SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Hà Nội đảm bảo bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán

20:54, 16/12/2022
(SHTT) - Chiều 16/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 và công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão. Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng chủ trì cuộc họp báo.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết: Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, GRDP quý II và III tăng cao hơn quý trước: Quý I tăng 5,91%; Quý II tăng 8,22%; Quý III tăng 15,30%; Quý IV tăng 6,7%.

Năm 2022, GRDP dự kiến tăng 8,89%, trong đó: Dịch vụ tăng 10,06%; Công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,76%.

Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì tăng trưởng cao: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước tính đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 6,3%); ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%.

hop bao

 

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Lũy kế 11 tháng, khách nội địa đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; Khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; Ước tính năm 2022, IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; Cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò, gia cầm đều tăng.

Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Lũy kế 11 tháng, TP Hà Nội thu hút khoảng 1.540,4 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%). Trong 11 tháng năm 2022, có 27.601 doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số doanh nghiệp và tăng 4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Trong đó, đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP phê duyệt 4 đồ án quy hoạch quan trọng: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TP cũng đang tập trung triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đẩy mạnh phát triển, tổ chức lại mạng lưới giao thông, góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tập trung rà soát, xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô quý III và năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Chuyển đổi số còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ. Thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng. Xuất hiện một số khó khăn trong lĩnh vực y tế. Tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

Năm 2023, TP. Hà Nội đặt ra nhiều nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh công tác quy hoạch. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Riêng về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND TP. Hà Nội cho biết, để đảm bảo nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, thành phố đã tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường; vận động, tuyên truyền, đấu tranh bài trừ các hoạt động lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh...

Tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng đông người trên địa bàn. Chủ động, phối hợp Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố tổ chức các hoạt động phục vụ Tết trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn; tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết tới các đối tượng chính sách xã hội và thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, vùng xa trung tâm và những nơi khó khăn.

Chú trọng triển khai việc đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để vui Xuân, đón Tết.

Hà Anh

Tin khác

Kinh tế 6 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.