SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Góp sức cho đời nở hoa

08:44, 24/04/2014
Vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014), lần đầu tiên, TPHCM tổ chức tôn vinh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Họ là những người rất đỗi bình thường, thầm lặng ngày qua ngày thực hiện nghĩa cử cao đẹp, đem đến niềm vui cho mọi người, giúp xã hội thêm tươi đẹp. Chuyên trang Thi đua yêu nước Báo Sài Gòn Giải Phóng xin giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu được tuyên dương.

Nguyện cả đời vớt rác dòng kênh đen

Đến khu phố 2, phường 3, quận 11, TPHCM hỏi nhà ông Phạm Văn Tân, ai cũng biết. Cùng với lời chỉ đường nhiệt tình kèm theo câu nói: À, ông Bảy Tân vớt rác trên kênh thúi đó mà. Người ta nói câu ấy không phải khi dễ ông, mà vì công việc ông làm đã ăn vào tiềm thức họ, để rồi ông “chết” với cái danh ấy và vui vẻ đón nhận nó. 

Ông vẫn còn rất khỏe so với cái tuổi 75. Ngày ngày mỗi buổi sáng, chiều, cả những lúc mưa dông, ông vẫn cần mẫn ra khu vực cầu Mé (tiếp giáp giữa phường 3, quận 11 và phía sau khu B Công viên Văn hóa Đầm Sen) để vớt từng tấm xốp, bọc ni lông, xác động vật… giúp khơi thông dòng kênh, môi trường đỡ ô nhiễm. Ông làm công việc không công này đã hơn 30 năm nay. Ban đầu có người còn cười bảo rằng ông “rảnh quá nên làm chuyện không đâu”, nhưng sau nhiều năm, việc làm của ông đã khiến họ phải suy nghĩ lại. 

Ông Bảy Tân bộc bạch: “Thấy dòng kênh đầy rác, gây ô nhiễm, sinh muỗi, sinh ruồi, sinh bệnh cho mọi người, tôi chịu không nổi nên nghĩ, không ai làm mình làm. Góp chút công sức vì sức khỏe cộng đồng chứ có to tát gì đâu”. Không chỉ vớt rác, với bản tính “chịu không nổi” khi thấy con đường có ổ gà, ông lại lọ mọ đi mua xi măng về vá lại. Thấy khu phố những khi trời mưa to, nước ngập lênh láng mà người qua lại không thấy đường đi, ông lại bỏ tiền túi, lắp đèn chiếu sáng cho bà con. Bà con ở đây kể lại, hơn 10 năm trước, cây cầu Mé được xây dựng nhưng chưa có lan can. Những lúc nước lên cao hay mưa to che mất tầm nhìn khiến người lưu thông loạng choạng, sợ nhất các cháu học sinh bị té xuống kênh, những lúc ấy ông lại ra giăng dây, làm biển báo chỉ đường cảnh báo người dân. Rồi chịu không nổi cảnh đó, ông dành dụm tiền từ nghề thu lượm phế liệu của mình để xây lan can, tay vịn hai bên thành cầu Mé để người qua lại được an toàn.

Với nhiều đóng góp cho xã hội, ông đã nhận được rất nhiều bằng khen của chính quyền địa phương và TP. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng của ông treo đầy bằng khen đến không còn chỗ trống, đến nỗi ông phải cất bớt vào tủ. Ông trân trọng nó nhưng ông không nghĩ rằng mình làm để được ai đó khen, vì với ông đó chỉ là những chuyện nhỏ. “Tôi nguyện sẽ vớt rác trên dòng kênh này cho đến khi không còn sức và không còn rác nữa”, ông nói.

Bớt chút thời gian làm việc nghĩa

Tôi gặp bà Vương Thị Hồng Nhiệm, ngụ khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM khi đã gần 10 giờ đêm, bởi cả ngày bà tất bật với những công việc thiện nguyện, hội họp và diễn tập văn nghệ cho buổi trình diễn sắp tới ở khu phố. Tiếp tôi trong căn nhà khang trang vừa xây xong, bà nói nhẹ tênh: “Việc tôi làm bình thường mà, xuất phát từ cái tâm, cái tình yêu thương mọi người, có gì đâu mà tuyên dương hay làm gương điển hình”.

 

Đúng là những việc làm của bà vừa nghe qua thì bình thường: chăm sóc các cụ già neo đơn; quyên góp, trao tặng 50kg gạo cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn hàng tháng; giúp đỡ, chăm lo học sinh nghèo nơi ăn, chốn ở để an tâm thi đại học; xin quần áo cũ rồi mang về nhà giặt giũ sạch sẽ, sau đó tỉ mỉ may vá lại những chỗ rách để đem tặng cho người nghèo khó… Hình như ai có việc gì cần đến, bà đều không từ chối. Ai từng chăm sóc các cụ già neo đơn mới hiểu sự nhọc nhằn ra sao. Nhiều cụ già yếu, nằm một chỗ nên rất khó khăn trong việc đi vệ sinh. Mỗi lần bà Nhiệm mở cửa bước vào, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Nhưng cứ nghĩ họ là người thân trong gia đình, nên bà Nhiệm không cảm thấy khó chịu và hàng ngày vẫn đến chăm sóc, dọn dẹp, mớm cơm, trò chuyện với các cụ neo đơn. Có người hỏi: “Động lực nào bà làm việc vất vả đó”, bà cười bảo, nói gì to tát thế, chẳng qua bà thấy thương các cụ neo đơn quá. Họ là con người không may mắn, không nơi nương tựa nên bà không đành lòng bỏ mặc thôi. Mỗi khi thấy nụ cười hạnh phúc trên gương mặt các cụ là bà vui rồi. 

Những công việc thầm lặng của bà Nhiệm kéo dài đã nhiều năm nay, từ khi con cái bà trưởng thành và biết lo lắng cho mẹ. Người phụ nữ luôn tươi cười ấy, ẩn phía sau là cả một quá khứ cực khổ. Năm 1996, chồng mất, để lại bà một mình nuôi 6 đứa con thơ nheo nhóc khi đứa nhỏ nhất mới vừa tròn 4 tuổi, đứa kế 6 tuổi. Bà lăn lộn làm thuê, làm mướn để có tiền lo cho bầy con nhỏ. Có những ngày bà phải uống nước lã để dành phần cơm cho con, nhưng quyết không cho đứa nào nghỉ học. Người phụ nữ chất phác ấy cứ làm và làm, để rồi ông trời không phụ lòng người, cho bà được sung túc như ngày hôm nay. Các con khôn lớn, có cuộc sống riêng khấm khá và bà có thể an hưởng tuổi già, nhưng bà lại bắt tay làm việc xã hội với suy nghĩ bớt chút thời gian và công sức làm việc nghĩa tình để cuộc đời tươi đẹp và cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo

Đã nhiều năm nay, đều đặn vào thứ tư hàng tuần, những bệnh nhi nghèo và gia đình bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều chờ để được nhận những phần cháo dinh dưỡng và phần cơm đầy đủ chất do bếp ăn từ thiện Phúc Ân đến phát. Đâu ai biết rằng, để bếp ăn có thể tiếp tục hoạt động, những người sáng lập và điều hành đã phải trải qua nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Một trong những khó khăn chính là nơi đặt bếp ăn. 

 

Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” ngày nay, ai ai cũng khư khư giữ lấy đất để ở hoặc kinh doanh thì có một người tự nguyện dành ra một diện tích đất 4m x 11m trong khuôn viên nhà mình để giúp bếp ăn từ thiện Phúc Ân tiếp tục hoạt động. Đó là bà Tiền Ngọc Loan, ngụ tại phường 12, quận Gò Vấp. Hỏi vì sao làm vậy, bà Loan bảo: “Tôi làm vì cái tâm thôi cô à. Khi thấy bếp ăn có nguy cơ “phá sản” vì không có nơi để nấu, tôi nghĩ đến những đứa trẻ bệnh tật nghèo khó và gia đình của chúng sẽ mất đi một bữa ăn dinh dưỡng, vậy là tôi bàn với gia đình để bếp ăn Phúc Ân được đặt tại nhà”.

Ngày trước, khi bếp ăn Phúc Ân đặt ở nơi khác, mỗi tuần bà dành chỉ một ngày đến phụ giúp nấu ăn. Nhưng giờ đây, khi bếp ăn được đặt ở ngay nhà mình, công việc của bà tất bật hơn. Nếu thứ tư là ngày nấu ăn thì bà dậy từ 4 giờ sáng để đặt một nồi cháo và nhóm một nồi cơm hơn 40kg gạo, để khi những người khác trong nhóm đến thì cơm, cháo đã sẵn sàng. Thứ năm bà Loan giặt giũ quần áo đồng phục, thứ bảy soạn và đếm túi ni lông để chuẩn bị cho buổi chia cơm. Chủ nhật, thứ hai bà đi chợ để đặt rau củ, thịt cá. Trước một ngày nấu ăn, bà lau dọn, rửa đồ dùng trong bếp cho sạch sẽ. Bà cứ làm trong niềm vui khi nghĩ đến hạnh phúc của những bệnh nhi nhận được suất ăn dinh dưỡng. Nhờ có nơi tươm tất để hoạt động, bếp ăn Phúc Ân được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế TPHCM cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Cùng với những tấm lòng âm thầm tận tụy, hàng tuần, bếp ăn Phúc Ân mang hơn 900 phần cơm, 400 phần cháo và 150 phần sữa đến với bệnh nhi nghèo. 

Bà Loan đến với công việc thiện nguyện từ khi còn là nữ sinh Trường Gia Long ngày trước. Thời đó, bà cùng các anh chị sinh viên giúp đỡ những gia đình có nhà cửa bị bom đạn tàn phá. Rồi sau đó, khi tất bật với cuộc sống mưu sinh, bà tạm gián đoạn những việc làm ý nghĩa đó. Khi về hưu, bà mới có cơ hội tiếp tục thực hiện điều mình tâm đắc. Vì bữa ăn được xây dựng từ cái tâm nên được chăm chút đủ đầy dinh dưỡng. Món ăn phong phú được thay đổi hàng tuần, khi thì cơm gà, cơm cá, cơm chiên dương châu… Cháo dinh dưỡng của các bé có hơn 10 loại rau củ, thịt. 

Để các thành viên có sức khỏe làm việc, bà Loan còn chuẩn bị thức ăn, nước uống cho mọi người. Từ nhiều năm nay, nhà bà Loan chính là nơi để những tấm lòng thơm thảo đến góp công, góp sức vì một mục đích duy nhất: mang bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo.

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của 115 trường trung học phổ thông công lập. Theo đó, thành phố sẽ tuyển 61% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Tin tức 10 giờ trước
Tại Hội nghị hợp tác và đầu tư giữa các tỉnh Tây Nguyên và Ấn Độ vừa diễn ra, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi cho quả sầu riêng và các nông sản của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Ấn Độ.
Tin tức 12 giờ trước
Liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định về giá đất, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã có ý kiến góp ý trực tiếp vào các nội dung kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường.