Hà Nội công nhận danh hiệu 'Làng nghề Hà Nội' và 'Nghề truyền thống Hà Nội'
Theo Quyết định, Hà Nội công nhận ba danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với các nghề: Sản xuất sản phẩm từ cốm phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực và đúc đồng Ngũ Xã, phường Trúc Bạch thuộc quận Ba Đình; Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Thành phố cũng công nhận một danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” đối với làng nghề mộc Vạn An, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây.
Mỗi làng, nghề được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”, “Nghề truyền thống Hà Nội” được UBND thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu và được hỗ trợ 6.000.000 đồng. Kinh phí hỗ trợ trích từ ngân sách đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo Hà Nội giao Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, các làng nghề, nghề và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Thủ đô Hà Nội được biết đến là địa danh của “vùng đất trăm nghề”, với nhiều làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Các làng nghề đều mang những giá trị văn hóa truyền thống có tính cộng đồng rất cao. Nhiều năm qua, người dân ở các làng nghề không những gìn giữ được nghề truyền thống mà còn phát huy những giá trị văn hóa, giá trị vật chất từ các nghề truyền thống, mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống giờ đây không chỉ gói gọn trong làng, xã mà còn vươn ra trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Có thể nói, mỗi làng nghề ở Thủ đô đều có những sản phẩm mang sắc thái riêng, văn hóa riêng của địa phương mình. Những sản phẩm của các làng nghề ngày nay đều rất đa dạng mẫu mã và nhiều chủng loại, có những sản phẩm đã được nâng tầm về công năng sử dụng và mẫu mã rất bắt mắt, phù hợp với sự phát triển của xã hội ngày nay. Vì thế các sản phẩm của các làng nghề truyền thống này được các quốc gia khác trên thế giới lựa chọn, bởi nó rất thân thiện với môi trường.
Thông qua mỗi sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống, có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng xã hội. Cùng với sự phát triển của Hà Nội, những giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề vẫn tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ sau. Tiềm năng của mỗi làng nghề cũng được chính các nghệ nhân phát huy, từ đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Minh Hà