Góc sáng chế: Chiếc giường thông minh hỗ trợ người khuyết tật của học sinh Ninh Bình
Sáng chế chiếc giường thông minh hỗ trợ người khuyết tật của học sinh Ninh Bình
Được biết, chủ nhân của sáng chế “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” là hai bạn Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình). Với sản phẩm này, 2 em đã đạt giải nhất lĩnh vực robot và máy thông minh trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018-2019 và được chọn dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018 - 2019 vào tháng 3/2019.
Theo em Nguyễn Hùng, ý tưởng sáng chế giường I.o.T xuất hiện sau khi mẹ em bị tai nạn gãy một chân. Trong suốt thời gian điều trị, mẹ em cần được mọi người trong gia đình hỗ trợ nhiều nên em đã hình thành ý tưởng từ đây và bàn bạc với Nhật để cùng sáng chế.
Hai "nhà sáng chế" chia sẻ, sản phẩm giường I.o.T có 2 hệ thống cơ bản. Trong đó, hệ thống cơ khí gồm khung giường, động cơ nâng hạ, động cơ di chuyển, hệ thống vệ sinh, bàn ăn, cơ cấu nâng - xoay bàn, cánh tay robot. Hệ thống thứ hai là mạch điều khiển gồm điều khiển qua mạng máy tính, qua tay, hệ thống bàn ăn, nút bấm cảm biến nhịp tim và camera.
Cơ chế hoạt động của giường thông minh là người sử dụng điều khiển giường theo ý muốn bằng điều khiển tay hoặc bảng điều khiển qua internet. Với những người còn có thể vận động tay thì sử dụng bảng điều khiển do nhóm sáng chế để di chuyển, lấy đồ ăn, thuốc uống, đo huyết áp…
Còn với những người mất hoàn toàn khả năng vận động tay chân, người thân sẽ sử dụng internet truy cập vào web. Lệnh từ web thông qua internet sẽ đến hệ thống điều khiển và sử dụng các tính năng được tích hợp sẵn. Các tính năng sử dụng tương tự như sử dụng điều khiển tay.
Việc kết nối với internet còn có thể giúp người sử dụng giường gửi cảnh báo nguy hiểm đến người thân qua mail hoặc ngược lại. Người thân thông qua web có thể cho người bệnh uống nước, uống thuốc với lượng chính xác hoặc ăn những thức ăn khô như bánh mì, bánh ngọt… bằng cánh tay rô bốt được lắp đặt trên giường.
Theo nhóm tác giả, người bệnh muốn uống nước thì chỉ cần sử dụng một lực nhẹ của lưỡi tác dụng vào viên bi ở đầu vòi để uống. Khi muốn uống thuốc, người bị bệnh đưa miệng vào đầu phễu, cảm biến hồng ngoại sẽ gửi tín hiệu để motor (thiết bị tạo ra chuyển động, như một động cơ) nhả thuốc theo số lượng hay chủng loại đã được đặt sẵn.
Thầy Đặng Đình Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A, cho biết sản phẩm giường I.o.T của Hùng và Tân là ứng dụng mới có ý nghĩa thiết thực.
“Trong suốt thời gian thực hiện, hai em luôn hăng say tìm tòi, nghiên cứu với sự hỗ trợ của thầy cô. Chúng tôi rất tự hào và hy vọng sản phẩm sẽ đạt giải cao ở cấp quốc gia”, thầy Sơn nói.
Hiện nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện, tích hợp thêm tính năng mới cho chiếc giường như đệm massage để người bệnh thư giãn, đưa giọng nói vào điều khiển giường,... Sản phẩm này sẽ đại diện cho học sinh Ninh Bình tham dự cuộc thi cấp quốc gia tại Hà Nội, dự kiến diễn ra vào tháng 3.
Sáng chế khác dành cho người khuyết tật: Găng tay thông dịch cho người khiếm thính
Chủ nhân của sáng chế trên là anh Roy Allela, 25 tuổi. Anh chỉ là một người đam mê công nghệ thông thường nhưng động lực thôi thúc anh làm nên thiết bị phiên dịch tuyệt vời chính là tình yêu: anh muốn giao tiếp được với cô cháu bị khiếm thính, cô bé mới chỉ 6 tuổi.
Theo chia sẻ của Roy Allela thì cháu gái của anh gặp nhiều khó khăn trong việc trò chuyện với mọi người, thậm chí cả cha mẹ của cô bé vì họ không biết ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy thiết bị của anh Allela sẽ giúp thay đổi cuộc đời cô cháu gái này cũng như của nhiều người khuyết tật trên toàn thế giới.
Allela đặt tên cho sáng chế của mình là Sign-IO. Thiết bị này sở hữu cảm biến phát hiện chuyển động gập của từng ngón tay, dịch từng động tác tay ra ký tự.
Chàng trai 25 tuổi đã lập trình ứng dụng trên điện thoại để chuyển ký hiệu thành giọng nói và tích hợp để găng tay liên kết với ứng dụng này thông qua kết nối Bluetooth. Chính vì vậy tất cả những từ ngữ được dịch đều sẽ chuyển thành giọng nói, cho phép người khiếm thanh có thể "trò chuyện".
Thông qua ứng dụng, người dùng có thể đặt ngôn ngữ, giới tính người nói, cao độ của giọng nói. Độ chính xác của các cài đặt này lên tới 93%.
Không chỉ vậy, nhà sáng chế trẻ nhận định thêm điểm mấu chốt cho thiết bị thành công là tốc độ chuyển biến động tác tay thành tiếng nói. "Người ta nói ở nhiều tốc độ khác nhau, người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng vậy – người thì nhanh, người thì chậm, thế nên tôi đã thêm yếu tốc tốc độ giao tiếp để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng được găng tay của tôi".
Sáng chế của anh Allela vinh dự nhận được giải Hardware Traiblazer từ Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ. Hiện tại, Allela vẫn đang tiếp tục cải tiến thiết bị găng tay thông minh,giúp nó có thể đoán được ký hiệu tay chính xác hơn.
Hải Linh
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Tất cả về Hamburger tại đây