SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

FPT Retail "tăng tốc" phát triển hệ thống nhà thuốc

09:26, 29/08/2018
(SHTT) - Sau khi mua thành công chuỗi nhà thuốc Long Châu, FPT Retail đã chính thức tham gia hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.

Với tham vọng kiểm soát 30% thị phần bán thuốc của toàn thị trường Việt Nam vào năm 2022, FPT Retail cho biết sẽ tận dụng kinh nghiệm điều hành chuỗi bán lẻ và phong cách quản lý hệ thống công nghệ thông tin để đạt được mục tiêu này.

fpt2

 

Tham vọng dẫn đầu dược phẩm

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, CTCP bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã thông qua kế hoạch sản xuất năm 2018, với mục tiêu doanh thu đạt 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, tăng mạnh 30%. 

Chia sẻ tại Đại hội, Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết trong bối cảnh thị trường điện thoại đang có xu hướng chững lại, FPT Retail đã và đang triển khai đồng thời chiến lược kinh doanh mới để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép của Công ty.

Để đạt được mục tiêu như đề ra, bà Điệp cho biết, FPT Retail FPT Retail sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các chiến lược như phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple, chương trình F.Friend, trợ giá điện thoại,… đặc biệt là triển khai kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực dược phẩm.

Theo đó, Công ty này đã trích từ nguồn vốn đầu tư 300 tỷ đồng để mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu vào năm 2017. Tại thời điểm đó, Long Châu chỉ có 5 cửa hàng. 

Sau một năm xây dựng phần mềm, quản trị chuỗi nhà thuốc, tiếp quản nguồn nhà cung cấp... đến nay Long Châu có 10 nhà thuốc tại TPHCM. Dự kiến năm 2018, chuỗi nhà thuốc này sẽ mở thêm 20 cửa hàng nữa và tiến đến đặt mục tiêu mở 100 nhà thuốc mới hàng năm trong 4 năm với tham vọng kiểm soát 30% thị phần bán thuốc của toàn thị trường Việt Nam vào năm 2022.

"Công ty sẽ tận dụng kinh nghiệm điều hành chuỗi bán lẻ và phong cách quản lý hệ thống công nghệ thông tin để đạt được mục tiêu này", bà Nguyễn Bạch Điệp khẳng định.

fpt1

 Một trong những nhà thuốc Long Châu tại TP HCM

FPT Retail đang quá tự tin?

Theo dữ liệu của đội ngũ nghiên cứu và nguồn tin từ các chuỗi cửa hàng thuốc, doanh thu trung bình mỗi tháng của Long Châu hiện đạt khoảng 134.000 USD/cửa hàng (3 tỷ đồng), trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD (250 triệu đồng), Phano là 18.000 USD (400 triệu đồng), Eco là 25.000 USD (580 triệu đồng) và An Khang là 32.000 USD (750 triệu đồng). 

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. 

Mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 nước có ngành dược đang phát triển (pharmerging) nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đến 40 USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước pharmerging.

Do vậy, tiềm năng phát triển ngành vẫn còn rất lớn, nếu được khai thác hợp lý, đây sẽ là nguồn lực to lớn để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường ngành dược và vươn ra khu vực. 

fpt3 (1)

 

Được biết, chiến lược cạnh tranh về giá được FPT Retail rất chú trọng. Cụ thể, trung bình giá các mặt hàng tại chuỗi Long Châu hiện đang thấp hơn kênh bệnh viện 10-20% và có mức lãi/tổng đơn hàng so với các cửa hàng có thương hiệu như Phano, An Khang… trên 50%. 

Bên cạnh đó, khác biệt giữa nhà thuốc Long Châu với các nhà thuốc khác là đến từ toa thuốc. Tức số lượng thuốc Long Châu có cao gấp 6-7 lần nhà thuốc bình thường và giá rất rẻ hơn tầm 20%/bill (1 toa 500-1 triệu đồng). Thêm vào đó, sản phẩm của Long Châu thì 60% đến từ thuốc tân dược, 40% từ dược mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và thực phẩm chức năng - Nhóm hàng mang đến lợi nhuận cao hơn là thuốc. Nhưng thuốc là nhu cầu không ngừng tăng trưởng, nên có thể tận dụng khách hàng mua thuốc để bán sản phẩm thiết bị y tế và thực phẩm chức năng.

Về những lo ngại thị trường dược phẩm đã nằm trong tay các bệnh viện, bà Điệp cho biết: "Chúng tôi đều đã có và thực hiện những kế hoạch thâm nhập, tăng tỷ lệ hiện diện thương hiệu tại cả bệnh viện và phòng khám tư để chiếm khoảng 30% thị phần ngành dược trong 4 năm tới."

Ngoài ra, với mức tăng trưởng hàng năm của ngành dược phẩm không dưới 13% và không phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” nền kinh tế, cho nên FPT Retail tin tưởng sẽ dẫn đầu ngành này.

Tuy nhiên, bà Điệp cũng thừa nhận, chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến “nguồn hàng còn rất lộn xộn”, yêu cầu đặc thù về trung tâm phân phối và địa điểm.

Liệu có đi theo “vết xe đổ” Thế Giới Di Động?

Được biết, trước đó, vào tháng 12/2017, một "ông lớn" khác trong lĩnh vực bán lẻ là Thế giới Di Động đã công bố kế hoạch tham gia vào hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, thông qua việc hoàn tất mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang - Đơn vị quản lý khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP HCM.

Thời điểm đó, Công ty công bố sẽ từng bước xây dựng lại cửa hàng, đổi tên chuỗi thành nhà thuốc An Khang. Hình ảnh biển hiệu của nhà thuốc cũng được thay đổi với gam màu xanh lá làm chủ đạo và logo truyền thống của Thế giới Di Động. Dự tính ban đầu của Công ty, mỗi quận của TP HCM sẽ có khoảng 2 - 3 cửa hàng thuốc An Khang, sau đó sẽ mở khoảng 100 cửa hàng và cả nước là 500 cửa hàng trong 2 - 3 năm tới.

fpt

Nhà thuốc An Khang của Thế giới Di Động 

Theo lộ trình, Thế giới Di động từng có kế hoạch mua 100% cổ phần chuỗi dược phẩm Phúc An Khang thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm. 

Tuy nhiên, đến ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di Động đã chính thức tuyên bố dừng kế hoạch này lại nhằm đánh giá rủi ro, cũng như chưa phải thời điểm thích hợp để đẩy mạnh mảng mới. 

Theo đó, thay vì mua "đứt" và nắm quyền kiểm soát tại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, Thế giới Di động sẽ chỉ mua lại tối đa 49% vốn của đơn vị này để đánh giá lại rủi ro. Hiện Công ty đang đóng vai trò là cổ đông lớn, đứng phía sau hỗ trợ phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang. Như vậy, doanh thu từ chuỗi dược phẩm này sẽ không được hợp nhất vào báo cáo kết quả kinh doanh của MWG mà chỉ hợp nhất lợi nhuận tương ứng tỷ lệ sở hữu.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2018, Thế giới Di động đạt 44.570 tỷ đồng doanh thu - tăng trưởng 43% và LNST đạt 1.540 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ.

Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh (bao gồm Trần Anh) đóng góp 56% doanh thu thuần, đạt 24.949 tỷ đồng, tiếp theo là chuỗi Thế Giới Di Động với 41% (18.039 tỷ đồng) và Bách Hóa Xanh với 3% (1.552 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm, Công ty đã nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% tỷ lệ sở hữu CTCP Bán lẻ An Khang, với giá trị đầu tư 62 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm hoạt động hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm đã mang về cho Thế Giới Di Động khoản lỗ lũy kế 734 triệu đồng.

Ngoài ra, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, nhân sự cao cấp của chuỗi nhà thuốc An Khang biến động liên tục. Ban đầu doanh nghiệp này có ba cổ đông sáng lập, trong đó Trưởng ban kiểm soát của Thế Giới Di Động là ông Trần Huy Thanh Tùng nắm chưa đến 1% vốn cổ phần. Lần thay đổi gần đây nhất là cuối tháng 6 khi tăng vốn điều lệ thêm một tỷ đồng, đổi người đại diện pháp luật và ẩn thông tin chi tiết về cơ cấu cổ đông.

Theo ông Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị cho rằng, thị trường bán lẻ dược phẩm nhìn từ bên ngoài là hấp dẫn, nhưng tìm hiểu kỹ hoặc thâm nhập sâu, mới thấy, mở vài điểm thì được, còn kinh doanh chuỗi là không dễ. Bán lẻ từng mặt hàng có những đặc thù về phương thức thu mua, lưu kho, vận chuyển, bảo quản, trưng bày, quy trình sử dụng/tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ khách hàng trước, trong và sau khi mua, thời hạn sử dụng...

Trên thị trường nói chung, bán lẻ từng mặt hàng khác nhau về nhu cầu, tâm lý tiêu dùng, thói quen mua, quy trình sử dụng sản phẩm, đối tượng tiêu dùng, độ minh bạch của thị trường, mức độ cạnh tranh, quy mô thị trường, khả năng thâm nhập kênh phân phối...

Với riêng ngành dược, bên cạnh những yếu tố trên, còn có một số đặc thù, có thể gọi là rào cản, đối với việc phát triển chuỗi, như không dễ xin giấy phép mở điểm mới, dẫn đến không thể tăng quy mô nhanh như các ngành khác; ít nhân viên, nên có một số hoạt động không thể quản lý bằng hệ thống phần mềm (đưa hàng ngoài vào bán, nâng giá, bán hàng giả...) và rủi ro cao (sản phẩm liên quan đến sức khỏe).

“Một cá nhân mở 1 - 2 cửa hàng thì dễ, nhưng tập đoàn lớn sẽ gặp thêm khó khăn nữa về hiệu quả. Do khó phát triển điểm bán một cách nhanh chóng như những ngành hàng tiêu dùng bình thường, nên tốc độ tăng trưởng doanh thu rất chậm so với các mục khác trong danh mục đầu tư. Phân bổ kiểu gì cũng khiến hiệu quả kinh doanh của ngành mới này trở nên nhỏ bé và ‘khó coi’ tại báo cáo tài chính trong nhiều năm”, ông Đỗ Hòa chia sẻ.

Ánh Phượng

Tin khác

Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 18 giờ trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.