SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 16/10/2024
  • Click để copy

Giải mã bài toán: Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm

07:33, 05/08/2022
(SHTT) - Sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng, dầu hiện nay đã giảm về mức tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, như cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm vẫn neo cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

 Đi tìm nguyên nhân vì sao có tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm" như hiện nay và giải pháp nào để lành mạnh hoá thị trường trong nước, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, chiều 4/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm: "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp".

Theo ghi nhận, thực tế đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như: Thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua. Vì sao có tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm" như hiện nay?

Tại buổi tọa đàm, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo.

toa dam

 

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, khi giá tăng, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Cho nên khi có một yếu tố biến động thì những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Yếu tố thứ hai cũng cần phải xem xét tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh. Thứ ba, đối với vận tải, ví dụ như vận tải đường bộ, taxi, còn phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông Vận tải. Rồi các đơn vị phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá... nên việc giảm giá có độ trễ.

Tính đến thời điểm hiện tại, khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ tư liên tiếp thì nhiều hàng hóa vẫn "điềm nhiên" giữ giá. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ. 

Tuy vậy, ông Ngọc cho rằng không nên để trễ quá. “Khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành, đã giảm rồi mà anh lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng”, ông Ngọc nói.

Đồng tình với độ trễ của việc giảm giá cả trên thị trường và cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết, song chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh điều này “không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".

“Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì lại sợ rằng sau này tăng giá lên lại cực kỳ khó, người dân có thể lại phản đối, không đồng tình”, ông Lực nói và nhấn mạnh việc đồng ý về việc có độ trễ nhưng “không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”.

Trước thực trạng trên, bà Nương cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua. Bộ đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Mặc khác, điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.

“Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn như cũ; khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, nếu không người dân sẽ cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý” - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, vấn đề chi phí trung gian, logistics vẫn còn rất lớn và Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để làm tốt khâu này, từ giá đầu đến giá cuối. Khâu trung gian ít, làm tốt được thì sẽ giảm hiện tượng ăn chênh lệch quá lớn, ép giá người nông dân. 

Ngoài ra, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, vừa giúp công khai minh bạch vừa phòng chống tham nhũng, chẳng hạn như thu phí không dừng của Bộ GTVT đang làm rất tốt. Cuối cùng là sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành để giảm bớt chi phí thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, kinh doanh vẫn cao. Ví dụ như bất động sản, chi phí giao dịch 20-25%, tính vào giá và người dân phải trả.

Hương Mi

Tin khác

Kinh tế 13 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9, xuất khẩu rau quả vượt 917 triệu USD, tăng 38% và thiết lập kỷ lục mới.
Kinh tế 13 giờ trước
(SHTT) - Cùng với các hoạt động tái thiết, phục hồi sau bão số 3, trong dịp cuối năm, nhu cầu hàng hoá thị trường tỉnh Quảng Ninh có xu hướng gia tăng.
Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Kết thúc phiên giao dịch hôm 14/10, cổ phiếu Nvidia ở mức cao nhất từ trước đến nay, đưa công ty này chỉ còn một bước chân nữa là vượt qua Apple để trở thành doanh nghiệp có giá trị nhất toàn cầu.
Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Ngày 15/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực với 7 (bảy) điểm sáng, có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7% trong cả năm 2024 (kịch bản cơ sở), hoặc có thể khả quan hơn, trên 7% (kịch bản tích cực).