Dự thảo Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản
Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định: Quy định về tiền bản quyền đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí (đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác), tác phẩm trong xuất bản (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử) bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.
Xác định phạm vi điều chỉnh phù hợp với quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ về tiền bản quyền và giao Chính phủ quy định chi tiết, quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền.
Về đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định: Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
Xác định đối tượng điều chỉnh phù hợp quy định về trả tiền bản quyền trong trường hợp sáng tạo tác phẩm và trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm; đồng thời xác định rõ nguồn tài chính để sản xuất tác phẩm từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, khắc phục hạn chế của Nghị định 18/2014/NĐ-CP (cơ chế chi trả nhuận bút, thù lao không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào).
Quy định về tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình
Cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chi trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí sáng tạo tác phẩm theo đơn giá được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật.
Cơ quan báo chí chi trả tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm theo thỏa thuận hoặc quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không được vượt quá đơn giá được cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm, đấu thầu.
Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ (quyền tác giả), quản lý ngân sách nhà nước, giá, cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí.
Quy định về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm của cơ quan báo chí sử dụng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để sáng tạo tác phẩm phải trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí.
Cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ thực hiện việc thu tiền bản quyền khi cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
Số tiền thu được từ việc khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí được đưa vào nguồn thu sự nghiệp của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật về tài chính.
Mức tiền bản quyền trong trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo nói, báo hình áp dụng theo quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Mức tiền bản quyền trong trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo in, báo điện tử do cơ quan báo chí thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 20% tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm.
Quy định nguyên tắc thực hiện chi trả tiền bản quyền đối với tác phẩm báo chí:
Đối với tác phẩm thuộc thể loại chưa được quy định cụ thể, căn cứ tính chất thể loại, mức độ đầu tư nội dung, kỹ thuật, cơ quan báo chí áp dụng tương ứng với thể loại đã được quy định.
Tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm báo chí đăng, phát trên các phương tiện khác được tính như tiền bản quyền tác phẩm báo chí quy định tại Điều 5 Dự thảo Nghị định.
Các tác phẩm báo chí được thể hiện dưới hình thức có sự đầu tư kỹ thuật, đồ họa (Longform, Infographics, Emagazine, Podcast) được trả thêm 10% tiền bản quyền nhưng không vượt quá tiền bản quyền quy định tại Điều 5 Dự thảo Nghị định.
Trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí mà cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu để sáng tạo tác phẩm nhằm mục tiêu tuyên truyền không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Quy định về tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm để xuất bản:
Cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chi trả tiền bản quyền cho nhà xuất bản và cơ quan, tổ chức xuất bản theo đơn giá được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật.
Mức chi trả tiền bản quyền cho xuất bản phẩm không vượt quá 32% tổng chi phí xuất bản.
Nhà xuất bản và cơ quan, tổ chức xuất bản chi trả tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm theo thỏa thuận nhưng không vượt quá đơn giá được cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.
Quy định biểu mức tiền bản quyền đối với sử dụng tác phẩm để xuất bản: Cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu sử dụng tác phẩm để xuất bản thực hiện chi trả tiền bản quyền như sau:
Xuất bản phẩm thuộc thể loại sáng tác, nghiên cứu, phê bình, phổ biến kiến thức: Mức chi trả tối đa là 18% tổng chi phí xuất bản.
Xuất bản phẩm thuộc thể loại phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể khác: Mức chi trả tối đa là 10% tổng chi phí xuất bản.
Xuất bản phẩm thuộc thể loại dịch: Mức chi trả tối đa là 18% tổng chi phí xuất bản.
Xuất bản phẩm là Bản đồ: Mức chi trả tối đa là 23% tổng chi phí xuất bản.
Quy định nguyên tắc thực hiện chi trả tiền bản quyền đối với tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản:
Đối với chi trả tiền bản quyền:
Người hiệu đính tác phẩm dịch được hưởng từ 5-30% tiền bản quyền tác phẩm dịch tuỳ theo mức độ và chất lượng hiệu đính. Trường hợp hiệu đính trên 30% tác phẩm dịch, biên soạn thì người hiệu đính là đồng tác giả.
Người sưu tầm tác phẩm, tài liệu được hưởng tiền bản quyền theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng.
Đối với xuất bản phẩm phái sinh thuộc thể loại dịch, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, các chuyển thể khác phải xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Mức chi trả tiền bản quyền do cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc thoả thuận.
Tác giả phần lời của bản nhạc, truyện tranh được hưởng từ 30 - 50% mức chi trả tiền bản quyền của xuất bản phẩm đó.
Tiền bản quyền đối với xuất bản phẩm song ngữ bằng 50% mức chi trả tiền bản quyền của xuất bản phẩm dịch cùng thể loại quy định.
Tiền bản quyền đối với xuất bản phẩm tái bản được hưởng từ 50 - 100% so với mức chi trả tiền bản quyền xuất bản lần đầu.
Ngoài tiền bản quyền, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được nhận: Đối với xuất bản phẩm in: 05 - 10 bản; Đối với xuất bản phẩm điện tử: Tác giả chủ sở hữu quyền tác giả được quyền truy cập, sử dụng xuất bản phẩm theo thỏa thuận trên các nền tảng, thiết bị điện tử.
Đối với khai thác, sử dụng tác phẩm:
Trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả:
Nhà xuất bản; cơ quan, tổ chức xuất bản có nhu cầu xuất bản để sử dụng hoặc kinh doanh thì được miễn trả tiền bản quyền.
Tổ chức, cá nhân khác khi khai thác, sử dụng tác phẩm do nhà xuất bản; cơ quan, tổ chức xuất bản thực hiện xuất bản bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, phải chi trả tiền bản quyền cho nhà xuất bản; cơ quan, tổ chức xuất bản. Mức chi trả không thấp hơn 50% mức tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm.
Số tiền thu được từ việc khai thác, sử dụng tác phẩm được đưa vào nguồn thu của nhà xuất bản; cơ quan, tổ chức xuất bản theo quy định của pháp luật về tài chính.
Trường hợp sử dụng tác phẩm để xuất bản: Khi sử dụng bản thảo (bản mẫu) để in, phát hành thêm số lượng nhằm mục đích kinh doanh thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
PV