SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Hà Nội: Tập trung xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai

08:57, 01/01/2023
(SHTT) - UBND thành phố Hà Nội vừa cung cấp thông tin về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Năm 2022, UBND TP Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm triển khai, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp để xử lý kiên quyết đối với các trường hợp chây ỳ, chủ đầu tư không có năng lực.

UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện rà soát, tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án; trong quá trình thực hiện tiếp tục chủ động, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư nhằm khắc phục vi phạm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực và Sở, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực kiểm tra các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chậm triển khai và đề xuất xử lý; Kiểm tra các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai và đề xuất xử lý; Việc thường xuyên rà soát và cập nhật, đề xuất xử lý đối với các dự án chậm triển khai theo 2 loại trên.

Cùng với đó, TP thành lập 5 Đoàn thanh tra liên ngành để tổ chức thanh tra và có kết luận đối với từng dự án, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các biện pháp, tập trung xử lý theo quy định của pháp luật.

dat cham trien khai

 

UBND TP cũng thông tin các số liệu cụ thể như sau: Đến hết năm 2022, với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án loại khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố;

59 dự án chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 3 dự án Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra đang thụ lý, xử lý theo quy định.

31 dự án đang được Sở Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra và đề xuất xử lý tiếp; 19 dự án còn lại đang được Sở Kế hoạch & Đầu tư tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định.

Với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 109 Dự án với tổng diện tích 326 ha đất, Chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm; đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.

UBND TP cũng xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động với 44 dự án với tổng diện tích 2.607 ha đất (đã ban hành văn bản đối với 23 dự án, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đối với 21 dự án còn lại).

85 dự án với tổng diện tích 132ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng: UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và Chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng (UBND TP đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền 498 tỷ đồng).

152 dự án với tổng diện tích 3476,93ha đất: Tiếp tục đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án tại từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.

14 dự án với tổng diện tích 296,4 ha đất: Dừng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện do trùng các Đoàn thanh tra, kiểm tra khác.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý gần 250 dự án và đã được UBND TP chỉ đạo cụ thể.

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy và Nghị quyết số 04 của HĐND TP, UBND TP quyết tâm thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành Kế hoạch, khung tiêu chí xử lý đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong tháng 12-2022, tổ chức thực hiện dứt điểm xong trước ngày 31/5/2023, định kỳ báo cáo hằng tháng.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, đôn đốc đối với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng, tham mưu, báo cáo UBND thành phố xử lý đối với từng trường hợp. Đồng thời, rà soát, tham mưu UBND thành phố báo cáo đề nghị HĐND thành phố về việc bổ sung Nghị quyết số 04/NQ-HĐND trong quý I-2023 về biện pháp, nội dung thực hiện, tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung cần thiết, đưa đất vào sử dụng, khung tiêu chí xử lý đối với nhóm dự án có tính chất tương đồng để làm cơ sở cho các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật; danh mục các dự án bị thu hồi đất, chấm dứt việc thu hồi đất, giao đất cho thuê đất, thu hồi, chấm dứt, dừng thực hiện…

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện và thị xã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thông tin về tổng hợp, kết quả xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; các dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật đến cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng, định kỳ báo cáo hằng tháng.

UBND thành phố cũng yêu cầu, đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được duyệt hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng...

Các chủ đầu tư chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thành phố để thực hiện; tập trung nguồn lực, khắc phục giải quyết các khó khăn, vướng mắc; cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đầy đủ các quy định, đưa đất vào sử dụng hiệu quả đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm, thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…   

Vân Anh

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trọng, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ngược lại càng thôi thúc anh đam mê lao động, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm để vươn lên làm giàu.
Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Đội chiến thắng vòng loại cấp quốc gia sẽ đại diện cho Việt nam bước vào Vòng thi chung kết Quốc tế diễn ra tại Luân Đôn vào ngày 19-20/6/2024.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Được chú trọng quy hoạch về không gian sống, từ hệ sinh thái xanh an lành đến các tiện ích thể dục thể thao, vui chơi thư giãn…, Eurowindow Twin Parks không chỉ đón đầu xu hướng sống xanh năng động mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.