Giai đoạn 2011-2020, Bộ KH&CN hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho hơn 1.100 sản phẩm
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2005 với các mục tiêu: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ...
Đến nay, Chương trình 68 đã triển khai qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015, 2016-2020), góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển TSTT; nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân; nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp; đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh...
Từ những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình 68 của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 với mục tiêu: đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để hiểu rõ hơn về những kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn trước và tính cấp bách khi thực hiện một số nội dung quan trọng trong giai đoạn mới, chiều ngày 22/12/2021, buổi giao lưu trực tuyến "Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội" đã được tổ chức bởi Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ.
Buổi giao lưu có sự tham dự của ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Mai Văn Dũng - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ, tư vấn; ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, ông Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn SHTT - Khoa Khoa học Quản lý - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội; ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ và ông Đặng Ngọc Bảo - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn buổi giao lưu, Phó Cục trưởng cục SHTT Phan Ngân Sơn cho biết, chương trình phát triển Tài sản trí tuệ (TSTT) giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 và Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phan Ngân Sơn cho biết, kết quả triển khai của Chương trình trong giai đoạn này đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân. Cụ thể đã có hàng nghìn số phát sóng chuyên mục về SHTT trên các đài truyền hình trung ương và địa phương, hàng chục nghìn người được tập huấn về SHTT, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của Việt Nam tăng khoảng 10%/năm...; phát triển nguồn nhân lực về SHTT cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước (10.000 người được đào tạo cơ bản và 2.500 người được đào tạo chuyên sâu về SHTT).
Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã có hơn 1.100 sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm nông nghiệp đặc thù... đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT từ đó giúp nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, các hoạt động trong chương trình phát triển TSTT cũng giúp nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo hộ, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh...
Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhân rộng ra các địa phương (tất cả 63 địa phương trong cả nước đều ban hành các văn bản quy định về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHTT trên địa bàn).
Với những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030. Trong giai đoạn này, Chương trình sẽ tập trung thực hiện đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm...
Để đạt được các mục tiêu theo Quyết định 2205/QĐ-TTg, Chương trình sẽ tập trung vào tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước. Chương trình sẽ tập trung vào hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT; thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; thúc đẩy hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội. Chương trình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT; biên soạn, phát hành tài liệu về SHTT; xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về SHTT. Đồng thời có chính sách vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động SHTT.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ đổi mới cách tiếp cận, triển khai các giải pháp một cách tổng thể, sáng tạo hơn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội đầu tư cho SHTT nhằm hướng tới mục tiêu đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
Linh An