SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Ghé Bắc Hà, say hồn vào bản sắc của 'cao nguyên trắng'

11:41, 17/02/2021
(SHTT) - Nếu Sapa được ví như “nàng công chúa” trong câu chuyện cổ tích với sự kỳ vĩ đầy mê hoặc; thì Bắc Hà lại được ví như một nàng công chúa vẫn thiếp ngủ trong rừng cấm của “cao nguyên trắng”.

Ở Bắc Hà, thiên nhiên, con người vẫn giữ trọn nét mộc mạc, nguyên sơ trong cách sinh hoạt của nhiều dân tộc khác nhau, của sự nồng nàn, ngất ngây trong hơi men say rượu ngô thơm nồng và hòa quyện cùng hương vị đất trời Tây Bắc.

Men tình rượu ngô Bản Phố

Nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển, Bắc Hà theo tiếng địa phương (tiếng Tày, Nùng) gọi là Pạc Ha (có nghĩa là trăm bó gianh). Nhắc đến Bắc Hà, người ta không chỉ nhớ về một thời “cao nguyên trắng”, nhớ tới dinh vương Hoàng A Tưởng được xây dựng theo lối kiến trúc Á – Âu độc đáo mà Bắc Hà còn khiến nhiều người đến chợ phiên – phiên chợ vùng cao hiếm hoi còn lưu giữ được những nét bản sắc trong văn hóa mua bán, trao đổi của người dân vùng cao phía Bắc.

Ông Phạm Xuân Bình – Trưởng Ban quản lý chợ Bắc Hà cho biết, chợ phiên họp vào Chủ nhật hàng tuần, những ngày này, bất kể trời mưa hay nắng, gió bão hay giá lạnh…người đồng bào dân tộc ở Bắc Hà đều háo hức xuống chợ. Nhiều người nhà cách xa chợ cả mấy ngọn núi, mấy quả đồi nhưng họ vẫn tất bật dậy từ sáng sớm, chuẩn bị những bộ váy áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất để xuống chợ. Theo quan niệm của người dân ở đây, họ đến chợ không chỉ đơn thuần là mua, bán hay trao đổi hàng hóa, mà còn là để gặp gỡ, giao lưu, tâm tình… Hay nói một cách khác đơn giản hơn, đó là xuống chợ “đi chơi”.

1 (7)

 Chiếc váy truyền thống của dân tộc Hmông luôn thu hút sự chú ý của du khách đến với phiên chợ Bắc Hà

Đến chợ phiên Bắc Hà, điều khiến chúng ta dễ dàng nhận thấy chính là sự khác biệt của phiên chợ bởi những gian hàng được chia thành các khu vực khác nhau như: Khu chợ trâu, chợ khuyển, khu vực bán sản vật…Thế nhưng, khu gian hàng đông đúc nhất vẫn là khu ẩm thực với những chảo thắng cố nghi ngút khói – thứ đặc sản được nấu bằng thịt và “lục phủ ngũ tạng” của ngựa đã được tẩm ướp gia vị truyền thống như thảo quả, địa điền, muối hạt…

Trong cái lạnh tê tái của núi rừng, nồi thắng cố nghi ngút khói hẳn sẽ mất ngon nếu không kèm theo thứ rượu ngô Bản Phố cay nồng – thứ rượu đặc sản của người dân tộc Hmông, dân tộc Dao ở Bản Phố (Bắc Hà), loại rượu uống êm mà nặng, thơm lừng mùi riêng biệt của núi rừng Tây Bắc. Để rồi, khi phiên chợ tan, người ta vẫn còn vấn vương hương vị thơm ngon của rượu, của tình người ấm áp.

Bởi thế, không khó hiểu vì sao ở chợ có hẳn một khu riêng biệt để người dân bán rượu. Rượu được bày bán nhiều trong những đại lý, hàng quán và tập trung thành một khu vực nhỏ, nhưng rất nhộn nhịp. Thậm chí, để giới thiệu, quảng bá cho thứ rượu đặc sản này, tại một góc chợ vợ chồng ông Giàng Seo Sẩu (60 tuổi) đều đặn suốt hơn 40 năm qua vẫn miệt mài xuống chợ nấu rượu.

2a

 Ông Giàng Seo Sẩu bên nồi rượu ngô, thứ rượu đặc sản ở Bắc Hà

Ông Sẩu bảo, ông đã xuống chợ nấu rượu ngô từ lúc tuổi còn 18 đôi mươi. Hơn 40 năm qua, tuần nào cũng vậy, vợ chồng ông Sẩu đều như “vắt chanh” cõng 60kg ngô xuống chợ nấu rượu. Mỗi mẻ rượu ngô phải nấu trong vòng 20 ngày, với 60kg ngô, sau khi nấu chỉ cho từ 20 – 24 lít rượu. Mà muốn rượu ngô ngon không chỉ là việc lựa chọn ngô đúng thời điểm, mà theo ông Sẩu men dùng để ủ rượu cũng phải được sử dụng bằng cây bột cây hồng mi. Sau khi nấu, rượu ngô có màu trong suốt, mùi thơm nồng khó nơi nào có được.

3a

Một góc nhỏ tại chợ phiên Bắc Hà chuyên bán rượu ngô 

Hoa xòe trên cao nguyên trắng

Cùng với thắng cố, rượu ngô Bản Phố, chợ trâu…theo ông Phạm Xuân Bình, để làm nên vẻ đẹp tại chợ phiên Bắc Hà không thể không nói đến những người phụ nữ các dân tộc trong huyện, họ đến chợ với những sắc phục đủ màu rực rỡ. Thế nhưng, đẹp nhất vẫn là váyáo của phụ nữ Hmông, Hoa. Váy xòe rộng như đuôi công nổi bật hai màu vàng, đỏ. Mỗi cô gái như một bông hoa di động. Từng tốp, từng tốp, cười nói rôm rả, đi đến đâu là bừng sáng, cuốn theo những ánh nhìn mê đắm… khiến cả phiên chợ rực rỡ như một chợ hoa.

Chị Châu Thị Lan – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Bản Phố cho biết, để có được bộ váy lộng lẫy, trước đây phụ nữ dân tộc Hmông phải tự tay làm tất cả các công đoạn từ trồng lanh, chuốt sợi, se sợi, dệt vải, thêu… Vì thế, khi chiếc váy hoàn thành nó được coi là “công trình” vĩ đại. Bởi, nhiều người phải mất cả năm trời mới có được bộ váy đủ sắc màu theo đúng văn hóa truyền thống. Tùy vào chất liệu vải, sự kỳ công, mỗi bộ váy áo của phụ nữ Hmông sẽ có giá trị khác nhau, tuy nhiên, trung bình mỗi bộ có giá từ 6 – 10 triệu đồng.

4

Du khách cũng rất quan tâm đến những món quà từ vải thổ cẩm 

Đến Bắc Hà, quả là thiếu sót nếu như chúng ta không được chiêm ngưỡng hết những nét văn hóa đặc sắc làm mê đắm lòng người. Trong đó, nghệ thuật xòe của người Tày ở Tà Chải – nét văn hóa quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Tày ở Bắc Hà, thực sự là loại hình nghệ thuật đặc sắc, mê đắm lòng người.

Xòe Tà Chải có từ rất lâu đời, từ khoảng thế kỷ XVIII, được phát triển lên từ phần hội của các nghi lễ cầu mùa, làm then... Theo tài liệu nghiên cứu, sưu tầm của các nghệ nhân và ngành chức năng, xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu... Đặc biệt, sự ra đời của các điệu xòe mới giao thoa giữa văn hóa Á - Âu đã khiến những vòng xòe thêm mềm mại, sinh động, vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn…

Bởi chính những giá trị văn hóa đặc sắc đó, năm 2015 điệu múa xòe Bắc Hà đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xòe Bắc Hà không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần, mà còn mang nhiều giá trị truyền thống, là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc nơi đây.

5

 Một góc phiên chợ Bắc Hà

Bởi thế, người dân Bắc Hà có câu, muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố, muốn ăn thắng cố về chợ Bắc Hà, muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải… Ngày nay, điệu xòe Tà Chải đã theo người dân xuống chợ phiên phục vụ du khách thập phương, theo tiếng khèn, nam nữ cùng nắm tay nhau xòe quanh đống lửa và cùng nhau hát vang lời hát mộc mạc, chân tình: Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi… những câu hát mộc mạc ấy như hòa quyện vào ngọn lửa, điệu xòe, hòa quyện vào hơi men rượu say nồng, để rồi tạo nên nét văn hóa đậm đà bản sắc, mê đắm lòng người nơi vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Cái chất thơ trong bản sắc của Bắc Hà luôn níu chân người đã từng ghé qua đây, chẳng vậy mà nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã bày tỏ cảm xúc của mình với câu :

Ngược sông lên tới Bắc Hà

Tình người quyện với tình hoa thắm nồng.

Bắc Hà – sơn nữ chưa chồng,

Để tôi xuống núi sinh lòng tương tư...

(trích bài Vấn vương Bắc Hà)

Bắc Hiệp – Thi Lê

Tin khác

Tin tức 33 phút trước
(SHTT) - Ngày 26/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề "Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' để trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - 65 bảng Anh (khoảng 2 triệu VNĐ) là con số trung bình mà mỗi công dân Anh bỏ ra hàng tháng để đóng góp cho hoạt động từ thiện trong năm 2023, tăng 40% so với năm trước đó.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định vai trò của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.