SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Ham hàng rẻ, người tiêu dùng Việt liệu có đang cổ xúy cho hàng giả?

07:37, 08/01/2022
(SHTT) - Rẻ, đẹp và có thể liên tục đổi “mốt” là những điều khiến người tiêu dùng Việt ngày càng đắm chìm vào hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho những kẻ làm ăn bất chính liên tục thu về những món hời siêu khổng lồ trong khi không biết tự bản thân đang tự lấy đá đập chân mình.

Người tiêu dùng đang giúp gian thương sinh lời

Trước đây, khi chưa có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử, thị trường hàng giả, hàng nhái đã luôn là món hời lớn. Tới nay, với sự tham gia của các nền tảng thương mại điện tử cùng các nền tảng mạng xã hội, hàng giả, hàng nhái lại như được đà bành trướng hơn nữa trong thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ cùng sự trải rộng của mạng Internet tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng được cơi nới với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,… càng trở nên thân thuộc hơn với người tiêu dùng Việt.

1

 

Theo các con số báo cáo mới nhất, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cứ 10 người tiêu dùng sẽ có 7 người truy cập kỹ thuật số. Việt Nam dự kiến sẽ có 53 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số vào cuối năm 2021. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2021 vừa được công bố cũng dự báo nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng 31%, đạt giá trị 21 tỷ USD trong năm nay nhờ hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với  sự phát triển đáng mừng của thị trường trẻ đầy tiềm năng này, các gian thương cũng có thêm mảnh đất mới để kinh doanh các sản phẩm hàng giả, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

2

 

Trên thực tế, sẽ không hề khó để bắt gặp các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc các kênh bán hàng theo hình thức livestream trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo các sản phẩm quần áo, túi xách, giày dép,… có bề ngoài giống với sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng. Thậm chí, nhiều sản phẩm giả còn được đi kèm hộp đựng đề rõ tên thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng chỉ được bán với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng, rẻ hơn hàng chục lần so với hàng thật.

Điều đáng lo ngại nhất ở đây đó là, theo thống kê của Tổng Cục Quản lý thị trường, hiện có tới khoảng  80% người tiêu dùng Việt biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn quyết định “chốt đơn” do nhiều sản phẩm làm giả hàng chính hàng được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng và đáp ứng được yêu cầu rẻ - đẹp của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập hạn chế nhưng lại sính hàng hiệu.

Mua hàng giả bằng tiền thật, người tiêu tiêu dùng đang tự lấy đá đập chân

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mua đồ khi biết đó là hàng giả của người tiêu dùng không chỉ góp phần cổ xúy cho hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm tại thị trường Việt Nam mà còn trực tiếp khiến bản thân chịu thiệt hại trên nhiều phương diện khác, đặc biệt là sức khỏe.

Nếu như các mặt hàng may mặc không tạo ra quá nhiều tác hại về sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng thì những món khác như mỹ phẩm, dược phẩm,… sẽ là những mối nguy lớn có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho người dùng nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

23

 

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh diễn ra, những tin tức về việc phát hiện hàng loạt các kho hàng hoặc địa điểm sản xuất các thiết bị, vật tư y tế,… trong đó phổ biến nhất là mặt hàng khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ y tế, thuốc điều trị COVID-19 được đưa với mức độ dày đặc trên khắp các kênh truyền thông trên cả nước. Những sản phẩm này nếu không được kịp thời phát hiện sẽ nhanh chóng được đưa vào lưu thông tại thị trường và chắc chắn, trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, phần lớn trong số đó sẽ được thực hiện mua bán thông qua các chợ thương mại điện tử hoặc các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo.

5

 

6

 

Với mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử của đại dịch này, hành vi kinh doanh thiết bị y tế giả, không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật nhà nước Việt Nam không chỉ là hành vi kinh doanh vi phạm mà còn là hành vi vô nhân đạo của bọn gian thương và có thể gây ra hiệu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe nhân dân cũng như công sức của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trên thực tế, với tâm lý ham rẻ nên mặc dù là đối tượng chịu thiệt hại chính, nhưng nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam lại không ý thức rằng mình đang gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái trên thị trường và tiếp tục làm giàu cho gian thương.

Theo các chuyên gia, hành vi này đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường thương mại điện tử nước ta. Trước hết đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp bị mất uy tín, mất doanh thu, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, thị trường, khách hàng. Xa hơn nữa, những hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, gian dối.

"Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp cần tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ cho người tiêu dùng để họ phân biệt được các trang website thật và các trang giả. Khi phát hiện sai phạm, họ cần thông tin đến các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định.

Như vậy, việc đa số người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận mua và sử dụng hàng giả hiện nay không chỉ vô tình cổ xúy cho hàng giả có đất phát triển mà còn khiến cơ quan chức năng gặp khó trong hoạt động đấu tranh với tội phạm, đồng thời khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn về mặt kinh tế.

Người tiêu dùng chính là nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống lại hàng giả tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), để đạt được mục đích thu lợi bất chính, nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu thường xuyên thay đổi thủ đoạn hoạt động nhằm né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng như thuê các đơn vị vận chuyển làm đơn vị trung gian để giao dịch hàng hoá với người tiêu dùng; các đối tượng sử dụng hình ảnh của các sản phẩm chính hãng để quảng bá sản phẩm; lợi dụng vào các công cụ thanh toán số để thực hiện giao dịch; các sản phẩm khi kinh doanh thường không được ghi đầy đủ thông tin về người bán, địa chỉ một cách cụ thể...

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý.

Các đối tượng còn thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận mà lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra để vận chuyển hàng. Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng…

Ông Lê cho biết, hiện có 4 nhóm giải pháp chính để ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận thương mại trong thương mại điện tử được áp dụng: Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật; Nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; Xây dựng đội ngũ chuyên trách nâng cao năng lực xử lý hành vi trên sàn thương mại điện tử; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao năng lực hành vi của người tiêu dùng và người bán hàng.

7

 

Để nhận diện hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm như sau: Giá cả của sản phẩm quá rẻ so với giá mà nhà sản xuất hàng chính hãng đưa ra thị trường; Người bán hàng không cung cấp được đầy đủ thông tin của sản phẩm; Người tiêu dùng nên tìm hiểu về sản phẩm, đơn vị bán hàng có uy tín hay không; Liên hệ đến các cơ quan chức năng gần nhất, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường khi phát hiện ra mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Có thể khẳng định, không có cầu nguồn cung sẽ tự mất, do đó, để ngăn chặn hoàn toàn hàng giả thâm nhập thị trường, để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho chính bản thân, đồng thời không tiếp tay giúp gian thương làm giàu trên đồng tiền mồ hôi công sức của chính mình, người tiêu dùng cần loại bỏ thói quen mua và sử dụng hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm pháp luật.

Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái và “chốt đơn” một cách thông minh trên các sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội!

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N, địa chỉ trụ sở chính: Phường Phan Đình Phùng, Thị Xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà số tiền 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi vừa phối hợp với Trạm CSGT Đức Phổ - Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang lưu thông trên thị trường.