Hà Nội tăng cường hợp tác với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)
Trao đổi tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Phúc Kiến đã nêu bật những dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ hợp tác và tình cảm hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, hướng đến xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Phúc Kiến và các địa phương Việt Nam trong lịch sử cũng hết sức gắn bó, thường xuyên có giao thương, đi lại.
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Đông cho biết, Phúc Kiến là tỉnh với đường bờ biển dài, dân số hơn 40 triệu người, và vinh dự từng là nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc làm việc trong 18 năm, tạo ra nhiều cải cách quan trọng, thúc đẩy một di sản tư tưởng và thực tiễn vô cùng quý giá. Phúc Kiến còn là điểm khởi đầu, cũng là một trọng tâm phát triển của “con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21.
Theo đồng chí Trần Đông, Nhân đại Phúc Kiến được thành lập năm 1979 với cơ chế làm việc cơ bản tương đồng với Hội đồng Nhân dân của các địa phương Việt Nam, trong đó luôn chú trọng tới hoạt động giám sát, đôn đốc, kiểm tra… các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, Phúc Kiến cũng là địa phương đi đầu về bảo tồn sinh thái, nguồn nước, chất lượng không khí, môi trường…, cũng là những lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác với Thủ đô Hà Nội.
Đánh giá cao với chia sẻ của đồng chí Trần Đông, đồng chí Phạm Quý Tiên khẳng định, việc hai nước thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với sự tin cậy chính trị, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục có điều kiện phát triển thuận lợi và hiệu quả.
Giới thiệu sơ bộ về tình hình phát triển của Thủ đô Hà Nội, đồng chí Phạm Quý Tiên cho biết, trong những năm qua, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế của Thủ đô luôn duy trì ở mức cao trong khu vực. Quy mô GRDP Hà Nội năm 2023 ước đạt 54,2 tỷ USD; Khách du lịch quốc tế đến Thủ đô Hà Nội đạt hơn 4 triệu lượt, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt khoảng 8 % tổng số lượt du khách quốc tế.
Vừa qua, để có sự phát triển chiến lược lâu dài, bền vững, Hà Nội đã báo cáo Trung ương, Quốc hội; Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế chính sách vượt trội so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phối hợp các Bộ, ngành trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô. 3 văn bản này là cơ sở pháp lý rất tốt để giúp cho Hà Nội phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Về hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố, đồng chí Phạm Quý Tiên cho biết, Hội đồng Nhân dân Thành phố những năm qua luôn hoàn thành các trọng trách với nhiều dấu ấn quan trọng, được cử tri nhân dân Thủ đô ghi nhận, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, là “điểm sáng”, là “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển của Phúc Kiến, đồng chí Phạm Quý Tiên cho biết nhiều thế mạnh của tỉnh như điện tử, hóa dầu, chế tạo máy, thiết bị, dệt may và các lĩnh vực có ưu thế cạnh tranh như nông nghiệp, kinh tế biển… phản ánh tiềm năng hợp tác giữa Phúc Kiến và Hà Nội rất lớn. Đồng chí tin tưởng, việc tăng cường tiếp xúc giữa các đoàn đại biểu hai bên sẽ mở ra cơ hội thuận lợi để nghiên cứu triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực trong tương lai.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cũng đề xuất một số ý kiến để tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hà Nội và tỉnh Phúc Kiến. Một là, thúc đẩy giao lưu, trao đổi đoàn các cấp giữa hai thành phố dưới nhiều hình thức khác nhau, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Hà Nội hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn có thế mạnh về vốn, công nghệ của thành phố Thâm Quyến sang Việt Nam đầu tư mới, mở rộng kinh doanh, nhất là trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Ba là, tăng cường giao lưu nhân dân giữa Phúc Kiến với Hà Nội, góp phần tạo nền tảng xã hội bền vững cho sự phát triển quan hệ hai bên. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều người dân Phúc Kiến đến thăm Việt Nam và nhiều người Việt Nam đến thăm Phúc Kiến, hiểu nhau, gần nhau hơn.
Đánh giá cao các chia sẻ của đồng chí Phạm Quý Tiên, đồng chí Trần Đông cũng bày tỏ nhất trí cao với những đề xuất về đường hướng hợp tác trong tương lai, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Phúc Kiến với các địa phương của Việt Nam trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều bước phát triển mới trong thời gian tới.
Lê Hải