SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 06/04/2024
  • Click để copy

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Những đóng góp tích cực của Hội SHTT Việt Nam

08:01, 31/01/2022
(SHTT) - Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Đó là phát huy tài sản trí tuệ thành nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Vai trò của việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã từng phát biểu: SHTT là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế trí thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế.

khcn

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Qua thực tiễn hơn 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan như tác phẩm, cuộc biểu diễn, v.v., tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và năm 2019 vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Do đó, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.

Những đóng góp tích cực của Hội SHTT Việt Nam đối với Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ

Được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau trong các hoạt động sở hữu trí tuệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Hội SHTT Việt Nam (VIPA) đã và đang làm tốt vai trò của mình. Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội SHTT Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào dự thảo Luật SHTT.

khcn1

 Buổi làm việc giữa Đoàn công tác Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Tại buổi làm việc, ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội đã đưa ra những ý kiến quan trọng trong quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Theo đó, ông Phạm Xuân Bắc cho hay những quy định hiện hành vẫn đang tồn tại những hạn chế và bất cập như: Chưa thực sự khuyến khích việc tạo ra, khai thác, phổ biến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do nhà nước đầu tư; Chưa đáp ứng được định hướng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI số 20-NQ/TW năm 2012 đề ra đó là “giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.

Không chỉ vậy, việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan chủ trì phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính mới được giao quyền sử dụng. Trong khi đó các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cần phải đăng ký xác lập quyền càng sớm càng tốt, tránh trường hợp tổ chức, cá nhân khác cũng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương tự tiến hành đăng ký bảo hộ trước và quay trở lại ngăn cấm tổ chức, chủ trì và nhà nước sử dụng. Quy định hiện hành về vấn đề này chưa xét đến tính đặc thù của tài sản trí tuệ để có những quy định phù hợp với bản chất của các đối tượng này.

Trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước không có chức năng kinh doanh. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cũng như vấn đề thương mại hóa rất khó được thực hiện.

khcn2

 Ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

 Vì vậy Hội SHTT Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 điều với những nội dung cơ bản sau đây:

Bổ sung Điều 86a: quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia (do Nhà nước thực hiện đăng ký);

Bổ sung Điều 133a: quy định quyền của Nhà nước đối với các đối tượng này như trao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí để người khác không thể đăng ký độc quyền các đối tượng này; đồng thời quy định nhà nước có quyền sử dụng các đối tượng này trong một số trường hợp khẩn cấp hay phục vụ nhu cấp cấp thiết của xã hội, an ninh quốc gia; 

Bổ sung Điều 136a: quy định nghĩa vụ của tổ chức chủ trì (thông báo đối tượng mới được tạo ra cho cơ quan có thẩm quyền, nghĩa vụ thực hiện đăng ký xác lập quyền trong thời hạn quy định, báo cáo định kỳ về việc sử dụng); 

Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 139: quy định chủ văn bằng bảo hộ các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng này khi được nhà nước chấp thuận.

Các quy định mới này nếu được thi hành sẽ tạo cơ sở cho tổ chức chủ trì có thể chủ động đăng ký xác lập quyền, khai thác, sử dụng các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp (đối với các tổ chức chủ trì là viện nghiên cứu/trường đại học) để thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế.

Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng gia tăng từ việc thu thuế từ các hoạt động này. Không chỉ vậy, việc thực thi quy định nói trên còn mang lại cho nhà nước các lợi ích về kinh tế, xã hội khác (thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm).

Ngoài ra, quy định này cũng vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghệ có sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đại diện Hội SHTT Việt Nam cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ phương án sửa đổi của dự thảo Luật SHTT, theo đó, giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này phù hợp với thực tiễn thế giới, cũng như phù hợp với thực tế là: chính đơn vị chủ trì là đơn vị hiểu rõ nhất về các đối tượng SHTT được tạo ra khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, và do đó, là đơn vị phù hợp nhất để soạn các tài liệu của đơn cũng như theo đuổi đơn trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trước chiêu trò lừa đảo thông qua các khóa học hè đang rộ lên trên mạng xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng để tránh bị lừa đảo.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6 sắp tới, dữ liệu truy xuất nguồn gốc của mỗi sản phẩm, hàng hóa cần có 10 thông tin tối thiểu.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Một tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã xác nhận việc bác bỏ vụ kiện tập thể được đề xuất bởi các bậc cha mẹ với lý luận đã trả phải trả chi phí quá cao cho công thức sữa của Abbott trước khi một trong những nhà máy của họ bị đóng cửa vì không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Nhóm tác giả bao gồm các nhà văn, nghệ sĩ hài đã thất bại trong vụ kiện OpenAI về việc sao chép tác phẩm tại tòa án liên bang ở New York.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Google đã đồng ý xóa bỏ hàng tỷ bản ghi dữ liệu để giải quyết vụ kiện cáo buộc hãng đang bí mật theo dõi việc sử dụng internet của người dùng ở chế độ duyệt web riêng tư, chế độ ẩn danh.