SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Đũa ăn tẩy trắng bằng hóa chất - tiện lợi một, độc hại mười

07:57, 20/01/2019
(SHTT) - Những chiếc đũa ăn một lần không còn xa lạ với người tiêu dùng vì sự tiện lợi. Tuy nhiên ít người biết được những chiếc đũa ấy lại được ra lò theo quy trình tẩy trắng bằng hóa chất nguy hiểm đến đáng sợ. Con đường dẫn tới bệnh mãn tính và ung thư chưa bao giờ nhanh đến thế.

Công nghệ chống mốc, tẩy trắng “thần kỳ”

Ngày xưa đũa thường được làm từ loại tre già ngâm trong nước nên ít bị mốc. Nhưng ngày nay đũa dùng một lần thường được làm từ các loại tre tươi, tre có chất lượng không tốt như tre non, tre tồn dư, phế phẩm, khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Trong quá trình sơ chế, xử lý nguyên liệu, để chống ẩm mốc và làm đũa trắng, các cơ sở sản xuất có thể lựa chọn sử dụng nhiều cách, trong đó có sấy khô, dùng hóa chất...  

Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao lại mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn.

Trong đó, lưu huỳnh là chất dễ sử dụng bởi giá rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản... Đũa dùng một lần khi khử bằng lưu huỳnh sẽ giải phóng sulfure dioxide. Để đũa có mùi thơm át mùi hoá chất, người ta bỏ thêm vào đũa ngũ vị hương tạo mùi.

Hóa chất làm trắng được sử dụng nhiều là clo, lưu huỳnh, giúp tẩy trắng hiệu quả. Tuy nhiên, hóa chất này được các cơ quan y tế cảnh báo vì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, rất nguy hiểm với trẻ em và người cao tuổi. Theo các chuyên gia, hóa chất có gốc lưu huỳnh như sulfure dioxide có thể gây rối loạn tại chỗ đường tiêu hóa, rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây loét niêm mạc đường tiêu hóa... Nếu sử dụng thường xuyên, độc chất có thể ngấm vào máu và tích lũy, dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận, cơ quan tạo máu... là một trong những nguyên nhân gây bệnh mạn tính và ung thư.

Trong đũa ăn một lần có thể họ dùng H2O2 với vai trò vừa làm trắng đũa vừa diệt nấm mốc. Ôxy già với hàm lượng nhỏ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, trên thực tế người ta vẫn dùng dung dịch H2O2để khử trùng trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn H2O2 qua đường ăn uống có thể sẽ gây bỏng hệ tiêu hóa và nôn mửa.

dua an

 

Ngoài tẩy trắng bằng ôxy già, người ta có thể dùng khí lưu huỳnh điôxit SO2. Khác với H2O2 đây lại là chất độc nguy hiểm. Hít phải khí SO2 gây ra chứng sổ mũi, ho và khản tiếng. Khi hít phải một lượng lớn SO2 có thể gây ngạt thở hoặc phù phổi cấp. Trong không khí, SO2 có thể chuyển thành H2SO4 gây ra hiện tượng mưa axít. Nếu trong cơ thể người, SO2 vào dạ dày sẽ làm tăng lượng axít trong dạ dày qua đó làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm dạ dày, ợ nóng… Thực tế, ngày nay họ chỉ dùng SO2 để tẩy trắng bột giấy, vải sợi… chứ không dùng tẩy trắng trong thực phẩm.

Nếu dùng với liều lượng cho phép thì SO2 bám vào đũa ít và vì là khí nên dễ bay hơi mất nên khi dùng gắp thức ăn không hại cho người dùng. Tuy nhiên cần lưu ý là nếu hàm lượng lớn sẽ có hại. Trong trường hợp này khi bóc lớp nilong bao gói đũa ra, người tiêu dùng nên ngửi trước, nếu thấy mùi hăng hắc là SO2 đã bị sử dụng quá liều, không nên dùng.

Các loại đũa, tăm tre hay các sản phẩm được sản xuất từ tre, gỗ, nứa thường được xông SO2 để diệt mốc. Đây là chất khử rất mạnh, diệt nấm mốc rất tốt.

SO2 không để lại tàn dư trên đũa nhiều vì là khí nên chỉ cần để quạt cũng bay hết. Lượng hóa chất tồn dư trên đũa có thể không nhiều, khó xảy ra trường hợp ngộ độc cấp tính nhưng lâu dài và lượng lớn có thể gây tổn thương mạn tính. Các hóa chất có gốc lưu huỳnh có thể gây loét niêm mạc đường tiêu hóa, rối loạn vi khuẩn đường ruột, tiêu chảy. Sử dụng thường xuyên, hóa chất có thể ngấm vào máu và tích lũy dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận và gây ra những căn bệnh mạn tính, ung thư.

Độc hại hơn nhiều là sử dụng loại đũa tăm mốc hay thuốc mốc. Nấm mốc dễ sinh ra chất aflatoxin là một độc tố bền vững với nhiệt độ cao, khó bị phá hủy hoàn toàn. Chất này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gây bệnh ung thư.

Vô tư mua bán

Không thể phủ nhận sự tiện lợi, giá thành rẻ (khoảng 200 đồng/đôi) của đũa ăn một lần. Chính vì thế, loại đũa này được chào đón nồng nhiệt ở các quán ăn bình dân, nhà hàng vừa và nhỏ.

Đũa dùng một lần hiện bán rất chạy vì rẻ, tiện lợi, dùng xong không tốn công rửa nên được các hàng, quán và tiệc cưới ưa chuộng...

Cả người bán hàng, lẫn thực khách đều nhiệt tình sử dụng, có lẽ vì thấy màu sắc trắng sáng, được bọc trong bao ni-lông vệ sinh và sự thuận tiện của loại đũa này. Nhiều người còn cho rằng, loại đũa tre dùng một lần đảm bảo vệ sinh hơn loại tái sử dụng, tuy nhiên họ không hề biết rằng, đằng sau loại dụng cụ quen thuộc này lại ẩn chứa nguy cơ gây hại sức khỏe. Hằng ngày, nhiều người vẫn thường sử dụng đũa tre dùng một lần cho việc thưởng thức thực phẩm hay chế biến món ăn. Chúng ta rất dễ dàng để mua loại đũa này tại các chợ hay cửa hàng bán đồ gia dụng, các loại đũa dùng một lần thường được bán theo bao hoặc theo kg.

h4

Dễ dàng mua bán những đôi đũa ăn một lần  

Mặc dù là sản phẩm chỉ được dùng một lần, nhưng để tiết kiệm chi phí, các hàng quán thường tái sử dụng đũa tre để phục vụ thực khách. Qua quá trình như vậy, vật dùng này sẽ bị tưa mủn và tạo dằm, gây nguy hiểm cho người dùng, nhất là trẻ em. Đũa là vật dụng trực tiếp đưa lên miệng khi ăn, nhưng quy trình sản xuất, bảo quản và kiểm định chất lượng hiện còn thả lỏng. Do vậy, người tiêu dùng luôn đứng trước nguy cơ ngộ độc gián tiếp từ thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, chúng ta cần hạn chế tối đa mua, dùng mặt hàng đũa tre dùng một lần không rõ nơi sản xuất, không dùng đũa đã tái sử dụng như mất bao bì, màu sắc xỉn ố... Đối với đũa sử dụng một lần chỉ dùng một lần rồi bỏ, nếu tái sử dụng sẽ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Người tiêu dùng nếu có nhu cầu sử dụng đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa có bao bì bảo quản không rách thủng, ghi đầy đủ các thông tin và nên chọn những địa chỉ tin tưởng, được giám sát về chất lượng.

 Tiêu dùng thông thái

- Tránh xa các loại đũa có màu sắc trông không thật. Trước khi sử dụng lần đầu tiên, nên rửa kỹ với nước rửa bát; dùng cồn để lau sạch lớp hóa chất bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch hoặc luộc trong nước sôi.

- Không chọn đũa nhựa: Đũa nhựa khi gặp nóng sẽ giải phóng ra thành phần hoá học có thể gây hại cho cơ thể người, thành phần đó từng giờ từng phút gây hại cho sức khoẻ, hơn nữa đũa nhựa rất mềm, dễ bị biến hình.

- Nên chọn lựa loại đũa có nguồn gốc tự nhiên (tre, trúc…). Tuy nhiên, loại này khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc, cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí.

 Đũa có hạn sử dụng không?

- Không như chúng ta nghĩ, đũa cũng có hạn sử dụng và đó là trong khoảng thời gian 3 đến 6 tháng, hoặc bất cứ khi nào bạn nhận thấy đũa bị thay đổi màu sắc so với ban đầu, thấy có những dấu chấm đen, mốc trên đũa tre, đũa gỗ dù chưa đến 3 tháng.

- Nếu bạn tiếc rẻ mà không vứt đũa đi khi đã hết hạn sử dụng hoặc khi có dấu hiệu hỏng hóc, đó là bạn đã làm hại sức khỏe người thân. Bởi đũa dùng lâu dễ sinh ra nấm mốc, gây ngộ độc thực phẩm như đã nói ở trên, hoặc nặng hơn là bị ung thư do trong đũa mốc sẽ sinh ra chất aflatoxin gây ung thư gan.

- Một yếu tố khác để bạn vứt đũa khi đã đến hạn đó là khi đũa được dùng quá lâu, nước sẽ tích trữ trong đũa nhiều lên. Và đó là nơi lý tưởng để các vi khuẫn như vi khuẩn tụ cầu vàng, E.coli sinh sôi và phát triển. Bạn có thể ngửi thử đũa, nếu phát hiện mùi chua nghĩa là đũa đã đến lúc phải bỏ đi.

Sử dụng và bảo quản đũa thế nào là an toàn cho sức khỏe?

- Đầu tiên khi mới mua đũa về, việc cần thiết phải làm là rửa thật sạch, trụng đũa qua nước sôi, sau đó phơi nắng thật ráo rồi mới được sử dụng. Bởi trong quá trình sản xuất, vận chuyển, đũa đã có thể bị nhiễm khuẩn, virus hay chất hóa học nào đó.

- Sau khi dùng đũa để gắp thức ăn, nên rửa sạch bằng xà phòng, rửa lại 3 lần bằng nước sạch bởi nếu để xà phòng còn bám lại trên đũa, chúng sẽ theo thức ăn thâm nhập vào cơ thể bạn. 

Đũa rửa xong phải được phơi nắng cho khô ráo, tránh để ẩm dễ bị mốc, mối mọt, gây ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ói mửa, nặng hơn sẽ trụy tim mạch dẫn đến tử vong. 

Đặc biệt, khi rửa đũa, bạn không nên mạnh tay chà xát như thói quen từ trước đến nay vẫn làm (được cho là sẽ sạch đũa). Tuy nhiên, đây là cách khiến lớp sơn bảo vệ đũa bị mất đi, từ đó tạo ra rãnh nhỏ là nơi trú ẩn cho vi sinh vật.

- Ngoài ra, hàng tuần bạn nên trụng, luộc đũa trong nước sôi khoảng 30 phút, sau đó phơi khô ráo rồi mới cất. Đó là cách loại bỏ vi khuẩn hiệu quả.

Bùi Hương

Tin khác

Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhập lậu từ khu vực chợ Tân Thanh, Lạng Sơn về tuyến sau tiêu thụ.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác giám sát, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội mới đây đã kịp thời phát hiện và thu giữ 7.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu 'Ăn cùng bà Tuyết'.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh tại huyện Hoài Đức, qua đó phát hiện số lượng lớn.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh Ola xinh do bà N.T.H là người đại diện, địa chỉ: Tổ dân phố số 1, phường Bích Động, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.