Hà Nội: Đề xuất giải pháp giúp cải thiện chất lượng không khí
Theo công bố của cơ quan quan sát chất lượng không khí IQAir, liên tiếp nhiều ngày trong tháng 10 chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thậm chí, sáng 7/10, Hà Nội còn phải nhận “danh hiệu” thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm lên tới gần 200 - ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.
Theo các chuyên gia môi trường, một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội là khí thải từ phương tiện giao thông. Với hơn 8 triệu phương tiện giao thông, phần lớn là xe máy và ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Theo ước tính, các phương tiện giao thông chiếm tới 30% tổng lượng khí thải, với các hạt bụi mịn từ động cơ diesel và xăng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm. Thêm vào đó, hoạt động công nghiệp và xây dựng cũng là yếu tố làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Cùng với đó, yếu tố nghịch nhiệt và điều kiện thời tiết hanh khô hiện nay cũng góp phần khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người đang mắc các bệnh mãn tính. Do đó, việc nhanh chóng ban hành các biện pháp cấp bách giúp hạn chế tình trạng này là vô cùng cấp thiết.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải, xe máy, nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí hạn chế xe máy.
Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi. Quy định về kiểm soát khí thải với xe máy có từ Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng quá trình triển khai gặp phải nhiều khó khăn và đến nay tiếp tục thực thi là hoàn toàn chuẩn xác, cấp thiết và xu thế tất yếu bắt buộc phải kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới trên các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý cách thức triển khai cần nghiên cứu bài bản, không làm ảnh hưởng xáo trộn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn kiểm soát được khí thải xe máy.
Muốn xúc tiến nhanh nữa về kiểm soát khí thải với xe máy đang lưu hành, ông Tạo đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng ở mức nào để có thể chấp nhận được và xe nào chất lượng kém hơn cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ thì sẽ có chất lượng khí thải đạt ngưỡng tốt trong thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra, ông Tạo góp ý vấn đề tổ chức trung tâm kiểm định khí thải xe máy cũng cần có giải pháp để làm sao có thể không ảnh hưởng nhiều người dân chờ đợi kiểm định xe; cần có cơ sở hành lang pháp lý để quy định cho cơ sở mới nhằm tạo dựng nghề chuyên kiểm định xe gắn máy thì mới làm nhanh và phục tốt nhân dân.
TH