SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Giải pháp nào cho thị trường bất động sản phát triển bền vững?

13:34, 09/06/2022
Việc các cơ quan có thẩm quyền Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án bị dừng triển khai do thực hiện công tác rà soát pháp lý, kiểm tra, thanh tra, điều tra sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản được khơi thông và phát triển trong thời gian tới.

Đánh giá về thị trường nhà ở trong nước, ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng thị trường đang và sẽ chứng kiến nhu cầu rất lớn cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân số vàng.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguồn cung dự án mới hạn chế, đơn cử như ở đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM do nhiều vấn đề tồn tại đang khiến thị trường lệch pha và cần nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng này.

Nhiều khó khăn tồn đọng

Theo ông Neil MacGregor, một trong những bất cập hiện nay của thị trường bất động sản chính là thiếu quy hoạch tổng thể, do đó, quy trình phê duyệt quy hoạch tổng thể cần được sắp xếp hợp lý hơn so với hiện tại.

Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt "nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", nhưng tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm khi đến cuối tháng 5 mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt

“Việc quy hoạch 1/10.000 đang được Bộ Xây dựng phê duyệt trong khi việc phê duyệt quy hoạch 1/2.000, 1/500 thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, với các dự án lớn có diện tích trên 30ha hay quy mô trên 50.000 dân, quyền phê duyệt lại thuộc Bộ Xây dựng. Sự thiếu rõ ràng về quản lý quy hoạch ảnh hưởng tiến độ các dự án”, ông Neil MacGregor chỉ rõ.

DJI_0012

Vướng mắc về thủ tục pháp lý đã khiến cho nhiều dự án bất động sản đang phải "đắp chiếu" trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Savills Việt Nam cũng cho biết Luật Đất đai và Luật Xây dựng còn đang chồng chéo, gây nên sự khó khăn trong quá trình xin phê duyệt cho các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Hay Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa rõ ràng.

Một vấn đề nổi cộm khác hiện nay chính là tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương, giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Ông Neil MacGregor cho rằng điều này sẽ khiến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản.

Tương tự, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng chỉ ra 5 tồn tại khiến thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững trong thời gian qua.

Thứ nhất là tình trạng “lệch pha cung-cầu” dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Tiếp đó là tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM, nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.

Thứ ba là tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân.

Thứ tư là môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, thông thoáng, công bằng, lành mạnh.

Và cuối cùng là có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp đi đôi với tình trạng “đầu nậu”, “cò đất” hoạt động trái pháp luật, “phân lô bán nền” tràn lan gây “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Lê Hoàng Châu, nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 hoặc do xung đột địa chính trị hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, trước hết là một số vướng mắc về thể chế pháp luật và công tác thực thi pháp luật của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

onglehoangchau2cchutichhiephoibatdongsantphcm_avnk

 

Một số cán bộ công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị vướng rủi ro pháp lý trong thi hành công vụ nên chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất giải quyết. Do đó, Nhà nước thời gian tới cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản minh bạch, thông thoáng, công bằng, lành mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Châu cho rằng việc nâng cao chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia như mới đây S&P và Fitch Ratings xếp hạng Việt Nam lên mức BB+ (mức ổn định) mà nếu được nâng hạng cao hơn thì rất thuận lợi trong việc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI vào nền kinh tế và thị trường bất động sản và cũng nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, công bằng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

Người đứng đầu HoREA cũng kiến nghị việc đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có quyền được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

“Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn lực đất đai một cách minh bạch, công bằng thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất chứ không dấm dúi chỉ định nhà đầu tư như một số trường hợp đã xảy ra trước đây. Và để làm được điều này cần phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản 2016, Luật Đấu thầu 2013 đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để không xảy ra tình trạng lợi dụng đấu giá, đấu thầu để trục lợi bất chính, gây ra các hệ quả tiêu cực”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Lãnh đạo HoREA cũng cho rằng Nhà nước “siết” cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ “đứt gãy” dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm. Cho nên không vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế.

Đối với vấn đề này, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Vietnam cho biết tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ. Nhà nước cũng đang cân nhắc hạn chế các nguồn vay ngắn hạn nước ngoài để tài trợ cho các dự án trung và dài hạn.

Đáng chú ý, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án bị dừng triển khai do thực hiện công tác rà soát pháp lý, kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng thực hiện thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực; các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả phần nộp bổ sung (nếu có) cho ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, Chủ tịch HoREA cho rằng chưa nên quy định sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm) để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài vì đây là tài sản có giá trị lớn muốn để lại cho con cháu, để không gây “biến động” trên thị trường bất động sản và trong xã hội.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách “ưu đãi một phần” để phát triển nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đi đôi với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch để tái thiết, tái phát triển đô thị bền vững.

Lý Tuấn

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Tại khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An), Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc, sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Theo nghiên cứu của IDC, với việc khảo sát hơn 2.100 doanh nghiệp với tổng số hơn 13 triệu nhân viên tại 16 quốc gia trên toàn cầu cho thấy: mỗi đô la đầu tư vào AI, các công ty sẽ thu về lợi nhuận trung bình là 3,5 đô la đến 8 đô la.
Kinh tế 23 giờ trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 23 giờ trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.