SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Dự án lấn biển Cần Giờ: Số phận long đong, đổi chủ và tranh cãi về môi trường

20:35, 10/07/2020
(SHTT) - Được kỳ vọng sẽ trở thành thành phố du lịch, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng của TP.HCM, sau 17 năm, dự án lấn biển Cần Giờ được mở rộng quy mô, chủ đầu tư thay đổi cổ đông và gây nhiều tranh cãi về tác động môi trường.

Số phận long đong của siêu dự án

Năm 2004, UBND TP.HCM quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (Cangio Tourist City) làm chủ đầu tư Dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ (Saigon Sunbay). Dự án đặt tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) với 400ha là đất xây dựng và 200ha là bãi biển nội bộ. Dự án nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km.

Đến năm 2007, chủ đầu tư bắt đầu thực hiện dự án trên diện tích 600ha.

Saigon Sunbay được kỳ vọng sẽ trở thành điểm du lịch và khu dân cư cao cấp phục vụ khoảng 31.000 người. Trong đó, cư dân chiếm 7.700 người với tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng. Thế nhưng ngay sau đó, dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính và "án binh bất động" đến tận năm 2014.

can gio

 

Đầu năm 2014, UBND TP.HCM nhắc nhở chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án do chậm tiến độ hơn 5 năm, nếu trong 2014 không thực hiện đúng tiến độ giai đoạn 1 đã đề ra thì thành phố sẽ chuyển đổi nhà đầu tư.

Đổi cổ đông, mở rộng dự án

Chủ đầu tư dự án - Cangio Tourist City được thành lập vào tháng 9/2004 với những cổ đông chính là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Việt - Nga…

Đầu năm 2015, một loạt các cổ đông cũ của Cangio Tourist City lần lượt thoái vốn là nhóm cổ đông Saigontourist và Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 của Vingroup, Tập đoàn này sở hữu 34,9% vốn điều lệ của Cangio Tourist City. Không dừng lại ở đó, đến năm 2016, Vingroup tiếp tục nhận chuyển nhượng cổ phần Cangio Tourist City, nâng tỷ lệ sở hữu lên 97,15%. 

Không chỉ thay đổi cổ đông, khoảng giữa năm 2015, Cangio Tourist City kiến nghị xin mở rộng quy mô dự án Saigon Sunbay dọc bờ biển theo hướng về xã Long Hòa để xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi.

Đến cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đề xuất, tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho toàn dự án với tổng diện tích 1.080 ha (bao gồm 600 ha cũ và 480 ha mới) và được thành phố thông qua.

Do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng.

Tháng 11/2016, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm tra đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận chủ trương và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, có quy mô nghiên cứu trên phạm vi 2.870 ha (bao gồm Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ).

Ngày 12/6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Dự án có diện tích 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng do Cangio Tourist City làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm.

Quan ngại về tác động môi trường

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được thực hiện với mục tiêu trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn… Không chỉ vậy, khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm và hàng triệu USD tiền thuế cho ngân sách nhà nước

Thế nhưng các chuyên gia lo ngại rằng, dự án sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái Cần Giờ và làm tăng nguy cơ sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Huyện có trên 70% diện tích (tổng diện tích là 71.300ha) rừng ngập mặn và sông rạch. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Cần Giờ còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hoá - tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, vì quy mô vô cùng lớn, việc san lấp biển để làm dự án sẽ cần tới lượng cát vô cùng lớn, lên đến 137,6 triệu m3. Đa số cát san lấp dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Thế nhưng hiện nay Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn,… ngày càng nghiêm trọng, cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa không về bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Việc sử dụng lượng cát lớn như vậy khiến nhiều chuyên gia có tên tuổi đặt ra câu hỏi về tác động đến khu vực khai thác có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ tan rã của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ còn góp phần tích cực trong phân hủy nước thải từ các thành phố thượng nguồn, điều hòa nước lưu vực của các cửa sông đổ ra biển. Chức năng môi trường này có ý nghĩa sống còn đối với TP.HCM và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Các chuyên gia lo sợ rằng việc xây đê để điều chỉnh lại dòng chảy của sông – một phần của công việc lấn biển – có thể làm hỏng môi trường sống vốn nhạy cảm của các loài trong rừng ngập mặn.

Quang Anh

Tin khác

Thương hiệu 1 năm trước
Mới đây, trong đêm vinh danh và trao giải thưởng HR Asia tại Trung tâm Hội nghị Gem Center, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Golf Long Thành được trao tặng giải thưởng danh giá này. 
Tin tức 1 năm trước
BTC cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 vừa công bố Top 40 thí sinh vào vòng bán kết.
Tài sản trí tuệ 1 năm trước
Hướng tới kỷ niệm 30 năm ra mắt bộ truyện tranh huyền thoại “Dũng sĩ Hesman” của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân, dự án Hesman Legend được thực hiện nhằm mục đích làm sống lại tác phẩm kinh điển này và khơi dậy tinh thần Việt trong lòng thế hệ trẻ ngày nay.
Thương hiệu 1 năm trước
Golf Long Thành sẽ đồng hành cùng chương trình “Mẹ đỡ đầu” của tỉnh Đồng Nai trong vòng 10 năm, với nguồn tài trợ 10 tỷ đồng, làm điểm tựa cho các trẻ em mồ côi do Covid-19 có thêm điều kiện để học tập và trưởng thành.
Tài sản trí tuệ 1 năm trước
Mới đây, Moli Group và MoonLab đã bắt tay hợp tác tạo ra sản phẩm mang tên Moon City - một nền tảng SocialFi cho phép người dùng có thể gặp gỡ, giao lưu và tham gia các hoạt động thường ngày cùng nhau để nhận lại những phần thưởng tương xứng.