SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Đua nhau đội lốt hàng Việt: "Hiện tượng mới và có điểm bất thường"?

16:28, 10/07/2019
(SHTT) - Trước tình trạng, hàng hóa giả Made in Vietnam để bán trong nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là "hiện tượng mới và có điểm bất thường". Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.
made in Vietnam

Đua nhau đội lốt hàng Việt: "Hiện tượng mới và có điểm bất thường"?. Ảnh minh họa 

 Theo thông tin trên tờ Zing.vn, tại cuộc họp liên quan chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ sáng 9/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ việc hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt không mới, nhưng mới trong tính chất hoạt động thương mại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ trước đây, sản phẩm gian lận xuất xứ để tranh thủ lợi dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ví dụ đội lốt để xuất khẩu đi EU, xuất vào các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện nay, gian lận xuất xứ hàng Việt nhắm ngay vào tiêu thụ tại Việt Nam.

Theo ông, đây là "hiện tượng mới và có điểm bất thường". Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.

Dẫn ra câu chuyện nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt, hay câu chuyện sản phẩm Asanzo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có chuyện lợi dụng thương hiệu, tâm lý người dùng để trục lợi.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị phải nghiên cứu đánh giá về tính chất, mức độ, yêu cầu đặt ra trong quản lý. Quản lý Nhà nước phải có điều chỉnh để hoàn thiện khung khổ pháp luật.

Trong khi đó, Vietnamnet đưa tin, liên quan đến việc này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đưa ra hàng loạt dẫn chứng về việc hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam.

“Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, bị phát phiện chứa độc tố hoặc hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia ngoài danh mục, nhất là sản phẩm liên quan đến thực phẩm.

“Có hàng hóa thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam, ghi rõ trên bao bì là xuất xứ tại Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Chẳng hạn, tháng 11/2018, nhiều vật liệu xây dựng, ổ khoá từ biên giới từ nước ngoài nhập vào Việt Nam nhưng ghi là "made in Vietnam".

Lý do là bởi người Việt chuộng hàng Việt hơn do trên thị trường, hàng hóa trôi nổi, hàng giả ngày càng nhiều. Thế nên, các DN lợi dụng ghi là xuất xứ "made in Vietnam" để tuồn vào tiêu thụ nội địa dù bị cảnh báo rất nhiều.

Nhắc vụ khoai tây Trung Quốc trà trộn giả làm khoai tây Đà Lạt, ông Trần Hữu Linh khẳng định: Đó là hành vi gian lận xuất xứ, đánh đồng với khoai tây Đà Lạt.

Đề cập khu chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: "Tuần trước chúng tôi kiểm tra ở chợ Ninh Hiệp. Đây là điểm nóng nhiều năm nay. Hầu hết toàn bộ quần áo túi xách dán nhãn made in Vietnam".

Hay, “Hoa Kỳ có phát hiện một số lô hàng trà, cà phê, nước mắm có gian lận xuất xứ. Bao bì ghi trà, cà phê, nước mắm made in Viet Nam, nhưng không phải của Việt Nam".

Nói về khó khăn liên quan đến pháp lý, ông Trần Hữu Linh nhận xét: Phải bắt quả tang mới xử lý được, điển hình như vụ Khaisilk. Còn không phải đi kiểm tra, phải đi giám định chất lượng, nhưng kể cả giám định cũng không hề đơn giản. “Ví dụ khoai tây, có giám định vẫn là củ khoai tây, hàm lượng giống nhau làm sao xác minh được trong khi người bán vẫn nói là khoai tây Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Trong số hàng loạt kiến nghị đưa ra, ông Linh cho rằng: Căn cơ nhất phải có biện pháp về mặt lâu dài, đó là công nghệ. Ví dụ, để xác định rõ nguồn gốc nông sản có phải của Việt Nam hay không thì phải truy xuất nguồn gốc, nếu không rất khó. "Tới đây chúng tôi đề xuất, Bộ Công Thương nên đứng ra chủ trì đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào công tác truy xuất nguồn gốc, chống giả mạo xuất xứ hàng hóa", ông Linh nói.

Ngay cả với hàng hóa phát hiện gắn mác made in Vietnam nhưng không phải là hàng Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường cũng không thể xử ý “tội" này được. Quản lý thị trường phải “đi vòng” bằng cách xử phạt hàng không có hóa đơn chứng từ hay đem đi kiểm nghiệm xem đảm bảo chất lượng hay không.

“Đây là hành vi bị tố gian lận thương mại xảy ra ngay gần đây đặt ra vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp luật”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói.

Liên quan đến vụ việc, Dân Trí đưa tin, theo Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh, phương thức gian lận xuất xứ hiện nay rất tinh vi, thường là luồn lách, sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên theo ông Linh là do “xu hướng người Việt ngày càng chuộng hàng Việt nhiều hơn”; thứ hai doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng.

Trước thực trạng trên, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất các giải pháp tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hậu kiểm, bên cạnh đó, cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang soạn thảo để làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như xuất xứ hàng hoá...

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đó là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Thực tế hiện nay đòi hỏi cần sớm làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, từ đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước cũng như chính cho các doanh nghiệp hoạt động...

Hoài Anh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Media 1 ngày trước
(SHTT) - Đội QLTT số 2, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất và xử phạt 12 triệu đồng đối với hai cửa hàng tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng có hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doang vàng trên địa bàn, mới đây, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm số lượng lớn trang sức được bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.