Hà Nội: đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục tư thục lên 21%
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục tư thục đạt tỷ lệ 21% số cơ sở và 14-16% số học sinh vào năm 2025.
Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh, phấn đấu số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%.
Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 13% và số học sinh theo học tại các trường phổ thông tư thục đạt 15%.
Đối với giáo dục đại học, nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo của trường Đại học Thủ đô theo Đề án Phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở đào tạo của Trường đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đạt tỷ lệ 50%.
Kế hoạch đặt ra 5 giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế; Cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ; hướng dẫn và phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng phù hợp với quy định, đảm bảo cân đối phát triển hệ thống trường công lập và tư thục.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện và rà soát mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố; triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn. Khuyến khích các trường thu hút chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hợp tác, cộng tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập và tư thục.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện và rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã chú trọng phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ học sinh học nghề. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Căn cứ định hướng, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của xã hội, thực hiện xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục tư thục trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương.
Và có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục tư thục từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
PV