Gia Trịnh Bakery và bài học đắt giá trong phát triển thương hiệu đặc sản dân tộc
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu - Những lợi thế trong phát triển doanh nghiệp
Bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu được biết đến là phương thức mang lại vô số lợi ích cho hoạt động kinh doanh như: Đảm bảo uy tín, giảm thiểu thiệt hại do hành vi khai thác của chủ thể khác, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn, chuyển giao công nghệ,.
Cùng với đó, việc làm tốt công tác bảo hộ nhãn hiệu cũng giúp tạo lợi thế nâng cao giá trị doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp được hưởng lợi về mặt tài chính từ việc thương mại hóa, cụ thể là vấn đề nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
Khi đã sở hữu độ nhận diện nhất định đối với người tiêu dùng và thị trường, nhãn hiệu và thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ khi đó sẽ trở thành tài sản có giá trị của doanh nghiệp và dùng để chuyển giao, chuyển nhượng, cấp phép hoặc nhượng quyền thương mại, tùy thuộc hoạt động thương mại hóa phù hợp từ đó giúp chủ sở hữu phát triển kinh doanh dài hạn.
Nhận thức được những giá trị đó, chị Trịnh Hồng Giang, Giám Đốc công ty CP Gia Trịnh Bakery - bà chủ của thương hiệu Bánh Gia Trịnh đã vô cùng đầu tư cho vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ với Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, chị Giang cho biết, vốn dĩ từ đời bà nội, gia đình đã có một tiệm bánh tên tuổi mang thương hiệu Moka tại Hải Phòng. Tuy nhiên, khi đi tới bước đăng ký bảo hộ thì phát hiện ra nhãn hiệu, thương hiệu mà tiệm của bà sử dụng đã có bên khác bảo hộ trước. Điều đó đã dẫn đến việc bà phải bán lại của hàng và ngừng công việc kinh doanh.
Từ bài học 'xương máu' của người đi trước, ngay từ khi nối nghiệp gia đình và mở ra Gia Trịnh vào năm 2006, bà chủ Trịnh Hồng Giang cùng các thành viên trong gia đình đã lập tức tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và thương hiệu.
Mặc dù vô cùng quyết liệt trong việc tiến hành bảo hộ sở hữu trí tuệ cho Gia Trịnh, tuy nhiên, quá trình để nhận được sự phê duyệt của Cục Sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp của gia đình chị Giang lại không quá dễ dàng.
Chị Giang cho biết: "Do vướng mắc giấy tờ nên quá trình tiến hành thủ tục nên thay vì là năm 2008 nhận được văn bàng bảo hộ thì quy trình của Gia Trịnh bị kéo dài thêm 1 năm so với thông thường và tới năm 2009 mới được hoàn tất".
"Sau đó, Gia Trịnh có tiến hành đổi nhận diện nên lại mất thêm 2 năm để tiến hành đăng ký bảo hộ lại cho thương hiệu. Tuy nhiên, nhờ có quy trình đăng ký được tiến hành trước đó nên trong thời gian nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ và chờ cấp bảo hộ nhãn hiệu với nhận diện mới, Gia Trịnh đã được thuận lợi hơn rất nhiều khi không có doanh nghiệp nào có thể thay thế được thương hiệu của gia đình", chị Giang chia sẻ thêm.
Như vậy, có thể thấy, nhờ có nhận thức rõ ràng về việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu Bánh Gia Trịnh của Công ty Cổ phần Gia Trinh đã thành công giữ được tên gọi Gia Trịnh sau hàng loạt quy trình điều chỉnh và thay đổi trong nhận diện.
Cũng nhờ có điều đó, Bánh Gia Trịnh trong những năm chờ được cấp văn bằng bảo hộ cũng nhanh chóng tạo được vị thế riêng và trở thành thương hiệu bánh dân tộc, bánh truyền thống được ưa dùng tại Thủ đô Hà Nội.

Bí quyết để phát triển thương hiệu bánh dân tộc và bánh truyền thống đặc sản từ Gia Trịnh
Với các sản phẩm là bánh tươi ăn trong ngày, do đó, để phát triển thương hiệu sẽ gặp rất nhiều hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, Gia Trịnh Bakery cũng có bí quyết riêng. Theo đó, bên cạnh vấn đề pháp lý, Gia Trịnh cũng chú trọng tới đảm bảo tiêu chuẩn ISO, tham gia vào các chương trình OCOP để đẩy mạnh thương hiệu lên.
Việc xây dựng thương hiệu theo hướng chắn chắn giúp Gia Trịnh thành công khiến người tiêu dùng nhớ tới không chỉ là các tiệm bánh truyền thống tại Hàng Than, Hàng Đào tương tự nhau.
Cũng theo bà chủ Gia Trịnh, một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp Gia Trịnh giữ chân khách hàng và ngày càng có thêm nhiều người biết đến là luôn làm ra các sản phẩm không chứa chất bảo quản và không có phẩm màu.
Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm của Gia Trịnh chỉ có thể bán và ăn trong ngày, hoặc các sản phẩm có thời gian sử dụng vô cùng ngắn. Bù lại, các món bánh từ cửa hàng lại đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của tệp khách hàng có ý thức cao về bảo vệ sức khỏe và thu hút được nhiều khách hàng mới có chung mối quan tâm.

Theo chia sẻ của chị Giang, bản chất của Gia Trịnh hiện nay bao gồm 2 cột trụ quan trọng đó là bánh rán và bánh truyền thống với các công thức được cả bà ngoại và bà nội truyền lại. Để có được sản phẩm bánh Gia Trịnh trên thị trường như ngày nay, các công thức cũng được thay đổi và cập nhật để đáp ứng khẩu vị của khác hàng trong từng thời kì.
Với 3 đời cùng chung sức phát triển, sản phẩm bánh truyền thống và bánh dân tộc Gia Trịnh theo năm tháng đã có ít nhiều sự đổi mới nhưng việc nói không với chất bảo quản và phẩm màu vẫn là điều được duy trì sau gần 10 năm gầy dựng thương hiệu. Đây cũng chính là điểm khác biệt khiến Gia Trịnh dù sinh sau đẻ muộn nhưng vẫn có được tệp khách hàng quen rộng lớn giữa vô số các tên tuổi lâu đời tại đất Thủ đô.
Bất chấp việc có thêm chất bảo quản có thể giúp mở rộng thị trường, Gia Trịnh vẫn luôn kiên trì theo đuổi sự nghiệp thương hiệu vì sức khỏe cộng đồng.
Trong thời kì thương mại điện tử lên ngôi, Gia Trịnh cũng đã dần tìm được phương thức để tiếp xúc với chợ điện tử và mở rộng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.
Thời gian tới, Gia Trịnh cũng sẽ nghiên cứu và chuẩn bị cho việc giới thiệu các sản phẩm bánh dân tộc và bánh truyền thống tới mạng xã hội giới trẻ TikTok để thu hút thêm những người trẻ giành sự quan tâm lớn tới vấn đề sức khỏe và ẩm thực truyền thống.
Quá trình này, đội ngũ lãnh đạo của Gia Trịnh cũng sẽ cẩn trọng từng bước tăng cường tính nhận diện cho thương hiệu.
Thái An - Bùi Huyền
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
