SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Ghép tế bào gốc đồng loài: Hy vọng mới cho người bị tắc nghẽn phổi mãn tính

07:16, 03/07/2020
(SHTT) - Dù mới chỉ được thử nghiệm lần đầu tại Việt Nam, tuy nhiên, liệu pháp ghép tế bào gốc đồng loài hiện đã mang lại những kết quả tích cực trong điều trị cho người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính - nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 4 tại nước ta.

Các thành tựu gần đây về nghiên cứu y học tái tạo và liệu pháp tế bào/tế bào gốc đã mang lại những kết quả khả quan trong việc phục hồi mô/cơ quan tổn thương. Do vậy, các nghiên cứu điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) dựa trên liệu pháp tế bào/tế bào gốc đang thu hút sự quan tâm của phần lớn các nhà khoa học trên thế giới. Công nghệ này giúp cho người bệnh được hưởng liệu pháp điều trị mới ít xâm lấn hơn so với cấy ghép tế bào gốc tự thân. Thực tế cho thấy, hầu hết các tế bào được truyền vào tĩnh mạch sẽ tập trung ở phổi theo sự tuần hoàn máu, do vậy hiệu quả vận chuyển tế bào đến phổi thường rất cao.

Trong 15 năm qua, PGS.TS Phạm Văn Phúc cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc đã nỗ lực thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn đạt tiêu chuẩn cấy ghép lâm sàng và đã chuyển giao cho một số nhà đầu tư trong và ngoài nước. May mắn là sau nhiều nghiên cứu lâm sàng và công bố quốc tế tại các tạp chí uy tín, Viện Tế bào gốc đã nhận được sự tin tưởng của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều mặt bệnh khác nhau tại Việt Nam. Trước khi quyết định thử nghiệm phương pháp mới trong chữa tắc nghẽn phổi mãn tính, hai đơn vị đã có một tiền đề thử nghiệm và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng liệu pháp ghép tế bào gốc tự thân thành công.

Tuy vậy, từ ghép tế bào gốc tự thân sang ghép tế bào gốc đồng loài là cả một bước đường khá xa. Việc ghép tế bào gốc đồng loài để chữa bệnh tắc nghẽn phổi vẫn là một bước đi táo bạo, một thách thức rất lớn mà rất ít đơn vị lâm sàng trong nước có thể áp dụng được. Bởi hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ sở khoa học của việc cấy ghép tế bào gốc đối với hiệu quả điều trị COPD, việc giải quyết nguy cơ lây nhiễm chéo từ nguồn tế bào cho, các đột biến tạo ung thư có thể xảy ra trong quá trình nuôi cấy, chứng minh tính gốc của nguồn tế bào, chứng minh tính an toàn và hiệu quả …. đều chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam.

naom_58dea2b4d4c04

 Tắc nghẽn phổi mãn tính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trên thế giới và thứ 4 tại Việt Nam

Sau khi thực hiện tất cả các quy trình lâm sàng theo đúng quy định pháp lý, thử nghiệm an toàn và hiệu quả trên động vật thí nghiệm, nhóm nghiên cứu và Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã đi đến điều trị lâm sàng trên người.

Trong nghiên cứu này có hai mươi bệnh nhân tham gia, trong đó 9 người ở giai đoạn C và 11 ở giai đoạn D theo phân loại Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (GOLD). Bệnh nhân được truyền 1 triệu UC-MSC /kg thể trọng. Tất cả bệnh nhân được theo dõi trong 6 tháng sau khi truyền liều đầu tiên. Sau 6 tháng, các bệnh nhân được đánh giá an toàn toàn diện, xét nghiệm chức năng phổi (PFT) và các chỉ số chất lượng cuộc sống bao gồm trả lời bảng câu hỏi, xét nghiệm đi bộ 6 phút (6MWT) và đánh giá viêm hệ thống. Tất cả bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều đã hoàn thành truyền dịch đầy đủ và theo dõi 6 tháng.

Kết quả cho thấy không bệnh nhân nào có biến chứng liên quan đến quá trình truyền dịch hay có biểu hiện bị nguy hiểm đến tính mạng, không có bệnh nhân nào tử vong hoặc có biểu hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra sau khi được tiêm UC-MSC. Các bệnh nhân được cấy ghép UC-MSC có chỉ số thang điểm khó thở mMRC, xét nghiệm đánh giá COPD và số đợt kịch phát cấp tính giảm đáng kể.

Nghiên cứu này đã được đăng kí thử nghiệm lâm sàng từ tháng 7/2019. Với những kết quả thu được tính đến thời điểm hiện tại, liệu pháp tiêm truyền UC-MSC toàn thân dường như an toàn ở những bệnh nhân mắc COPD từ trung bình đến nặng, có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và cung cấp cơ sở cho các nghiên cứu trị liệu tế bào tiếp theo. Nghiên cứu đã được công bố toàn văn trên tạp chí Stem Cell Research & Therapy1 (Q1, theo phân loại của Scimago)

Với bước đi đầu tiên này, nghiên cứu đã bước đầu mở ra liệu pháp đầy hứa hẹn cho một cuộc sống chất lượng hơn với các bệnh nhân COPD và mở ra một phương pháp trị bệnh mới đầy tiềm năng ở Việt Nam. Công nghệ sản xuất tế bào gốc trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế này có ý nghĩa rất lớn với các đơn vị chưa có khả năng hoặc không muốn đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất tế bào riêng cho mình, đặc biệt là với những người bệnh mong muốn được sử dụng liệu pháp an toàn và giá cả không quá đắt như sản phẩm nhập khẩu.

Thái An

Tin khác

Khoa học Công nghệ 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Toyota bắt đầu tiến hành chương trình triệu hồi đối với hai mẫu SUV đầu bảng của mình tại Việt Nam, nhằm cập nhật phần mềm điều khiển hộp số.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin của Bệnh viện Massachusetts General ở Boston, một người đàn ông 62 tuổi mắc bệnh thận giai đoạn cuối đã trở thành người đầu tiên được ghép thận lợn đã được chỉnh sửa gen.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 23/8 đến 27/8/2024. Chủ đề thi của ABU Robocon 2024 mang tên "Ngày mùa", lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các mô hình Generative AI như ChatGPT của OpenAI, đang dẫn đến một thách thức lớn về năng lượng.