Hà Đông: Khu đô thị mới Văn Khê cắt điện cầu thang máy giữa mùa dịch
Chủ đầu tư có nhiều quyết định sai trái
Theo đơn phản ánh của người dân, ngày 27/8/2021 Ban Quản lý dự án khu đô thị mới Văn Khê (gọi tắt là BQL) thuộc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông đà – Thăng Long ra thông báo số 99/2021/TB-BQL về việc tạm ngừng dịch vụ đợt 1 đối với 1 số hộ tại tòa nhà 101, 102. 103 CT1 Usilk City, thuộc tổ Dân phố số 10, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.
Lý do tạm dừng dịch vụ (ngắt thẻ thang máy) đối với các hộ chưa đóng đủ tiền điện, nước và tiền dịch vụ của các tháng đến hết tháng 6/2021.
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của cư dân, BQL đã có hành vi lạm quyền khi tự ý cắt dịch vụ thẻ thang máy, vấn đề này liên quan đến việc tự ý tăng giá dịch vụ từ 2.000đ/m2 lên 5.000đ/m2 khi chưa có sự đồng ý của đại đa số cư dân trong cụm tòa nhà này.
Được biết, Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long (CĐT) đã thành lập và ủy quyền cho BQL có chức năng quản lý, giám sát thi công các hạng mục công trình của cụm CT1 đến khi hoàn thành việc bàn giao. Theo quy định của pháp luật thì BQL không có chức năng vận hành và khai thác khi chưa hoàn thành bàn giao 100% các hạng mục chính của dự án như hệ thống điện, nước, PCCC...Điều kiện để thành lập BQL thì CĐT phải hoàn thành và bàn giao 100% các hạng mục của cụm toàn nhà CT1 và điều kiện để vận hành tòa nhà thì CĐT không có chức năng để vận hành tòa nhà vì chưa đăng ký với Cục QL nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).
Đồng thời, theo Luật nhà ở được Quốc hội ban hành số 65/2014/QH 13 thông qua ngày 25/11/2014 và thông tư hướng dẫn số 02/2016/TT-BXD ban hành ngày 15/2/2016 thì BQL và Ban quản trị tự xưng (BQT) không có quyền quyết định và áp đặt đơn giá phí dịch vụ cho cư dân.
Liên quan đến việc thành lập BQT theo Luật nhà ở 2014 thì đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập BQT nhà chung cư. Thành phần BQT nhà chung cư gồm đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); trường hợp người sử dụng nhà chung cư tham gia Hội nghị nhà chung cư thì thành phần BQT nhà chung cư có thể gồm cả người sử dụng.
BQT nhà chung cư có một chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình tự quản. BQT nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật nhà ở 2014.
Tuy nhiên, phía CĐT lại tự ý thành lập BQT và giao cho ông Nguyễn Mậu Dũng làm trưởng ban, không hề tổ chức hội nghị cư dân để bầu BQT theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, ông Dũng ngang nhiên đưa ra nhiều quy định và phối hợp với BQL thu tiền của cư dân sai pháp luật, gây bức xúc cho người dân. Bằng cách áp đặt này, BQT (tự xưng) ngang nhiên thành lập các nhóm zalo o bế người dân, chửi bới vô văn hóa với những người dân không thuận theo họ. BQT tự xưng lập tài khoản ngân hàng và cư dân chuyển tiền phí dịch vụ sau đó chuyển lại cho BQL.
Chính quyền có bất lực?
Đứng trước tình trạng trên gần 200 hộ dân đã bầu Ban kiểm tra nhằm kiểm tra việc thu, chi bất hợp lý của BQT tự xưng, bước đầu đã có một số kết luận sai phạm của nhóm ông Nguyễn Mậu Dũng như từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021 chứng từ thu, chi ngân hàng không có giấy đề nghị thanh toán, không có bảng kê các khoản mục nội dung chi, không kiểm tra việc chi đúng hay sai...
Ngày 15/11/2020 ,ông Nguyễn Mậu Dũng đã chủ trì cuộc họp cư dân (khoảng 50 hộ dân), theo quy định hội nghị cư dân phải đạt tối thiểu 50% số hộ dân (tương đương 310 hộ dân), ông Dũng thông báo những khó khăn của CĐT không có tiền vận hành, để đảm bảo việc vận hành tòa nhà phải tăng giá dịch vụ từ 2000đ/m2 lên 6.000đ/m2 (sau giảm xuống 5.000đ/m2) mà không có bất cứ căn cứ pháp lý nào để áp dụng theo quy định. Ban kiểm tra cũng đã nhiều lần tính toán, trao đổi với BQL, BQT tự xưng mức giá 3.000đ/m2 là có thể đủ để vận hành chứ không phải là 6.000đ/m2 như thông báo. Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung khuất tất liên quan đến phí dịch vụ sàn thương mại từ tầng 1 đến tầng 4, bể bơi, khu thể thao (bóng bàn), phí dịch vụ diện tích sàn, thu tiền quảng cáo...
Ngày 16/6/2021 Ban kiểm tra cụm dân cư CT1 đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Hà Đông, UBND phường La Khê, CĐT, BQL, BQT tự xưng đề nghị tổ chức hội nghị thành lập BQT chính thức của cụm tòa nhà này và viện dẫn rất nhiều sai phạm của CĐT, BQL, BQT tự xưng nhưng đến nay các cơ quan vẫn chưa trả lời.
Ngày 17/7/2021 Ban kiểm tra đã làm việc với CĐT, BQL, BQT tự xưng và đề nghị xem xét lại việc tăng giá dịch vụ, tuy nhiên ông Nguyễn Trí Dũng, CT HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long cáo ốm và từ chối trả lời. Tiếp theo đó là hành động cắt dịch vụ thẻ thang máy của các hộ không đồng ý việc tăng giá vô lý trên.
Ngày 28/8/2021, đại diện cư dân đã làm việc với UBND phường La Kê và ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc BQL, ông Sỹ khẳng định đã cắt thẻ thang máy của 5 hộ và ngày 29/8 sẽ cắt tiếp 10 hộ và có thể cắt thêm hơn hai chục hộ nữa vì không đóng phí dịch vụ mà CĐT đã áp đặt thông qua BQT tự xưng. Đại diện UBND phường La Khê là ông Bạch Quang Đại đã đề nghị BQL mở lại dịch vụ và thẻ thang máy nhưng ông Sỹ không đồng ý.
Việc cắt thẻ dịch vụ theo người dân là vô lý, áp đặt nhất là xảy ra ở thời điểm thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cư dân, liên quan đến hỏa hoạn, dịch bệnh đặc biệt là có nhiều hộ gia đình đang được tiêm Vắc xin chống Covid-19, cần theo dõi sức khỏe, khi không có thang máy nếu cấp cứu sẽ không thực hiện được, đặc biệt có những hộ dân ở tầng 28.30 của tòa nhà không thể di chuyển bằng cầu thang bộ được.
Không những thế, ông Sỹ còn ban hành quy định phạt những căn hộ nào cho các hộ dân này mượn thẻ đi thang máy 500.000đ/lần và thu thẻ vĩnh viễn trong khi người dân đã trả tiền mua căn hộ đầy đủ, họ là sở hữu chung tòa nhà và có quyền sử dụng các dịch vụ với giá hợp lý, làm như vậy là sai hoàn toàn và thiếu tính nhân văn trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Đứng trước những hành động vô lý của BQL như vậy, đại diện các cư dân đã có đơn tố cáo gửi lên bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông nhưng vẫn chưa thấy quận có động thái tháo gỡ, xử lý.
PV đã trao đổi qua điện thoại với ông Bạch Quang Đại, ông Đại cho biết KĐT Văn Khê có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết nên sẽ trao đổi kỹ sau, khi PV hỏi với trách nhiệm KĐT này là tổ dân phố số 10 của UBND phường lại để cho cư dân sống trong cảnh nguy hiểm, khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội như vậy có đúng không? ông Đại trả lời việc này vượt thẩm quyền của UBND phường, hiện nay đã báo cáo lên UBND quận Hà Đông và các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho dân, tuy nhiên chưa ai trả lời.
Thiết nghĩ, việc CĐT và BQL khu đô thị mới Văn Khê tự ý cắt dịch vụ thẻ thang máy của nhiều hộ gồm nhiều người già, trẻ em giữa mùa dịch, khi người dân không đồng ý mức phí vô lý, áp đặt như vậy là cố tình vi phạm quy định của Luật nhà ở năm 2014, đồng thời UBND phường La Khê không có phương án xử lý, đá quả bóng trách nhiệm lên UBND quận Hà Đông và thờ ơ với nỗi khổ của người dân là không đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 16, không tạo điều kiện cho người dân trong thời gian giãn cách.
Đề nghị UBND quận Hà Đông và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho cư dân cụm Usilk City CT1 101,102,103, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của CĐT là Công ty cổ phần Sông Đà-Thăng Long, giản tán BQT tự xưng, trả lại quyền lợi cho cư dân.
Liên quan đến những sai phạm của CĐT như chưa hoàn trả tiền hoàn thiện nhà cho dân với hàng trăm tỷ đồng, chưa nghiệm thu PCCC đã cho gần 100% dân vào ở, thu sai nhiều hạng mục của dân...chúng tôi sẽ thông tin ở các bài viết sau.
Theo Môi trường và Đô thị