Google và Facebook bị yêu cầu trả phí bản quyền tin tức báo chí
Ngày 27/3 vừa qua, Uỷ viên Hội đồng California, bà Buffy Wicks đã công bố Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí. Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ yêu cầu các đại gia quảng cáo kỹ thuật số chi trả cho các hãng tin tức “phí sử dụng báo chí” khi họ kinh doanh quảng cáo cùng lúc với nội dung tin bài. Ngoài ra, dự luật sẽ hướng các nhà xuất bản đầu tư 70% lợi nhuận đó vào các công việc báo chí.
Dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhóm ủng hộ tin tức bao gồm Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức California (CNPA) và và Liên minh Tin tức/Truyền thông và Thời báo Los Angeles.
Chủ tịch CNPA Emily Charrier cho biết: "Big Tech đang thống trị báo chí và sử dụng sự thống trị đó để đặt ra các quy tắc của tin tức như hiển thị, ưu tiên và lợi nhuận từ nội dung báo chí. Các thành viên của chúng tôi sản xuất những nội dung đó và họ xứng đáng được trả phí hợp lý với công lao của mình".
Biện pháp của California tương tự như dự luật liên bang được đưa ra vào năm ngoái cho phép các nhà xuất bản thương lượng chung để nhận các khoản thanh toán từ các công ty công nghệ có nội dung báo chí trên nền tảng của họ.
Công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms và Google từ chối bình luận về dự luật California được đề xuất nhưng trước đó, đã phản đối dự luật liên bang.
Vào tháng 12 năm ngoái, Meta đã đăng tải lên Twitter nội dung cho biết công ty sẽ “xem xét xoá hoàn toàn tin tức báo chí khỏi nền tảng của mình” nếu các nhà lập pháp liên bang thông qua dự luật liên bang và các nhà xuất bản, đài truyền hình tự đưa nội dung lên trên nền tảng của công ty công nghệ vì điều đó có lợi cho nhà đài.
Wicks cho biết, dự luật sẽ đảm bảo các tác phẩm của nhà xuất bản được công nhận hơn là việc bị Facebook, Google và những người khác khai thác và không trả tiền cho một phần nội dung báo chí đó.
Wicks được truyền cảm hứng từ sự thành công của luật tương tự được thông qua ở Úc vào đầu năm 2021, dẫn đến việc các nền tảng kỹ thuật số trả gần 140 triệu đô la Mỹ cho các tổ chức tin tức của Úc trong năm ngoái. Theo nguồn tin, một nhà xuất bản Úc ước tính lợi nhuận từ nền tảng công nghệ có thể tài trợ tới 30% lương biên tập.
Google đã chặn nội dung tin tức trong kết quả tìm kiếm đối với một số người dùng Canada vào tháng trước khi luật buộc các công ty phải trả tiền cho các liên kết tin tức trên nền tảng của họ được ban hành ở quốc gia này.
Meta cũng cho biết công ty sẽ có hành động tương tự. NetChoice, một tập đoàn thương mại trong ngành công nghệ cao này đã phản đối dự luật liên bang và cũng phản đối dự luật của California, khẳng định luật sẽ “làm ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận trực tuyến”.
Trước tiên, dự luật sẽ được thông qua Ủy ban quyền riêng tư của Quốc hội và Buffy Wicks hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của hai đảng đối với dự luật trên nguyên tắc bảo vệ nền dân chủ.
Hải Hà