Hà Nội từng bước trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước
Ngày 14/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Giáo dục Thủ đô đạt được nhiều thành tích xuất sắc
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội cho biết hiện có trên 2.900 trường mầm non, phổ thông; tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2023-2024, sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn 43 học sinh so với năm 2023; nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là có 2 học sinh giành 2 Huy chương vàng Olympic sinh học và hóa học, 3 học sinh đạt giải trong kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, 35 học sinh đạt giải quốc gia trong cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp...
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11), trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua.
Hà Nội là địa phương có số bài thi điểm 10 thi nhất cả nước với 915 điểm 10, 1 thí sinh đạt tổng điểm thi cao nhất cả nước (57,85 điểm). Điểm trung bình nhiều môn của thí sinh Hà Nội đều tăng so với điểm trung bình của cả nước như các môn toán, ngữ văn, vật lý, lịch sử, ngoại ngữ... Ngoài ra, học sinh Thủ đô còn giành 339 huy chương, xếp thứ 2 toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024.
Đáng chú ý, năm học 2023-2024, các trường học đã kết nạp đảng cho 200 học sinh, cao hơn 2 lần so với năm học trước. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành giáo dục Thủ đô
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cũng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng, phát triển, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm học trước.
Theo đó, các nhiệm vụ gồm: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo Thủ đô; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh. Bên cạnh đó, ngành chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh các phong trào thi đua; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, các nhà trường đã tổ chức an toàn, hiệu quả công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10, khắc phục được hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh của những năm trước như không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh, bốc thăm để vào trường công lập... Thành phố đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 hecta trở lên…
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định: Hà Nội luôn tập trung mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục Thủ đô. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn để đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Hai năm qua, số lượng trường lớp các cấp tại Hà Nội phát triển rõ rệt. Đơn cử tại Hoàng Mai xây mới 17 trường; riêng năm 2024, khánh thành 4 trường công lập, góp phần giảm áp lực về sĩ số trường lớp, đảm bảo chỗ học cho con em Nhân dân trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng và thúc đẩy phát triển giáo dục, Hà Nội đã triển khai thí điểm định mức đơn giá giáo dục, bước đầu cho kết quả khả quan, tích cực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các nhà trường.
Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm học trước, tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh…
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và TP, phát huy tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học 2024 – 2025; tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành, tiếp tục tiên phong đổi mới để giáo dục Hà Nội là tiêu biểu cho trí tuệ và dẫn đầu cả nước.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh mong rằng, môi trường giáo dục thực sự là những mảnh đất tốt để ươm mầm tốt. Toàn ngành tích cực quan tâm vấn đề vệ sinh ATTP trường học; học sinh phải được ăn sạch, đúng định lượng và đủ dinh dưỡng để bảo đảm phát triển thể chất, tinh thần; trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024. Nhằm lan tỏa ý nghĩa của phong trào “Tiếng trống học bài”, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Thủ đô, thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Hệ thống giáo dục Marie-Curie đã trao 70 chiếc trống lớn đến các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.
Hương Mi