SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Đường lớn đã mở

08:22, 11/02/2021
(SHTT) - Đối với Việt Nam, chúng ta từng có kinh nghiệm vượt qua suy thoái kinh tế từ những năm 1999, 2008, 2011 và 2020, do vậy, bằng những chính sách của Chính phủ và những nỗ lực nội tại của nền kinh tế, hy vọng rằng, Việt Nam sẽ vượt qua thử thách, thênh thang đi trên con đường lớn đang rộng mở.

Diễn biến kinh tế năm 2020 mang đến cho thế giới một bức tranh ảm đạm. Bước vào năm 2021, với sự lăm le bùng phát trở lại của dịch Covid -19, nhất là trong tình trạng nước Anh chỉ mới ca ngợi thành công trong việc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine chống COVID-19, chỉ vài giờ sau đó lại phải công bố giãn cách xã hội 4 tuần để phòng chống dịch lây lan, nên sự tụt dốc của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật, châu Âu năm 2020 vừa qua không dễ gì lấy lại đà phát triển.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta từng có kinh nghiệm vượt qua suy thoái kinh tế từ những năm 1999, 2008, 2011 và 2020, do vậy, bằng những chính sách của Chính phủ và những nỗ lực nội tại của nền kinh tế, hy vọng rằng, VN sẽ vượt qua thử thách, thênh thang đi trên con đường lớn đang rộng mở.

Vững bước vượt qua khó khăn

Năm 2020, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu với đại dịch Covid-19, tuy vậy, nhưng nền kinh tế VN vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%. Những động lực quan trọng cho sự phát triển đó là đầu tư công (ĐTC), xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng bằng vốn ĐTC đã góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và giải quyết việc làm cho người lao động.

tang-truong-kinh-te-viet-nam-2021-1612927005

 

Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC (GNVĐTC), coi đây là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Quyết liệt hơn, từ tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc công tác ĐTC. Sau hội nghị, Chính phủ tổ chức bảy đoàn công tác tại các bộ, địa phương để nắm bắt thực tế, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Nhiều giải pháp thúc đẩy GNVĐTC đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án ĐTC; khẩn trương hoàn thiện công việc giao chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2020 cho các dự án; tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn được giao.

Nhờ đó, tiến độ GNVĐTC có sự chuyển biến rất tích cực trong nửa cuối năm 2020 để bứt phá đạt 91,1% kế hoạch cả năm. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GNVĐTC năm 2020 đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so năm trước. Mặc dù giải ngân không đạt 100% kế hoạch nhưng tỷ lệ này có cải thiện và tích cực hơn cùng kỳ năm 2019 do quy mô vốn ĐTC năm 2020 tăng cao hơn năm trước. Đáng lưu ý, đây là năm có mức tăng GNVĐTC cao nhất trong cả giai đoạn 2011 - 2020, cũng là năm tập trung giải ngân vốn cho nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, có ảnh hưởng lan tỏa, tác động nhiều địa phương, điển hình là ba dự án đường cao tốc bắc - nam gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công trong quý III.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của VN năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 ước tính đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III năm nay.

Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

 Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.

Năm 2020, cán cân thương mại VN xuất siêu 19,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,6 tỷ USD.

Để có được thành quả trên, là nhờ sự góp sức của những chuyến công tác xúc tiến thương mại, những nỗ lực “chạy đua” để có được hiệp định quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, mở ra tuyến đường cao tốc cho hàng hóa VN ra thế giới. Đó là nỗ lực chạy đua để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ… Đó cũng là nỗ lực chạy đua để kiểm soát dịch COVID-19, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Năm 2020, chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối DN trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực DN đầu tư nước ngoài. Năm 2019, khối DN trong nước có trị giá xuất khẩu tăng 19,1% so với năm trước, trong khi khối DN FDI chỉ tăng 4,2%.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được đa dạng hóa. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019. Là lối ra của nền kinh tế, xuất khẩu, đặc biệt lại là xuất siêu, trở thành “mã lực” quan trọng thúc đẩy cỗ máy kinh tế, tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực khác.

Trong bức tranh xuất khẩu đó, nông nghiệp góp phần tô điểm những màu sáng quan trọng, khẳng định trụ cột của nền kinh tế vào những lúc khó khăn. Đơn cử như với gạo, mặt hàng được ví như “hạt ngọc” của nước ta thì năm 2020 có thể nói là năm thắng đậm của gạo VN khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Trong năm đầy khó khăn này, ngành gạo không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỷ USD.

Năm 2020, dù suy thoái kinh tế khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký vào VN trong năm 2020 chỉ giảm 8,7% so với cùng kỳ (tổng vốn FDI đăng ký khoảng 21 tỷ USD theo giá trị tuyệt đối, thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ USD). Và, có thể thấy rõ, năm 2020, VN là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2020. Điển hình như Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU... đã có những dự án mới có quy mô lớn đã vào Việt Nam và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số đó chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực điện tử.

Đơn cử như Công ty TNHH LUXSHARE-ICT hoạt động trong lĩnh vực điện tử đầu tư dự án mới có quy mô lớn vào Bắc Giang hồi tháng 3/2020. Chỉ mới mấy tháng đi vào hoạt động trong năm 2020, DN này đã sản xuất được khoảng trên 15 triệu tai nghe có kết nối với micro, tạo ra trên 33 nghìn tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu). Dự án này đã tạo việc làm cho 30.000 lao động (dự kiến năm 2021 tăng lên 50.000 lao động) và là nhân tố chủ yếu làm cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang năm 2020 tăng khoảng 20% so với năm 2019. Đây là một tốc độ tăng ấn tượng trong năm đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của cả nước.

Hay như ở Quảng Ninh cũng có 6 DN FDI mới đầu tư và đi vào hoạt động trong năm 2020, chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, đã thu hút 6.500 lao động, tạo ra khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu) đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 20% của Quảng Ninh trong năm 2020.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã diễn ra từ nhiều năm nay và trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang hướng tới những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, VN… để tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.

Trong xu thế đó, VN đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn vì Việt Nam đang có ưu thế nổi trội nhờ các yếu tố.

Thứ nhất là tình hình chính trị - kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm. Thứ hai, VN đã có chiến lược thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Thứ ba, VN đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Với các hiệp định thương mại mới mở ra những cơ hội lớn cho VN. Theo đó không chỉ các DN nội địa mà nhiều DN FDI, đặt nhà máy tại VN sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này.

Nhịp điệu mùa xuân

Ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả bộ ngành, địa phương phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người VN, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển.

Với chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển”, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. “Vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức”

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ năm 2022 trở đi.

Cơ sở để VN bức tốc kinh tế trong thời gian tới dựa trên đầu tư công mạnh mẽ. Đó là khởi công sân bay Long Thành, cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, dự án quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai… Hàng loạt dự án được thúc đẩy thời gian tới, trong đó có bốn dự án tại Đông Nam bộ và năm dự án tại ĐBSCL. Riêng hàng không tập trung vào sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo...

2021 là năm đầu tiên của chu kỳ ĐTC trung hạn 2021 – 2025. Dự kiến tháng 7-2021, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch ĐTC cho giai đoạn này. Triển khai Nghị quyết 129 của Quốc hội về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021, Chính phủ đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm phân bổ vốn năm 2021 đúng quy định, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch ĐTC và giải ngân ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó là ngành nông nghiệp vững chắc và du lịch nội địa. Việc ngành nông nghiệp thích ứng tốt với đại dịch và thiên tai sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế VN trong năm 2021, góp phần đưa GDP tăng trưởng mạnh mẽ.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách sáng suốt, tạo ra các nguồn lực để tăng tốc phát triển trong năm 2021, đó là việc ký hàng loạt các Hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên hiệpVương quốc Anh – Bắc Ireland (UKVFTA)…

UKFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

Các sản phẩm xuất khẩu chính của VN sang Anh là: điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu; Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. 

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu VN chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Đáng chú ý, là việc dịch chuyển đầu tư của các "đại gia" từ các quốc gia khác sang VN trong năm 2021. Không chỉ có “đại bàng”, nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng rất quan trọng. Những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà VN đã ký kết, sẽ tiếp tục vào VN trong năm tới.

Một mùa xuân lại đến. Sự kỳ vọng của người dân là Chính phủ sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước... nhằm đạt mục tiêu tăng GDP  6,5% hay cao hơn, với quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Khát vọng mùa xuân sẽ mang đến sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Như vậy có thể giúp VN cơ hội tăng trưởng cao hơn, do VN đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu. Điều này khiến triển vọng cho năm 2021 đầy hứa hẹn.

 Thục Anh

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.