Hà Nội: Tăng cường công tác y tế, hỗ trợ bà con vùng ngập lụt
Theo chỉ đạo của đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất;
Chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 3 huyện trên.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu thành viên ban chỉ huy bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cung cấp thông tin, báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy thành phố trước 16 giờ hằng ngày để tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy chỉ đạo ngày;
Cung cấp thông tin chính thức tới các cơ quan truyền thông, tránh để thông tin chậm, thất thiệt, sai bản chất về tình hình mưa lũ, gây hoang mang trong nhân dân vùng lũ lụt đang gặp rất nhiều khó khăn…
Đặc biệt, về vấn đề y tế, TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động và đội phòng chống dịch cơ động.
CDC Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động để hướng dẫn các trung tâm y tế và phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị Cloramin B 25% để vệ sinh môi trường khi nước rút, nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Được biết, tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu; phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.
Còn tại huyện Quốc Oai, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được ngành Y tế và chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã cấp phát 10kg Cloramin B 25% đến các xã bị ngập phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; chỉ đạo trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn và xử trí người bệnh tại các vùng bị ngập.
TS Nguyễn Đình Hưng lưu ý người dân cần đặc biệt chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết và các bệnh liên quan đến thực phẩm trong mùa mưa lũ. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra tại các khu vực bị ngập úng.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết... trong điều kiện bão lũ, thiên tai.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Đổi mới sáng tạo ngành y dược: Giải pháp đột phá để phục vụ người bệnh
-
Lễ trao chứng nhận Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam năm 2024: Tôn vinh những doanh nghiệp uy tín
-
Hà Nội tập trung lực lượng, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất
-
Xã Xuân Lộc tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao