Hà Nội: Tiêu hủy hơn 20 tấn thịt bò đông lạnh không rõ xuất xứ trước thêm Tết Nguyên đán
Cụ thể, vào ngày 17/1/2023, Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với Đội 10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho tiêu hủy hơn 20 tấn thịt bò đông lạnh không rõ nguồn gốc, có nhãn chữ nước ngoài.
Trước đó, qua công tác trinh sát nắm tình hình đại bàn, ngày 18/6/2022, Đội 5 Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội 10 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra tại kho lạnh An Việt 3 – thuộc Công ty Cổ phần Tiêu chuẩn Việt, địa chỉ tại Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 20 tấn thịt bò đông lạnh chứa trong 805 thùng carton có nhãn chữ nước ngoài.
Qua xác minh, số hành hóa trên của Công ty Xuất nhập khẩu Đầu tư và Sản xuất An Thịnh Phát, chủ hộ kinh doanh là Nguyễn Như Ý.
Lực lượng chức năng cho biết, cả hai tổ chức và cá nhân trên không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng trên.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, đoàn kiểm tra đã đề xuất UBND TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt đối với hai tổ chức và cá nhân trên là 270 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa là tang vật vụ việc.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Nội dung công điện giao Bộ Công Thương cần có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Bộ Công an tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về KSGM động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm; tham mưu Chính phủ bịt kín các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về KSGM động vật và bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (nếu có).
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
WHO cảnh báo về 2 loại siro ho của Ấn Độ liên quan đến các ca tử vong
-
Ưu điểm của trọng tài trong giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ
-
Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc: 'Nước ta có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế'
-
Samsung giữ ngôi đầu trên bảng xếp hạng bằng sáng chế tại Mỹ