi mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đến thức ăn,... Hiện nay, chợ có hơn 2.700 sạp hàng lớn nhỏ. Theo nhu cầu của thị trường, các mặt hàng ở chợ Đông Ba ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại hàng hóa. Từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái tại khu chợ này.

d10311c7827c45221c6d

 Chợ Đông Ba là một điểm đến thu hút lượng lớn du khách ghé thăm. 

Rảo quanh chợ Đông Ba, nhiều quầy hàng bán túi xách, giày dép, quần áo được ghi tên và gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Chanel, YSL, Nike,… và nhiều nhãn hàng “lạ” đến từ Trung Quốc. Những mặt hàng này đều được bán với giá thành rẻ đến bất ngờ.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng thực phẩm chỉ được đóng gói trong túi nilon thô sơ, không có nhãn mác, tên tuổi, hạn sử dụng, vẫn được bày bán công khai. Không những thế, nhiều tiểu thương còn mua những bao đồ ăn nhanh lớn rồi san ra từng bao nhỏ để bán cho khách hàng, việc này được thực hiện công khai giữa chợ khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về nguồn gốc của chúng.

5800709ae9212e7f7730

Các mặt hàng mang "thương hiệu nổi tiếng" nhưng gắn mác Trung Quốc. 

Ghé vào một sạp hàng mỹ phẩm, chúng tôi được giới thiệu nhiều sản phẩm sơn móng tay với những thương hiệu nổi tiếng như: Odessa, Elite, Felina,... mức giá chỉ từ 15.000 đồng/lọ loại 15ml. Theo chủ sạp, loại hàng này do Việt Nam sản xuất, còn loại đắt hơn được nhập về từ nước ngoài có giá 40.000 đồng/lọ, chênh lệch rất lớn so với giá sản phẩm chính hãng trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, 35 tuổi, du khách đến từ TP.HCM cho biết: “Mình đến chợ Đông Ba rất nhiều lần nhưng chủ yếu để tham quan là chính hoặc chỉ mua những mặt hàng là đặc sản địa phương. Khu chợ này bán rất nhiều mặt hàng mang danh các nhãn hàng nổi tiếng nhưng có giá rẻ hơn đến mấy chục lần giá do công ty công bố, mình không nhận định đó là hàng giả nhưng để tin và mua thì không”.

Không riêng gì chợ Đông Ba, nhiều khu chợ khác ở TP Huế cũng trong tình trạng “ngập” hàng giả, có thể kể đến như chợ Tây Lộc, chợ An Cựu,... Thực tế với giá bán chênh lệch quá lớn, người tiêu dùng đã dễ dàng nhận ra đâu là hàng thật, hàng giả. Thế nhưng thói quen mua hàng giá rẻ đã vô tình tạo cơ hội cho thị trường hàng giả, hàng nhái phát triển.

c0186c17ecac2bf272bd

Các loại bánh kẹo không nhãn mác được chia nhỏ để bán cho khách hàng. 

“Ở chợ có mấy ai bán hàng chính hãng, chủ yếu là hàng từ Trung Quốc nhái các thương hiệu nổi tiếng. Người ta nhập hàng giá rẻ về bán, cùng mẫu mã, nhãn mác nếu mình mua hàng thật tất nhiên phải bán giá cao hơn, làm sao cạnh tranh nổi”, một chủ sạp quần áo ở chợ Tây Lộc khẳng định.

Bà Lê Thị Kim Chi - Phó Ban Quản lý chợ Đông Ba cho biết: “Thời gian qua, Ban Quản lý chợ đã tuyên truyền, vận động tiểu thương bán hàng có xuất xứ, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Thông qua các văn bản cam kết để giúp các tiểu thương hiểu rõ về trách nhiệm khi buôn bán ở chợ”.

Mặc dù vậy, nhiều tiểu thương vẫn chưa có đủ kiến thức để phân biệt hàng giả, hàng nhái, chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện.

Khó khăn trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Theo ông Nguyễn Như Nhân – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, không riêng gì chợ Đông Ba, nhiều nơi trên địa bàn vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh, đặc biệt là các tiểu thương ở chợ. Đến nay, việc kinh doanh đang nhộn nhịp trở lại, lượng tiêu thụ hoàng hóa nhiều kéo theo các đối tượng làm hàng gian, hàng giả cũng hoạt động tích cực trở lại.

Mặt khác, sự tinh vi của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng làm lực lượng chức năng khó khăn trong công tác kiểm tra, xử phạt. Đặc biệt là công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn.

Khi bày bán ở chợ, các mặt hàng giả mạo trộn lẫn với hàng thật, để xác định được hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả cần phải thông qua bộ phận chuyên môn, hoặc có sự đánh giá nhận định của các đơn vị chủ thể quyền, các đơn vị bảo hộ cho thương hiệu, nhãn hàng,...

a4202b38a18366dd3f92

 Sơn móng tay mang thương hiệu nước ngoài  đồng giá 15 ngàn đồng/lọ.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị chủ thể quyền/ đại diện chủ thể quyền chưa chặt chẽ; công tác phối hợp xử lý, trả lời, xác định hàng hoá chưa kịp thời gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cũng theo ông Nhân, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái. Trước mắt, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng các cơ sở đầu mối thông tin, cung cấp đường dây nóng để khách hàng có thể phản ánh lên Cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an,... khi phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại.

a7d1fdce4675812bd864

 Sơn móng tay được giới thiệu sản xuất ở nước ngoài, đồng giá 40 ngàn đồng/lọ.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Thừa thiên Huế đang thực hiện Quyết định số 68/QĐ-QLTT ngày 12/5/2021 của Cục về kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bước đầu, đã tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với 25 Ban Quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

Các Đội Quản lý thị trường cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý đúng pháp luật các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển bền vững.

3ec7b2bc0f07c8599116

Hàng giả, hàng nhái cạnh tranh gây khó khăn cho các sản phẩm chính gốc. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kết hợp với Cơ quan chức năng liên quan, phát hiện 1.317 vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái...

Thực hiện xử lý vi phạm hành chính 1.054 vụ với số tiền gần 11 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn thuế hơn 15 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị hơn 9 tỷ đồng; xử lý hình sự 9 vụ với 8 bị can, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Phan Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ trong vụ kiểm tra kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
(SHTT) - Chiều 28/3 vừa qua, tại Siêu thị Trung Vân, địa chỉ Khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Đình Thành làm chủ, lực lượng QLTT đã phát hiện lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tài sản trí tuệ 5 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 6, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Trong kinh doanh ngày nay, việc sở hữu trí tuệ (IP) như bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền đang trở nên rất quan trọng và mang lại lợi nhuận không tưởng cho doanh nghiệp.