Hà Nội: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển với nhiều ưu thế vượt trội
Nhiều chính sách chăm lo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy tài năng trẻ được đề xuất. Các cuộc thi, giải thưởng phát huy khả năng sáng tạo của thanh niên được tổ chức đa dạng. Các phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, tay nghề, đảm nhận các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thi đua lao động sản xuất được tiếp tục triển khai và lan tỏa rộng rãi.
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Ðẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", các cấp bộ Đoàn Thủ đô đã tích cực tổ chức các hoạt động thực hiện 5 đề án trọng điểm để tiến hành triển khai, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, qua đó góp phần phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như Cụm đồng bằng sông Hồng nói chung.
Trước đó, tại lễ phát động cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ 7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp, Thủ đô Hà Nội không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 với định hướng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” đã định hướng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Thủ đô. Những chính sách này đã giúp Hà Nội tạo ra một môi trường thuận lợi, hấp dẫn cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cân bằng tốt nhất
Năm 2023, Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm có 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu, phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tác động.
Theo kết quả xếp hạng PII 2023, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất 62,86 điểm với đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 62,55 và đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 63,17. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhận xét, Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích,giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người. “Hà Nội có những điểm mạnh và có điểm chưa mạnh, nhưng tổng thể Hà Nội là địa phương có các điểm cân bằng tốt nhất, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ cân bằng nhất so với các địa phương khác. Vì vậy, điểm trung bình của Hà Nội là điểm tốt nhất”, Thứ trưởng Hoàng Minh nêu rõ.
Còn theo Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Văn Nghĩa - đại diện đơn vị xây dựng và triển khai PII, Hà Nội có những số liệu vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Thành phố đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm. Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước...
Tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng chỉ ra các điểm yếu của Hà Nội thông qua một số chỉ số, như: Chi cho giáo dục; cơ sở hạ tầng chung; tỷ lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đào tạo STEM/STEAM…
Bước đột phá chiến lược
Với Hà Nội, kết quả PII 2023 là không quá bất ngờ. Năm 2022, Hà Nội cũng dẫn đầu khi có số điểm về chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất (61,07 điểm) trong số 20 địa phương thử nghiệm PII 2022.
Trước đó, thành phố đã xác định, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn Thủ đô tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên
cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững. Chương trình số 07-CTr/TU tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Thành phố cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
Phát huy những thế mạnh, hạn chế những điểm yếu
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, tuy dẫn đầu Chỉ số PII 2023 nhưng những kết quả về hoạt động đổi mới sáng tạo của Hà Nội thời gian qua được ghi nhận chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô. Nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố thấp…
Như Thứ trưởng Hoàng Minh đã nói rõ, mục đích của bộ Chỉ số PII không phải là so sánh, xếp hạng giữa các địa phương mà là mô tả thực trạng của từng địa phương để các địa phương xác định biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết các tiềm lực, khả năng của mình để có chính sách và điều chỉnh. Đặc biệt sự điều chỉnh này sẽ dựa theo hướng phát triển của các địa phương bởi mỗi địa phương sẽ có đặc thù khác nhau và định hướng phát triển khác nhau. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, thông qua số liệu về đo lường, đánh giá từ bộ Chỉ số PII2023, Hà Nội có được tầm nhìn tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực về năng lực đổi mới sáng tạo, qua đó sẽ phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm còn tồn tại của mình. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học... trên địa bàn cùng vào cuộc. Hiện Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo; tiếp tục quan tâm phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô.
Hà Nội đang triển khai “Mạng lưới Sáng kiến Thủ đô” và phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân để phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho hay.
Mặc dù, Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán dẫn tới việc các nhà đầu tư khó tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách. Tỷ lệ hỗ trợ còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn với các doanh nghiệp. Hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế, hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế... “Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát. Trong khi đó, công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao”, ông Lê Văn Quân thông tin thêm.
Cần đẩy mạnh kết nối nguồn lực
Vấn đề hiện nay của Hà Nội là cần sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nhiều bạn trẻ từ thung lũng silicon trở về nhưng chưa chọn Hà Nội để “dừng chân”. Những người học tập và trưởng thành tại Hà Nội đi các thị trường lớn rất nhiều nhưng chưa có sự kết nối về Hà Nội. Do vậy, Hà Nội cần có nhiều sáng kiến để xây dựng các mối liên kết, kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Đặng Thị Hương cũng cho rằng, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố cần phải triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ, thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo; triển khai các gói hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.
Đến nay, qua 2 lần lấy ý kiến, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Đề án trình UBND thành phố và đổi tên Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội thành Khu dịch vụ Hỗ trợ khởi nghiệp - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội. Dự kiến khi đi vào vận hành, khu dịch vụ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, tiếp sức cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo để các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ non trẻ có thể hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh và phát triển nhanh chóng thành các doanh nghiệp có giá trị cao.
Hữu Phúc