Hãng dược Sun Pharma thắng kiện trong tranh chấp sử dụng tên thương hiệu
Thẩm phán Amit Bansal cho biết, hãng dược Orison Pharmaceuticals đang sử dụng tên thương mại 'Orison/Orison Pharma/Orison Pharmaceuticals', tương tự như 3 tên thương mại được bảo hộ nhãn hiệu của Sun kể trên.
Theo thông tin từ toà án, hãng dược đã tiếp thị thuốc và công thức thuốc tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, đã có 45 cơ sở sản xuất trên 6 lục địa và 20 trung tâm nghiên cứu với hơn 30.000 lực lượng lao động đa văn hóa mạnh mẽ đến từ hơn 50 quốc tịch khác nhau. Công ty đứng vị trí số 1 trong ngành dược phẩm ở Ấn Độ, hãng xây dựng thương hiệu với 11 chuyên ngành khác nhau và là công ty dược phẩm đa quốc gia lớn thứ 4 thế giới.
Sau khi phát hiện tên thương hiệu của mình bị dùng song song, phía công ty Sun Pharmaceutical đã đệ đơn kiện lên toà án. Hãng dược đa quốc gia này đưa ra lời biện hộ mong muốn bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết cấm vĩnh viễn việc Orison Pharmaceuticals sử dụng tên thương mại “Orison/Orison Pharma/Orison Pharmaceuticals” và tuyên bố nhãn hiệu “Sun/ Sun Pharma” là “nhãn hiệu nổi tiếng”.
Bồi thẩm đoàn đã chú ý đến chi tiết Sun Pharmaceuticals bắt đầu tiếp thị các sản phẩm dược phẩm dưới tên thương mại “Sun/Sun Pharma/Sun Pharmaceuticals” từ năm 1978 đến nay.
Ngoài ra, toà án còn cho biết công ty đã gây dựng nỗ lực nhất quán trong việc bảo vệ các quyền theo luật pháp đối với tên thương mại “Sun/Sun Pharma/Sun Pharmaceuticals” và đảm bảo thực hiện lệnh cấm, đính chính chống lại các bên khác nhau sử dụng nhãn hiệu hoặc tên thương mại tương tự như của Sun Pharmaceutical.
Với những thông tin trên, toà án tối cao Delhi đã ra phán quyết công nhận “Sun Pharma” là tên nhãn hiệu nổi tiếng của Sun Pharmaceutical.
Tại Việt Nam, không chỉ tên thương hiệu trùng nhau gây ra nhầm lẫn, đi cùng với đó là sản phẩm giả, nhái kém chất lượng. Điển hình, mới đây, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra một điểm chứa trữ trong khu đô thị Times City, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh kinh doanh hợp pháp sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.
Hiện nay tình trạng hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng đang trở nên phổ biến trên thị trường, thông qua các kênh bán hàng online và các kênh phân phối không chính thống khác. Các nhãn hiệu thường bị nhái nhãn như: Gucci, Adidas, Nike, Chanel, Burberry, Louis Vuitton… bởi độ nhận diện cao, hút người tiêu dùng. Những nhãn hiệu này được gắn mác ở các mặt hàng như trang sức, túi xách, mỹ phẩm, giày dép, nịt… với giá rẻ, đa dạng hình thức phân phối số lượng lớn ra thị trường đã trực tiếp gây tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh.
Hải Hà