Dùng đèn UV khi làm móng gel có nguy cơ gây ung thư da?
Hiện nay, gel sơn móng tay vô cùng phổ biến vì chúng giữ màu tốt và khó bong tróc. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho rằng đèn cực tím được sử dụng cho các phương pháp chăm sóc móng này làm hỏng các tế bào theo cách có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da.
Tiến sĩ Chris Adigun, bác sĩ da liễu ở Chapel Hill, Bắc Carolina cho biết các chuyên gia y tế đều nhận định rằng tia UV gây tổn thương tế bào da, nhưng vẫn chưa có đủ dữ liệu để xác định mức độ nguy hiểm của việc không thường xuyên làm móng gel.
Đèn UV rất cần thiết cho việc làm móng gel vì ánh sáng làm cho lớp sơn khô lại và bền màu hơn. Một số tiệm sử dụng đèn LED để làm móng gel, nhưng những loại này cũng tạo ra rất nhiều tia UV.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 1, các nhà nghiên cứu đã cho tế bào của người và chuột tiếp xúc với bức xạ từ một loại đèn làm móng phổ biến được sử dụng trong nhiều tiệm làm móng ở Mỹ.
Maria Zhivagui, đồng tác giả của nghiên cứu và là học giả sau tiến sĩ về gen ung thư và sức khỏe cộng đồng tại Đại học California, San Diego, cho biết khi các tế bào được tiếp xúc với tia UV từ đèn trong 20 phút, khoảng 30% tế bào đã chết. Một số tế bào sống sót bị hư hại DNA. Các loại tế bào bị tổn thương được quan sát tương tự như ở những người mắc khối u ác tính, một loại ung thư da có khả năng gây chết người.
Tiến sĩ Adigun nói rằng các tế bào trong phòng thí nghiệm dễ bị tổn thương hơn các tế bào trên tay người, nơi có lớp da dày bên ngoài bảo vệ tác hại của môi trường.
Chưa có nghiên cứu lớn nào đánh giá liệu những người làm móng gel có nhiều khả năng bị ung thư da hơn những người không làm móng tay hay không. Có nghiên cứu các trường hợp liên quan đến những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da tay sau khi thường xuyên làm móng gel, nhưng vẫn chưa rõ liệu phương pháp làm đẹp dùng đèn UV có phải là nguyên nhân hay không.
Một giải pháp thay thế là làm móng bằng bột nhúng. Làm móng nhúng gồm các bước sơn lớp nền rồi nhúng bột, thường không cần đèn UV. Tuy nhiên, có một mối lo ngại rằng thợ làm móng thường sử dụng cùng một lọ bột acrylic cho nhiều khách hàng, điều này làm tăng khả năng loại bột này có thể chứa vi trùng gây nhiễm trùng móng.
Tiến sĩ Adigun có chuyên môn về các bệnh về móng trong hơn 16 năm, nói rằng bà chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ ai bị nhiễm trùng móng do nhúng móng tay. Axeton mà thợ làm móng thường sử dụng để tẩy sơn móng tay khi bắt đầu làm móng có tác dụng như một chất khử trùng, làm sạch móng và giảm nguy cơ nhiễm bẩn.
Khách hàng có thể cân nhắc việc đeo găng tay chống tia cực tím có ngón khi sơn gel. Trong trường hợp này, kem chống nắng không phải là biện pháp tối ưu vì kem chống nắng đã được chứng minh là chỉ chống lại tia cực tím từ mặt trời, không phải từ đèn hơ.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, hãy yêu cầu nhân viên giữ lại lớp biểu bì trên da, đây là một rào cản quan trọng chống lại vi trùng. Nhiều người đổ lỗi cho việc nhiễm trùng là do thiết bị không vệ sinh, trong khi nhiều khả năng vi trùng của chính họ đã nhiễm vào móng tay sau khi lớp biểu bì bị loại bỏ.
Tiến sĩ Shipp khuyên rằng chúng ta cũng nên yêu cầu nhân viên chỉ đánh bóng và giũa móng tay nhẹ trước khi sơn bóng, bởi vì việc đánh bóng và dũa nhiều có thể khiến móng mỏng hơn và dễ gãy hơn. Hơn nữa, có thể bỏ qua lớp phủ gel để không phải sử dụng đèn UV.
Cuối cùng, việc chọn một tiệm nail coi trọng vấn đề an toàn là điều cần thiết. Khách hàng có thể hỏi nhân viên để biết họ có tái sử dụng thiết bị không và nếu có, họ vệ sinh thiết bị như thế nào sau mỗi lần phục vụ khách hàng (máy hấp tiệt trùng bằng hơi nước hoặc máy khử trùng bằng nhiệt khô là lý tưởng nhất). Mỗi khách hàng cũng có thể tự chuẩn bị dũa móng, bộ đệm của riêng mình và mang theo khi sử dụng dịch vụ làm đẹp này.
Hồng Hạnh