SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Gốm Bình Dương mang nhiều nỗi nhớ

09:37, 17/01/2023
Ở miền Nam, nhắc đến nghề gốm là nhắc đến Bình Dương bởi nó đã gắn bó hàng trăm năm, giúp nhiều người ở đây có cuộc sống ấm no, khá giả. Với những giá trị to lớn về vật chất cũng như tinh thần mang lại, nghề gốm Bình Dương đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

“So với nghề khác, nghề này thu nhập ít hơn nhưng vì yêu nghề nên tất cả người trong gia đình vẫn gắn bó, gìn giữ. Có công nhân, đời cha đời mẹ đã làm nghề này suốt 50 - 60 năm, sau đó đời con về ở đây cũng gắn bó hơn 30 năm, rồi đến đời cháu”, ông Bùi Văn Giang - chủ lò gốm lâu đời nhất Bình Dương - chia sẻ.

Thời kì vàng son

Theo các tài liệu, nghề gốm ở Bình Dương gắn với lịch sử phát triển cộng đồng người Hoa trên đất Bình Dương.

Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, những lưu dân người Hoa lần lượt đến Bình Dương an cư lạc nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và buôn bán. Trong các đợt di dân đó, họ mang theo nghề gốm đến Bình Dương và dần dần lập nên những lò gốm ở một số địa phương.

3334

 Nhiều lò gốm phát triển cực thịnh trong những năm 1930 - 1950, đặc biệt gốm Lái Thiêu.

Từ lò gốm đầu tiên hình thành trên vùng đất Phú Cường xưa, sau đó xuống vùng Lái Thiêu, rồi đến Tân Phước Khánh, tạo thành 3 trung tâm gốm nổi tiếng tồn tại, phát triển trên đất Bình Dương, đó là: Chánh Nghĩa thuộc TP Thủ Dầu Một, Lái Thiêu thuộc TP Thuận An và Tân Phước Khánh thuộc thị xã Tân Uyên ngày nay.

Đỉnh cao nhất là những năm 1930 - 1950, gốm Lái Thiêu cửa xứ sở này đã đi khắp Nam kỳ. Từ bến Lái Thiêu, từng đoàn thuyền xuôi theo sông Sài Gòn đến vùng Sài Gòn - Gia Định và lan tỏa khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, đưa gốm Bình Dương phân phối khắp các vùng.

Hình ảnh các thương thuyền chở gốm trên sông, các vựa, chành dày đặc trên bến sông đi vào tiềm thức nhiều thế hệ. Sản phẩm nổi tiếng của gốm Lái Thiêu phổ biến là lu, chum, lọ, chén, bát, bình trà…

Đặc biệt không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu tập trung chủ yếu vào các dòng gốm gia dụng và các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt. Vừa đẹp lại vừa dễ sử dụng, gốm Lái Thiêu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong một thời gian dài. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí, gốm Lái Thiếu vừa mang đậm chất hội họa, vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của dòng gốm thôn quê.

122334

Để tạo một sản phẩm, các nghệ nhân phải có tay nghề, tỉ mỉ từng công đoạn, chi tiết.

Mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt một cách tỉ mỉ bởi những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân. Họa tiết trên gốm được lấy ý tưởng từ cuộc sống thôn quê, các tác phẩm mỹ thuật hay các bức chạm khắc ở đình chùa như: Phù điêu bát âm, rồng chầu lá đề, tiên nữ… Những nét chạm khắc chìm nổi của mây trời, hoa lá như bung nở trong lòng gốm mỹ miều.

Nhiều thế hệ nối nghiệp cha ông

Ông Quách Hữu - thợ làm gốm có kinh nghiệm hơn 40 năm ở làng gốm Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) - kể: Nghề làm gốm là nghề cha truyền con nối, đến đời ông Hữu đã là đời thứ ba. Nghề này thường được ví von là nghề suốt ngày “chơi” với đất sét bởi công đoạn nào bàn tay của thợ, thậm chí là áo quần, mặt mũi cũng lấm lem đất sét.

“Nghề làm gốm thủ công đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ và khéo tay. Ở các giai đoạn tạo hình, tráng men cần phải cẩn trọng hơn nữa. Ví dụ, ở cơ sở của tôi, giai đoạn nung một mẻ gốm khoảng 200 sản phẩm bằng củi mất 3 ngày, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể canh đúng độ lửa, gốm mới chín đều và đẹp”, ông Hữu nói.

Các sản phẩm gốm sứ đất Bình Dương hiện nay có thêm sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam và tính hiện đại của phương Tây nên rất được thị trường châu Âu ưa chuộng, mang lại nguồn kinh tế ổn định và phát triển tích cực cho nghề làm gốm. Trong đó, các sản phẩm của gốm sứ Minh Long 1 được xem là tiên phong trong việc mang các sản phẩm gốm sứ Bình Dương chất lượng cao ra thế giới.

66677

 Nhiều thế hệ nối nghiệp cha ông.

Là lò gốm lâu đời nhất Bình Dương, được công nhận là Di sản văn hóa cấp tỉnh, những năm gần đây, lò Đại Hưng của ông Bùi Văn Giang đã chủ động thay đổi từ mẫu mã đến nước men để có thể dễ dàng tiếp cận hơn với khách hàng.

Theo chia sẻ của ông Giang, so với trước đây, hiện nay nhiều lò gốm thủ công ở Bình Dương gặp khá nhiều khó khăn do đòi hỏi của thị trường ngày càng cao và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều cơ sở sản xuất gốm bằng máy móc hiện đại. Mặt khác, do quy định khắt khe, yêu cầu cao về môi trường nên nhiều cơ sở sản xuất gốm không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc phải di dời khu vực khác.

Ông Lý Ngọc Bạch - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương - cho biết hiện nay, chủ trương chung của tỉnh là di dời các cơ sở trong vùng đông dân cư ra một vùng khác và chuyển từ lò nung truyền thống bằng củi sang sử dụng gas, điện. Việc di dời, thay đổi công nghệ đòi hỏi vốn tái đầu tư lớn nên số lượng lò gốm ở Bình Dương đã giảm đáng kể.

“Chúng tôi đang kiến nghị Nhà nước quy hoạch một khu vực chuyên sản xuất gốm sứ, cho chủ doanh nghiệp vay dài hạn, ưu đãi. Từ đó sản xuất sẽ thuận lợi hơn, giá rẻ hơn để cạnh tranh”, ông Bạch thông tin.

Mặc dù gặp nhiều khó nhăn nhưng theo ông Lê Văn Phước - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương - sản phẩm gốm Bình Dương luôn mang giá trị văn hóa, là văn hóa vật thể đồng thời hàm chứa những giá trị tinh thần, phi vật thể.

“Dù trải qua những lúc thăng trầm nhưng đến nay, nghề gốm ở Bình Dương vẫn mang lại cho người dân những giá trị tinh thần và vật chất nhất định.

22334

 Mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt một cách tỉ mỉ bởi những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân.

Trong phát triển kinh tế, nghề gốm đóng góp sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp GDP cho tỉnh nhà. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nghề gốm ở Bình Dương đã hình thành nên văn hóa làng nghề truyền thống, hình thành văn hóa lễ hội, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Các cửa hàng gốm sứ, các nơi trưng bày sản phẩm hiện nay cũng trở thành những địa điểm níu chân du khách khi đến Bình Dương tham quan và mua sắm. Gốm sứ Bình Dương cũng đã đi khắp nơi, trở thành quà tặng ý nghĩa của tỉnh cũng như của đất nước trong các sự kiện lớn hay trong các mối quan hệ ngoại giao hữu nghị khác”, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương khẳng định.

Quang Hải

Tin khác

Tin tức 17 phút trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tin tức 47 phút trước
(SHTT) - Hiện nay, người dân Hà Nội và Thừa Thiên Huế có thể đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách thực hiện theo 7 bước dưới đây.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Đó là ý kiến được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" diễn ra hôm 22/4 vừa qua.