Du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới tại xã nghèo Thành Sơn huyện Bá Thước
Du lịch Thanh Hóa nói chung và huyện Bá Thước nói riêng đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch.
Du lịch nông nghiệp là mô hình du lịch trải nghiệm được xây dựng lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nông trại hay trang trại làm trọng tâm, phục vụ khách hàng có nhu cầu giải trí hoặc giáo dục tại địa phương.
Ngày nay, du lịch nông nghiệp ở nhiều địa phương được đông đảo du khách đón nhận bởi ở đó mang đến cho họ những trải nghiệm mới, hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu du lịch “xanh”. Đến với các làng du lịch, du khách có thể tham quan, tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Được biết, Thành Sơn (Bá Thước) là một trong những xã đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, phần lớn là đồi núi, diện tích đất canh tác ít, lại nhỏ hẹp và không tập trung; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn rất nhiều khó khăn. Để thoát nghèo xã đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp.
Nhận thấy giống cây trồng bản địa là cây quýt hoi có tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế cao, xã đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ cây giống cho nông dân mở rộng diện tích.
Lĩnh vực chăn nuôi được xã triển khai lồng ghép các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển trang trại chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã đã khuyến khích người dân phát triển đàn gia súc, gia cầm và đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Xã Thành Sơn đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng, gắn với việc gìn giữ bản sắc dân tộc.
Tận dụng những nền tảng có sẵn, huyện Bá Thước nói chung và xã Thành Sơn nó riêng đã tập trung khai thác các thế mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm mang đậm nét văn hóa địa phương kết hợp du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số là cơ sở, tiền đề để Thành Sơn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng hoàn chỉnh, từ hoạt động tham quan, ăn uống, trải nghiệm đến mua sắm sản phẩm.
Ông Nguyễn Chí Công chủ tịch UBND xã Thành Sơn chia sẻ: "Tuy còn nhiều khó khăn nhưng xã tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích người dân đưa giống cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Địa phương cũng thực hiện các giải pháp phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, xã cũng đã lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo xây dựng các mô hình kinh tế nông, lâm phù hợp; hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.
Xã cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững để đưa du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng xã Thành Sơn nói riêng huyện Bá Thước nói chung phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân".
Xuân Khang