SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Giá vàng tăng 'điên loạn', đại gia kinh doanh vàng lỗ, lãi ra sao?

02:04, 25/09/2020
(SHTT) - So với SJC, DOJI thì PNJ có hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, bất chấp việc giá vàng tăng điên loạn, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại có xu hướng giảm.

Theo thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam là một trong số những quốc gia tiêu thụ vàng trên đầu người lớn trên thế giới. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng nổ cũng là thời điểm thị trường vàng thế giới và vàng trong nước đã liên tiếp ghi nhận sự biến động ấn tượng nhất trong lịch sử của kim loại quý.

Tại Việt Nam, ở kỳ kinh doanh quý 2/2020 và bước sang tháng 7 và tháng 8/2020 giá vàng tăng dồn dập, có thời điểm giá vàng kỷ lục vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, người dân xếp hàng dài chen nhau mua bán. Tuy nhiên, hiện tại giá vàng lại lao dốc mạnh, dao động từ 55 triệu đồng/lượng – 57 triệu đồng/lượng.

Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh khi 70% thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn như CTCP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc Đá quí Doji (Doji), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quí Sài Gòn (SJC) hiện chiếm khoảng 30% thị phần.

Vậy các doanh nghiệp này kinh doanh ra sao giữa thời điểm giá vàng tăng giảm thất thường?

Lợi nhuận của SJC trồi sụt

SJ C là doanh nghiệp duy nhất 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM quản lý, được thành lập năm 1988 với hơn 200 cửa hàng, 43 đại lí chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Hoạt động cốt lõi của SJC là sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức bên cạnh đó doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực địa ốc, đầu tư tài chính (VietABank) qua các khoản đầu tư góp vốn.

Hiện SJC cũng có hai dòng sản phẩm nữ trang là dòng phổ thông và dòng cao cấp SJC Diagold. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn chưa cho thấy có sự đóng góp về hiệu quả rõ rệt.

Chục năm trước đây, SJC đạt lợi nhuận hàng chục nghìn hoặc hàng trăm nghìn tỷ đồng là điều rất bình thường. Tuy vậy, những năm gần đây, lợi nhuận của ông lớn nhà nước SJC bấp bênh.

Kết quả kinh doanh của SJC. (Nguồn: tổng hợp từ BCTC của SJC)

Phần lớn doanh thu của SJC vẫn chủ yếu đến từ kinh doanh vàng miếng. Năm 2019, doanh thu của SJC tăng 11% lên 23.126 tỷ đồng trong khi đó, thời đỉnh cao năm 2011 đạt 111.000 tỷ đồng, 2012 đạt 72.000 tỷ đồng. Năm 2019, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 67 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 1% và biên lợi nhuận ròng cũng chỉ đạt 0,23%.

Hiệu quả hoạt động của SJC là thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, năm 2019, tỷ suất sinh lợi chỉ ở mức 0,3% và ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) cũng chỉ ở mức 4%. Con số này rất thấp so với doanh nghiệp cùng ngành như PNJ. Năm 2019, PNJ có tỉ suất sinh lợi và ROE tương ứng là 9% và 26%.

Kết quả kinh doanh năm 2020 tại SJC (Nguồn: BCTC năm 2019 đã kiểm toán)

Cuối năm 2019, vốn điều lệ trên sổ sách của SJC đạt 1.359 tỷ đồng nhưng UBND TP HCM vẫn còn phải góp thêm 259 tỷ đồng.

Năm 2020, SJC đặt kế hoạch tổng doanh thu ở mức 25.700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế dự kiến 70 tỷ đồng, tăng nhẹ 3 tỷ đồng so với năm 2019.

DOJI doanh thu "khủng" nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng

Năm 1994, DOJI bắt đầu tham gia và trở thành thương hiệu có tiếng trong ngành khai thác, chế tác đá quý. Bên cạnh đó, Công ty cũng tham gia mạnh vào lĩnh vực bất động sản với Công ty thành viên DOJILAND. Công ty thuộc sở hữu của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP TPBank. Hiện Doji có 12 công ty con và 5 công ty liên kết.

Hồi tháng 5/2020, DOJI thâu tóm chuỗi Thế giới Kim cương, do đó doanh nghiệp này hiện có gần 200 trung tâm, cửa hàng. Thế giới Kim cương là công ty top 3 thị trường bán lẻ trang sức tại Việt Nam với trên 100 cửa hàng, trung tâm tại hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước.

Kết quả kinh doanh của DOJI . (Nguồn: tổng hợp từ BCTC của DOJI )

Là một trong những doanh nghiệp vàng tư nhân lớn nhất Việt Nam nhưng lãi sau thuế nửa đầu năm 2020 DOJI thu về chỉ đạt 45,5 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này là rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp là 3.392 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối tháng 6/2020 là 1,789 lần, tương đương mức nợ phải trả đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ROE của DOJI chỉ đạt 1,3%, trong khi PNJ đạt 10% và SJC đạt 4%. Tại ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu của DOJI  đạt 3.392 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu gần 1,8 lần, tương ứng với tổng tài sản khoảng 9.460 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2019, giá vàng thế giới lẫn trong nước đều tăng mạnh, đẩy doanh thu của Công ty mẹ DOJI lên tới 89.000 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với năm 2018. Tuy nhiên, lãi sau thuế chỉ đạt 151 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của DOJI là 8.849 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho vàng bạc đá quý hơn 3.700 tỷ đồng và các khoản phải thu 1.613 tỷ đồng. 

PNJ lợi nhuận xu hướng giảm nhưng vẫn đứng đầu

PNJ thành lập năm 1988 nhưng so với các ông lớn Doji, SJC thì lợi nhuận lại “khủng” hơn nhiều. Lợi nhuận của PNJ liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2017-2019, ROE trong khoảng từ 25% – 26%, cao hơn hẳn SJC hay Doji.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của PNJ lại sụt giảm, đi ngang so với bán niên 2019.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PNJ (Nguồn: BCTC bán niên đã được soát xét)

Cụ thể, trong quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi thấp thấp nhất của PNJ trong một quý từ năm 2016 đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.517 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận gộp giảm 9%, chỉ đạt gần 1.441 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 22%, chỉ đạt gần 563 tỷ đồng; lãi sau thuế công ty giảm 22%, còn gần 450 tỷ đồng. Mảng bán lẻ tăng 2%, bán sỉ giảm 20% và doanh thu vàng miếng tăng 14% khi giá vàng liên tục đi lên từ đầu năm.

6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp đạt 181% và biên lợi nhuận ròng đạt 6%. Ngoài ra, tỷ suất sinh lợi và ROE lần lượt ở mức 7% và 10%. Thực tế, ROE của PNJ đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Tại ngày 30/6/2020, PNJ có tổng tài sản 7.599 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm.

Tại văn bản giải trình, PNJ cũng cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm là do tình hình dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh PNJ bị ảnh hưởng. Doanh số bán vàng miếng, vàng 24k tăng trong khi đó doanh số bán trang sức giảm. Tuy vậy, doanh số trang sức đã phục hồi tích cực trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Chi phí lãi vay tăng 87% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vốn lưu động phục vụ kinh doanh trong kế hoạch ứng phó với dịch.

Doanh thu và lợi nhuận nửa năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019. (Nguồn: Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh)
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất đã soát xét của PNJ.

Theo số liệu mới nhất doanh nghiệp công bố thì tháng 8/2020, kênh bán lẻ của PNJ giảm 7% doanh thu và doanh thu bán sỉ cũng giảm 40% so với cùng kỳ, doanh thu vàng miếng tiếp tục tăng 10%.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu vàng miếng tăng trưởng 17,5%. Biên lợi nhuận gộp PNJ trong tháng 8 đạt mức 17,7%, tăng so với mức 17,5% cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần PNJ đạt 10.291 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, trong khi lãi sau thuế giảm 23%, chỉ đạt 548 tỷ đồng. Với kết quả này, PNJ thực hiện được 71% chỉ tiêu doanh thu và 65,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Nguồn: PNJ.

Trước những khó khăn vì dịch Covid trong năm nay, PNJ xây dựng kế hoạch với doanh thu thuần năm 2020 gần 14.486 tỷ đồng, giảm 15% so với 2019; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.047 tỷ đồng, giảm so với 2019.

Trong tháng 8 vừa qua, PNJ đã mở mới 7 cửa hàng gold, 1 cửa hàng CAO. Chiều ngược lại, Công ty cũng đóng 5 cửa hàng trang sức. Ngày 21/9, PNJ đã thông qua việc chấm dứt hoạt động của ba chi nhánh trực thuộc Công ty.

Hiện, PNJ cho biết đang đặt mục tiêu mở mới 31 cửa hàng, tập trung vào các khu vực trọng điểm và chú trọng tối ưu hóa doanh thu trên mỗi cửa hàng vào cuối năm 2020.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của PNJ, SJC, DOJI.

Hà Phương (T/h)

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 15 giờ trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.