SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Hà Nội: Cân đối tăng giá nước sạch để phù hợp nhu cầu thực tiễn

07:12, 18/05/2023
(SHTT) - Nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân Hà Nội ngày càng tăng do tốc độ đô thị hóa. Vì vậy việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố là điều cần thiết và phù hợp nhu cầu thực tiễn.

Nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một vài khu vực 

Trong kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận định nhu cầu sử dụng nước sạch trong mùa hè tăng cao.

Đặc biệt, khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, nên có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại các khu vực này. Còn trường hợp xảy ra sự cố, tình trạng thiếu nước cục bộ không chỉ xảy ra với khu vực cuối nguồn mà còn ảnh hưởng tới khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn nước mặt sông Đà. Các địa bàn chịu tác động gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000m3/ngày, đêm chưa hoàn thành; giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn giá bán buôn nước mặt sông Đà nên Công ty Viwaco tập trung khai thác tối đa công suất của nhà máy nước mặt sông Đà, dẫn tới khu vực có cốt địa hình cao như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức thiếu nguồn ở điều kiện bình thường...

ha noi tang gia nuoc sach

 

Việc tăng giá nước xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Và sau gần 10 năm không tăng giá, TP Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh mức giá nước sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là tiền đề để Thành phố có những điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn cung cũng như bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nước sạch.

Hiện nay, giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38/QĐ-UBND ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015).

Đến năm 2019, TP đã có kế hoạch điều chỉnh giá nước 3 năm một lần. Phương án điều chỉnh được liên ngành thành phố xây dựng năm 2019 theo lộ trình 3 năm 2020 - 2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên thành phố chưa xem xét phương án trên.

Từ thực tế hiện tại, Sở Tài chính Hà Nội đã trình phương án đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, đó là điều chỉnh giá 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng. Như vậy, với nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/ người, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/ người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng giá nước, đại diện Sở Tài chính cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cơ học.

Đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế… Từ đó, đại diện Sở Tài chính khẳng định, việc tăng giá nước là điều cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Sở Tài chính cũng nhấn mạnh hiện nay các chi phí cấu thành giá nước đều tăng và các cơ chế chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nên giá nước đến thời điểm hiện nay cơ bản không đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước.

Cụ thể là tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 2.350.000 đồng/tháng (năm 2013) lên 4.680.000 đồng/tháng-căn cứ Nghị định số 38/2022/NĐ-CP; mức lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, chi phí điện tăng bình quân từ 1.437 lên 1.864 đồng/kwh. Các loại thuế, phí cũng tăng trong 10 năm qua. Chẳng hạn như thuế tài nguyên khai thác nước ngầm năm 2013 quy định 3% đến nay là 5%. Điều này đã làm chi phí thuế tài nguyên tăng 222,2 lần so với phương án được duyệt năm 2013…

Vì vậy nếu không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như: làm chậm tiến độ của các dự án đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy định cấp nước.

Bên cạnh đó, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cung cấp nước. Khi các doanh nghiệp cung cấp nước bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô… Việc tăng giá cũng khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước sạch và chống thất thoát.

Việc tăng giá nước không tác động đến khả năng chi tiêu của người dân

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt đến khả năng chi trả của khách hàng, Sở Tài chính cho biết, dự kiến đối với các hộ dân cư với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức đến 10 m3 thì số tiền phải chi thêm khoảng: 15.270 đồng/tháng. Đối với các nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì mức giá nước tăng khoảng 20%, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng chi phí. Theo tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng chung của thành phố là 1,48%.

Theo tính toán của Sở Tài chính, tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%. Như vậy, mức tăng theo lộ trình cơ bản không tác động đến đời sống và khả năng chi tiêu của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đáng chú ý, giá nước sạch sinh hoạt đề xuất điều chỉnh của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh, thành đã ban hành, trong đó giá nước cho mục đích sinh hoạt 1 (của gia đình sử dụng đến 10 m3/tháng) của Hà Nội thấp hơn nhiều tỉnh, thành. Cụ thể, tiền phải chi trả cho 10 m3 nước đầu tiên của Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ, Điện Biên là 80.000 đồng/hộ…

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.