SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Gần 600 ngày trong tay cướp biển Somalia

09:05, 25/07/2012
Chiều 24-7, sau gần 600 ngày bị cướp biển Somalia bắt giữ (ngày 24-12-2010), 12 thuyền viên VN đã trở về trong niềm vui sướng tột cùng của người thân.

Đúng 15g40, các thuyền viên xuất hiện ở lối ra sảnh A ga quốc tế đến sân bay Nội Bài. Những khuôn mặt gầy đen, hốc hác, mệt mỏi bỗng chốc nhòa lệ vui sướng trong niềm vui tột cùng của thân nhân. Tất cả lao vào nhau nhòa lệ. Những ông bố, bà mẹ, đứa em nước mắt nhòe nhoẹt sờ nắn thân thể những người thân yêu của mình.

Bà Hoàng Thị Thu (ở Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cùng hai con nhỏ lao vào ghì chặt thuyền viên Trần Văn Toàn, nức nở: “Con về đến đây là tốt quá rồi, phúc đức cao dày lắm con ơi...”. Còn bà Nguyễn Thị Quế (Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An - mẹ thuyền viên Bùi Văn Hóa) nói với phóng viên trong tiếng nấc: “Tui sướng lắm các chú ơi. Bị bắt gần hai năm trời thì mãi gần một năm, hắn mới gọi điện về một lần mà chẳng nói chi, chỉ khóc và bảo “nếu có gì xảy ra, con xin lỗi bố mẹ”. Tối qua nghe thời sự nói được thả về hôm nay, 10g đêm tui ra ga bắt tàu đi ngay Hà Nội, ngủ đêm trên ga sân bay đón hắn. Giờ hắn về ngay trước mắt, tôi không biết mình có ngủ mơ không nữa”.

Lá chắn sống cho cướp biển

Phải sau hơn chục phút đã yên vị trên xe chạy về nội thành Hà Nội, thuyền viên Trần Văn Toàn mới bình tĩnh kể: “Tất cả chúng tôi lên tàu Húc Phú 1 tại cảng Nam Phi một ngày cuối tháng 12-2009. Trên tàu có 26 thuyền viên, trong đó có 12 người là người Việt, còn lại là thuyền viên Trung Quốc. Lênh đênh trên biển đúng một năm, đến trưa 24-12-2010 đúng ngày Noel, khi vừa thả lưới ở khu vực vùng biển châu Phi thì tàu chúng tôi nhận được điện báo từ tàu khác là có cướp biển. Chúng tôi chạy ra thành tàu nhìn thấy có hai chiếc canô đang rẽ sóng lao tới, trên canô lố nhố toàn người da đen, tay lăm lăm súng. Do vướng lưới nên tàu không chạy thoát. Khoảng 40 người đàn ông da đen lăm lăm súng tiểu liên ép tàu, bắn súng chỉ thiên, rồi ào ào lên tàu. Chúng ra hiệu dồn mọi người lại và lục soát. Ai chậm chễ hoặc có hành động chống đối là bị đánh luôn bằng báng súng...”.

 

 

Giây phút trùng phùng đẫm nước mắt của thuyền viên Nguyễn Thanh Tú (giữa) với cha và mẹ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội  - Ảnh: việt dũng

 

Theo lời kể của các thuyền viên, sau khi khống chế được tàu Húc Phú 1, khoảng 30 tên cướp ở lại tàu và chỉ đạo tàu tiếp tục ra khơi. “Sau một vài ngày bọn tôi mới biết chúng lấy tàu mình để ngụy trang tiếp tục đi cướp những tàu khác. 15 ngày sau, cướp biển cướp được một tàu khác mà bọn tôi không biết là tàu nước nào. Chúng dùng tàu cá của chúng tôi áp giải tàu cướp được vào một vùng vịnh nào đó. Tại đây chúng tôi thấy có hàng trăm tàu lớn, nhỏ đỗ đầy trong vịnh, từ tàu cá đến tàu hàng, container đủ hết. Bắt đầu từ lúc này chúng tôi mới khổ sở với bọn cướp. Suốt tám tháng liền chúng cho tàu ở vịnh và công việc của chúng tôi là tháo dỡ tất tật những gì có trên tàu, từ ngư cụ đến máy móc của tàu...” - Toàn kể.

Ông Đỗ Hoàng Lê, phó giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) thuộc Cienco-1, cho biết: “Trong thời gian 12 thuyền viên bị bắt giữ, chủ tàu Đài Loan vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm chuyển tiền lương của các thuyền viên về công ty để chi trả cho thân nhân các thuyền viên. Sau khi các thuyền viên ổn định, chúng tôi sẽ thanh lý hợp đồng theo quy định. Người nào muốn đi trở lại, tất nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên, hỗ trợ tối đa. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước trích Quỹ hỗ trợ XKLĐ để hỗ trợ thêm cho các thuyền viên trở về”.

 Sau tám tháng dỡ tàu xong, cướp biển lại đưa tất cả thuyền viên lên một tàu khác, cũng là tàu chúng cướp được ra khơi. Các thuyền viên bất đắc dĩ trở thành tấm lá chắn, ngụy trang, con tin (khi gặp tàu chiến hoặc máy bay của các nước) để bọn cướp đi cướp. “Tàu chúng đưa bọn tôi đi nhưng chẳng cướp được tàu nào nên hai tháng sau chúng quay vào bờ. Trên đường trở vào bờ, chúng tôi hi vọng sẽ được thả nhưng cuối cùng không được vào hẳn bờ mà chúng đưa lên một hoang đảo. Và chúng tôi ở trên hoang đảo này suốt từ đấy cho đến lúc về” - thuyền viên Lưu Đình Sơn (người mà ở nhà đã lập bàn thờ vì sau gần một năm có điện báo về Sơn đã bị cướp biển bắn chết) nhớ lại.

 Sơn kể khi đó bọn cướp đưa ba thuyền viên (có Sơn và hai thuyền viên Trung Quốc) đi. Lên bờ, chúng tách ba người và nhốt Sơn vào một ngôi nhà bỏ hoang và cho hai tên cướp canh giữ trong ba ngày liền. Khi trở về tàu, mọi người ngỡ ngàng thông báo cho Sơn biết sau khi đưa Sơn đi, chúng nói với trưởng tàu rằng đã bắn chết ba người vì phía chủ tàu không chịu trả tiền chuộc.

Không chỉ Sơn, chúng cho thuyền viên Trần Văn Hùng gọi điện về. “Chúng kè súng bên sườn, và qua trưởng tàu phiên dịch, chúng ép tôi báo cho gia đình biết sẽ chặt tay chân nếu không bảo người nhà chuyển tiền chuộc” - Hùng nhớ lại giây phút hãi hùng.

“Suốt từ lúc bị bắt đến lúc thả, chưa ngày nào chúng tôi được ăn quá hai bát cơm. Mà gạo chúng ném cho thì chỉ một bọc vài ký cho 26 người, loại gạo gì đen, hôi, rất nhiều sạn” - thuyền viên Nguyễn Thanh Tú nói. Chỉ cơm không, nhưng mỗi người cũng chỉ được một bát, chẳng có rau, nước uống gì. Ăn kham khổ thế nhưng hễ ai làm chậm là bị chúng trói gô tay này với chân kia lại, rồi đấm đá liên tiếp. Có những thằng cướp ác độc hơn còn lấy ống nước to như cổ tay phang túi bụi. Tay chân bị trói chặt cứng, cựa mạnh là tứa máu, tê cứng” - thuyền viên Trần Văn Hùng kể.

 

 

Các thuyền viên (từ phải qua): Lưu Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Tú, Trần Huy Bình, Nguyễn Thanh Hải, Hồ Xuân Hương, Trần Đình Hùng, Trần Văn Toàn - Ảnh: việt dũng

 

"Bọn cướp trên tàu hay trên đảo ăn uống vẫn thừa mứa, đủ đầy, có cơm trắng, có thịt, có rau, nhưng các thuyền viên chỉ được phát ít gạo mỗi ngày. Trên đảo không có nước, anh em tự đi tìm nước, lấy cả nước ở những vũng mà ruồi nhặng lúc nhúc về nấu cơm. Cứ ăn xong bát cơm nào thì anh em... ôm bụng chạy tìm nơi xả ngay. Vậy nhưng vẫn cứ phải ăn, bởi không ăn cũng bị bọn cướp đánh"

Thuyền viên TRẦN VĂN TOÀN

Ghê hơn ác mộng

 Vạch áo chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo trên thân thể mình, thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (23 tuổi, quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rùng mình nhớ lại: “Đây chỉ là những vết sẹo do kiến, muỗi đốt khi ở trên hoang đảo. Không biết đó là khu vực nào nhưng ngày thì cực nóng, đêm lại mát lạnh. Mọi người cứ ngủ vạ vật dưới những gốc cây. Xung quanh đó có khoảng 30 tên cướp lúc nào cũng lăm le súng trên tay, luôn túc trực canh chừng. Chẳng hiểu sao tôi bị kiến và muỗi đốt nhiều nhất. Lúc mới bị đốt thì sưng tấy, rồi cứng đơ lại. Sau 3-4 ngày mưng mủ, đau buốt, có vết kiến đốt sau vài ngày nặn ra có cả con giòi”.

 Nhưng đó chỉ là những gì rất “khách quan” bởi hầu hết các thuyền viên vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi những trận đòn vô cớ của đám cướp. “Chúng vui cũng đánh, buồn chán cũng đánh, có thằng không ngủ được cũng lôi ai đó ra đánh. Còn đương nhiên những việc chúng bảo làm mà làm chậm hay làm không vừa ý chúng thì chúng cũng đánh. Anh em thì gầy nhỏ, ốm yếu, người nào cũng sụt cả chục ký, còn bọn cướp đen trũi, lừng lững. Nhiều lúc tôi cứ thủ sẵn dao, kéo để sẵn sàng đánh trả nếu chúng gây sự đánh mình, chứ sống như vậy tôi cũng xác định chẳng thà chết”.

Dù đã xem những bộ phim về cướp biển trên tivi nhưng thuyền viên Vũ Văn Ba chưa bao giờ hình dung đời sống của cướp biển chứ đừng nói bị chúng bắt giữ: “Bọn chúng đều mặc quần đùi, trang bị súng trường hoặc súng K54, không ngày nào không đánh hoặc dọa bắn chết nếu làm không vừa ý. Bởi nghề của họ là đi cướp nên đến người chăn dê và phụ nữ cũng có trách nhiệm trông coi con tin”.

Theo lời kể của Toàn, Tâm, Hùng thì những ngày trên hoang đảo là đáng ghê sợ bọn cướp nhất. Tại đây không chỉ có một đám cướp mà có vài ba đám cướp, đám này đi cướp về xong thì được nghỉ vài ngày, đám kia lại đi. “Thật khó đoán được chúng có bao nhiêu tên trong khu vực giam giữ con tin, sáng mở mắt thấy cướp, tối trước khi nhắm mắt cũng thấy cướp” - thuyền viên Lưu Đình Hùng kể.

Các thuyền viên thường xuyên gặp cả những đứa trẻ đen trũi chỉ chừng 10 tuổi, thậm chí có cả con gái đi lại trên đảo mà lúc nào cũng có súng bên người. Bọn cướp có đứa thì mặc quần rằn ri dữ tợn, nhưng hầu hết chúng mặc váy đen.

“Có những đợt 2-3 ngày bị bỏ đói vì hình như chúng hết gạo. Rồi cũng có khi chúng đưa mỗi người ít bột mì kèm ca nước mà chỉ một nửa là nước, một nửa là cặn gì đó nhưng vẫn bắt mọi người đổ bột mì vào cốc khoắng lên rồi húp. Chúng quan sát thấy ai không húp là đá văng ca bột, rồi đấm đá người đấy. Thành ra quá hãi hùng, nhưng vì mạng sống, vì không muốn ăn đòn nên anh em thuyền viên vẫn phải nhắm mắt ăn” - Toàn rùng mình kể lại. 

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 1 ngày trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 1 ngày trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Theo công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính.