SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Giải 'cơn khát' tài liệu tham khảo của các nhà khoa học Việt Nam

11:24, 21/11/2022
Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đảm bảo nguyên liệu "đầu vào" cùng các công cụ phân tích sẽ giúp giải được tình trạng "cơn khát" tài liệu tham khảo của các nhà khoa học hiện nay.

Bài toán "khát" tài liệu          

Nguồn tin khoa học và công nghệ không chỉ được thể hiện trên sách, báo, tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học hay báo cáo, ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ. Một số nguồn tin khác còn thể hiện trên các luận án khoa học, trang thông tin điện tử, tài liệu thống kê, tài liệu đa phương tiện và tài liệu trên các vật mang tin khác.

Theo khảo sát, gần 90% người dùng tin được hỏi có thói quen, sở thích sử dụng nguồn tin Khoa học và Công nghệ điện tử nhiều hơn các nguồn tin trên giấy. Việc chuyển đổi dữ liệu khoa học hiện nay vẫn chưa theo kịp cho phù hợp nhu cầu và xu hướng này.

851f04563c10e54ebc01

Đà Nẵng tham vấn ý kiến các chuyên gia trong phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ.

Người dùng tin cần các sản phẩm dịch vụ cung cấp thông tin hỗ trợ truy cập, tra cứu mọi lúc, mọi nơi giúp các nhà khoa học đưa ra những quyết định đúng đắn trong xác định hướng nghiên cứu. Từ đó, nghiên cứu được phân bố kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ hợp lý ngay từ khâu lập kế hoạch.

"Có những thiết bị tôi nghĩ chỉ có trên thế giới sản xuất, tôi không biết rằng ngay tại Đà Nẵng từ nhiều năm trước người ta đã nghiên cứu làm ra máy đó. Như vậy, vấn đề ở đây là không có nguồn tin, không được truyền thông rộng rãi các kết quả nghiên cứu có giá trị" - giảng viên Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng cho hay đó là tình trạng tương đối phổ biến chứ không phải cá biệt.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng có một số đội, nhóm nghiên cứu khoa học. Thành viên các đội, nhóm này tham gia với tinh thần tự nguyện. Họ thường xuyên trao đổi thông tin với các nhà khoa học trên thế giới, nghiên cứu nhiều công trình có giá trị. Thế nhưng, phần lớn hoạt động của đội, nhóm vẫn đang "khép kín" thông tin trong những thành viên tham gia, ít được chia sẻ rộng rãi kết quả nếu không được mang đi dự thi, phát hiện từ báo chí.

081d7b60b2266b783237

Đại diện Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn tin.

Hiện nay công tác phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ được quan tâm ở hầu hết các cơ quan, tổ chức nghiên cứu. Đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu công tác phát triển nguồn tin càng được chú trọng. Song trên thực tế, vấn đề phát triển nguồn thông tin này vẫn đang là "bài toán" khó đặt ra đối với hầu hết các đơn vị bởi nhiều hạn chế.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, những khó khăn chủ yếu đến từ nguồn tin hiện có với số lượng còn ít và chưa được cập nhật thường xuyên. Phần lớn kinh phí phát triển nguồn tin đến từ ngân sách Nhà nước chưa có sự quản lý, liên kết ở tầm vĩ mô.

Hoạt động bổ sung, phát triển nguồn tin đang diễn ra rời rạc, chưa có sự hợp tác chặt chẽ dẫn đến tình trạng nguồn lực được phân bổ và sử dụng chưa hợp lý dẫn tới nguồn tin bị trùng lặp, lãng phí.

"Chưa có số liệu đầy đủ về tình trạng thiếu tài liệu tham khảo của các nhà khoa học tại Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung. Chúng ta cần biết được tình trạng, hiểu được bức tranh chung mới đề xuất những giải pháp phù hợp", ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng trăn trở.

Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ "giải khát" tài liệu

Sở Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo tham vấn đề án "Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại TP Đà Nẵng".

Tại Hội thảo, nhiều tham luận hay về kinh nghiệm trong phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ từ Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM được chia sẻ.

7f7aaf59661fbf41e60e

 Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng chủ trì hội thảo.

Ông Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đã chỉ ra một số thực trạng, cùng các yếu tố tác động chương trình phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ đến năm 2030 trên địa bàn Đà Nẵng.

Nhân dịp này, các đại biểu góp ý thiết thực, thảo luận sôi nổi trong việc hoàn thiện đề án. Qua đó, Hội thảo đánh giá vai trò, tầm quan trọng của nguồn tin khoa học và công nghệ. Trên cơ sở này chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất một số cơ chế, chính sách phù hợp dành cho TP Đà Nẵng.

72c248ac81ea58b401fb

 Các chuyên gia mong muốn nguồn tin về Khoa học và Công nghệ được chú trọng đầu tư hơn nữa để giúp doanh nghiệp và các nhà khoa học dễ dàng trong tiếp cận thông tin, tạo ra sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Đăng Luận - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ mô hình phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ TP.HCM. Mô hình gồm ba hình thức cung cấp thông tin trực tiếp, trực tuyến và cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Mô hình này thu hút hơn 166 doanh nghiệp, Viện, Trường, Đại học và Cao Đẳng sử dụng dịch vụ. Trong đó khách hàng gắn bó nhất đã 20 – 21 năm với hơn 2000 yêu cầu thông tin/năm. Nhiều gói giải pháp như: Tư vấn hỗ trợ đăng ký sáng chế; thiết kế gói thông tin theo yêu cầu; hỗ trợ tra cứu; cung cấp tài khoản truy cập trực tuyến vào các nguồn tin trong và ngoài nước trên hệ thống mạng rất đáng tham khảo học tập.

Ông Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nguồn tin là phát triển nguồn tin khoa học trực tuyến. "Cần nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực về phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thông minh AI, Blockchain Bigdata vào hoạt động thu thập, số hóa, xử lý dữ liệu thống kê, phân tích và dự báo", ông Võ Đức Anh nói.

2993e4f42db2f4ecada3

 Các đại biểu tham gia hội thảo thảo luận rất sôi nổi.

Có nhiều nghiên cứu hay đã không được chia sẻ, sự lãng phí chất xám trong khi nhiều người rất cần những thông tin đó để phát triển. Một trong những giải pháp lớn là truyền thông về nguồn tin này cần được triển khai sớm và mạnh mẽ. "Chúng ta cần lấy ý kiến góp ý của cộng đồng thông qua mạng trang website Đổi mới sáng tạo, cổng Thông tin điện tử của thành phố xem xét nhu cầu để đưa ra phương án cụ thể…", ông Lê Đức Viên nói.

"Tôi có người bạn làm ở bệnh viện, ông thành lập và chủ trì mạng lưới nghiên cứu khoa học và công nghệ tại TP.HCM. Nhiều bệnh nhân của ông có điều kiện kinh tế đăng ký mổ tận Singapore điều trị với chi phí hàng trăm triệu, nhưng khi sang đó lại thấy bệnh viện Singapore mời chuyên gia là bác sĩ giỏi ở Việt Nam từ TP.HCM, Huế. Nếu mổ trong nước chi phí chỉ 30 - 40 triệu đồng". Ông Lê Đức Viên trăn trở nói không chỉ trong y tế mà các lĩnh vực khác vấn đề thiếu thông tin nói chung, và thông tin khoa học và công nghệ nói riêng dẫn tới rất nhiều lãng phí về thời gian nguồn lực.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 5 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).