Giá trị của Dừa xiêm xanh và Bưởi da xanh Bến Tre tăng cao sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Theo thông tin từ Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 298/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh và Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Da xanh của tỉnh Bến Tre.
Khu vực địa lý là các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và thành phố Bến Tre. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Như vậy, dừa uống nước xiêm xanh và Bưởi da xanh là hai sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bến Tre được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữa vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cho hay việc công bố chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh và dừa xiêm xanh của Bến Tre sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU, Mỹ, Nhật. Việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem là một cơ hội lớn cho và nâng cao uy tín của trái cây Bến Tre.
Tuy vậy, đây chỉ là bước khởi đầu, vì vậy hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với hai sản phẩm dừa xiêm xanh uống nước và bưởi da xanh cũng cần được quan tâm đẩy mạnh và tập trung hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để người dân áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Trả lời báo Pháp luật TPHCM, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, cho biết sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng tiếp theo, trong đó có đẩy mạnh thanh lọc, chọn và nhân giống để bảo tồn và nâng chất lượng của hai trái ngon.
Đồng thời xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chuỗi giá trị, quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân, người sản xuất, kinh doanh nhận thức được rằng chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của tỉnh, của quốc gia nên mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức trong giữ gìn và phát triển.
Đồng thời tỉnh cũng sẽ nghiên cứu triển khai đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo tiền đề để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.
Dừa tươi làm thức uống giải khác và bồi dưỡng sức khỏe vì: Nước dừa nhiều đường Glucose, Fructose, Sucrose, giàu đạm chất, nhiều Vitamine C và B1 cũng như các khoáng chất.
Bưởi da xanh là loại trái cây đặc sản của Bến Tre có nguồn gốc từ xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Rất được thị trường trong nước ưa chuộng và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Trái bưởi da xanh có dạng hình cầu, nặng trung bình từ 1,2 -2.5 kg/quả. Khi chín, vỏ trái có màu xanh đến xanh hơi vàng, dễ bóc và khá mỏng (14-18mm); tép bưởi màu hồng đỏ, bó chặt và dễ tách khỏi vách múi; nước quả khá, vị ngọt, không chua (độ brix: 9,5–12%); mùi thơm; tỷ lệ thịt đạt trên 55%.
Hiện nay, Bến Tre không ngừng mở rộng diện tích bưởi da xanh lên hơn 7.200ha, sản lượng khoảng 57.000 tấn/năm.
Hải Hà (t/h)