FED chính thức hạ lãi suất, phủ nhận sự xuất hiện của chu kỳ nới lỏng chính sách kéo dài
"Trước những tác động của triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như áp lực lạm phát, Ủy ban đã quyết định hạ lãi suất", Ủy ban Thị trường mở Liên bang, dẫn đầu bởi Chủ tịch FED Jerome Powell, cho biết.
Theo đó, FED quyết định cắt giảm lãi suất Quỹ Dự trữ Liên bang 0,25% từ mức mục tiêu 2,25 - 2,5% xuống còn 2 - 2,25%. Đây là lần đầu tiên FED hạ mức lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008.
Trả lời báo giới sau cuộc họp của FED, Chủ tịch Jerome Powell cho rằng, ông không xem quyết định cắt giảm lãi suất lần này là điểm bắt đầu cho một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài.
"Chúng tôi cho rằng bản chất của hạ lãi suất chỉ là sự điều chỉnh chính chính sách giữa chu kỳ", ông nhấn mạnh. Theo ông Powell, động thái này để củng cố nền kinh tế Mỹ ứng phó với các rủi ro do sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu gây ra.
Bên cạnh các dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và mong muốn thúc đẩy lạm phát quá thấp là lý do để FED đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng để ngỏ một đợt cắt giảm lãi suất khác từ nay đến cuối năm 2019.
Trong tuyên bố vào cuối cuộc họp, FED nhận định nền kinh tế Mỹ tăng trưởng "vừa phải" và thị trường lao động vẫn "mạnh" nhưng họ quyết định cắt giảm lãi suất do ảnh hưởng từ diễn biến toàn cầu đến triển vọng kinh tế Mỹ cũng như áp lực lạm phát yếu.
Việc FED cắt giảm 25 điểm cơ bản của lãi suất là điều đã được hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán. Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông muốn FED cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell vì liên tục nâng lãi suất. Ông cũng từng dọa sa thải Chủ tịch Powell.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nhận định: "Như thường lệ, Chủ tịch FED Jerome Powell lại khiến chúng ta thất vọng. Nhưng dù sao, chúng ta đã thắng, dù tôi không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ FED".
Theo Tổng thống Trump, điều mà thị trường mong muốn chính là sự khởi đầu của một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh nhằm duy trì đà với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác, song thực tế quyết định của FED cách xa mong muốn này.
Sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán Phố Wall sau phát biểu của ông Powell tại cuộc họp báo, cho biết ông không cho đây là sự khởi đầu của một chu kỳ dài cắ giảm lãi suất.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/7, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm hơn 1%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2%, dừng ở mức 26.864,27 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,1%, còn 2.980,38 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,2% xuống còn 8.175,42 điểm.
Cùng đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 1/8 không mấy khởi sắc.
Chỉ số MSCI của khu vực châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản giảm 0,4% xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 6 trong phiên sáng 1/8. Tại Trung Quốc, các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm gần 0,6% và 0,4%.
Tại thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng mất 152 điểm, tương đương 0,5%. Tại khu vực Nam Á, chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,3% trong khi chỉ số NZX 50 giảm gần 0,1%.
Trên sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đầu phiên đã mất 0,82%, trong khi đó chỉ số Topix giảm 0,58%.
Hoài An
TIN LIÊN QUAN
-
Cách thu gom rác thải cống thoát nước ở Úc, thiết kế đơn giản nhưng rất hiệu quả
-
Chán thanh toán quét mã QR, Trung Quốc dần chuyển qua hình thức trả tiền bằng cách nhận diện khuôn mặt
-
Honda CR-V lao đao vì lỗi chốt cần số ở Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
-
Honda CR-V bị lỗi nút bấm cần số khiến người lái không thể chuyển số từ P sang các vị trí khác?