SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 23/03/2024
  • Click để copy

Dự án của Vietracimex hiện trạng thế nào sau hàng loạt tai tiếng

08:17, 10/03/2023
Tổng Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Vietracimex - WTO là nhà đầu tư có máu mặt trong lĩnh vực bất động sản, nhưng trong suốt quá trình kinh doanh Vietracimex cũng vướng phải không ít sai phạm khiến dư luận dậy sóng.

Các dự án bất động sản đầy tai tiếng

Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch

Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) được triển khai theo Quyết định số 1256/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tây cũ. Theo đó, dự án thuộc địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch (thuộc huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) với quy mô 176,05ha.

Năm 2008, dự án Kim Chung - Di Trạch chính thức trình làng trên thị trường với kỳ vọng trở thành khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội. Nhưng rồi, sau hơn 10 năm xanh cỏ, với những toà nhà rêu mốc, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch lại chỉ được nhắc đến như một khu đô thị hoang, là hố đen chôn vốn của các nhà đầu tư, khách hàng và người tiêu dùng sản phẩm của WTO.

Theo thông tin từ Chi cục Thuế huyện Hoài Đức, dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng - Vietracimex, nay là WTO - làm chủ đầu tư hiện đang còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Cụ thể, tổng số tiền Vietracimex chưa nộp ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 30/9/2020 là 463,9 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất còn nợ tạm tính 459 tỷ đồng. Tiền chậm nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 4,8 tỷ đồng.

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức có quy mô khoảng 146ha do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex – nay đổi tên thành WTO) làm chủ đầu tư. Ảnh: Lao động

Thực tế, dự án Kim Chung - Di Trạch từng nhiều lần bị UBND TP. Hà Nội nhắc nhở vì không triển khai. Nhưng rồi, dự án vẫn đắp chiếu. Đến tháng 06/2020, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Kim Chung - Di Trạch lại nhận quyết định chủ trương đầu tư mới.

Dù Kim Chung - Di Trạch nhận được quyết định "tái sinh" thì vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư lại gây ra những lùm xùm.

Theo đó, trong tháng 06/2020, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2, thành viên của Vietracimex đã phát hành 06 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, kỳ hạn 06 năm, lãi suất cố định 10%/năm với 04 kỳ tính lãi đầu tiên và thả nổi các kỳ sau đó.

Hồng Phong 2 đã sử dụng quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này.

Theo kienthuc.net.vn, tại biên bản kiểm tra công trình xây dựng ngày 30/3/2021 của đoàn kiểm tra (Đội Quản lý TTXD đô thị huyện Hoài Đức, UBND xã Di Trạch) xác định hàng loạt công trình xây dựng nhà kho xưởng trên đất dự án với tổng diện tích ở cả hai khu kho số 04 và kho số 05 lên tới hơn 13.000m2.

Hiện trạng nhiều kho đã đưa vào sử dụng, một số kho đã hoàn thiện lại tiếp tục thi công xây tường gạch bên trong để ngăn vách tạo thành phòng.

Biên bản cũng yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc xây dựng tại công trình. Cung cấp hồ sơ thiết kế và giải trình rõ mục đích sử dụng của các nhà kho trong việc phục vụ thi công dự án.

Ngày 31/3/2021, UBND xã Di Trạch gửi báo cáo lên UBND huyện Hoài Đức về việc chủ đầu tư dự án đã xây dựng nhà kho nhưng không sử dụng đúng mục đích cho công trình, dự án.

Theo văn bản này, hiện trạng kho đang sử dụng để chứa đồ gia dụng nhôm, inox, sản xuất bàn ghế sắt, chứa ghế massage, sơn các loại, kho sách tài liệu, kho gạch ốp lát. Chủ đầu tư đang tiếp tục dựng thêm một số khung cột, kèo bằng sắt trên đất.

Trong báo cáo, UBND xã Di Trạch đã đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư dự án nghiêm túc chấp hành theo văn bản số 1505/UBND-QLĐT ngày 18/03/2019 của UBND huyện Hoài Đức.

Dự án Hinode City

Dự án Hinode City, tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khiến công trình vi phạm xây dựng so với các quyết định đã được thẩm duyệt.

Dự án Hinode City Minh Khai có diện tích sử dụng đất vào khoảng hơn 2,8ha; tổng mức đầu tư hơn 4.825 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý I/2017 đến quý I/2021. Nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Vietracimex thuê lại để làm trụ sở làm việc và nhà xưởng.

Vào năm 2011, UBND TP đã cho phép Vietracimex chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất này để thực hiện dự án. Đến ngày 17/9/2012, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4095/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất dự án là gần 475 tỷ đồng; nhưng phải đến ngày 28/2/2017, Vietracimex mới nộp đủ số tiền này vào ngân sách Nhà nước.

Ngày 25/5/2017, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 2559/UBND-SXD về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án. Theo quyết định điều chỉnh này, tổng số căn hộ tại dự án theo phê duyệt ban đầu là 810 căn, sau đó được điều chỉnh thành 1.099 căn, tăng 289 căn. Quy mô dân số ban đầu khoảng 3.842 người, tăng lên thêm 159 người thành 4.001 người.

Ngày 18/9/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Vietracimex về hành vi vi phạm “Tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. UBND quận yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh GPXD; nếu hết thời hạn 60 ngày sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các sai phạm này sau đó không hề bị cưỡng chế tháo dỡ, còn các hoạt động thi công xây dựng tại dự án thì được thực hiện rầm rộ hơn khi chưa bị kiểm tra, xử phạt.

Ngày 28/4/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh về bố trí cơ cấu mặt bằng công năng một số tầng tại các hạng mục công trình công trình thuộc dự án Hinode City. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Vietracimex liên hệ với Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ, thẩm định an toàn kết cấu công trình và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung GPXD đã được cấp theo quy định; liên hệ với Cục Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn thẩm định phương án PCCC; chỉ được xây dựng khi được cấp GPXD bổ sung và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Dự án Hinode City, tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai vướng nhiều sai phạm. Ảnh: Dân Việt

Tuy nhiên, phớt lờ chỉ đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, Vietracimex vẫn ngang nhiên thực hiện thi công hoàn thiện khối toà nhà hỗn hợp của dự án Hinode City nằm tại mặt đường Minh Khai. Và trong khi các sai phạm vẫn chưa được khắc phục và xử lý dứt điểm thì Vietracimex đã gấp rút ‘’lùa” cư dân vào ở tại 2 khối chung cư với khoảng 400 căn hộ bên trong dự án.

Dự án Hinode City của Vietracimex cũng từng được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra một số sai phạm; trong đó nêu rõ: Tại thời điểm thanh tra, đơn vị chủ đầu tư dự án còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng; việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án cũng không đúng quy định.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xem xét, xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của Vietracimex tại dự án Hinode City.

Hiện tại, các cư dân sinh sống tại dự án này thường xuyên tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu đều có chung một số nội dung như: “CĐT Vietracimex quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng”; “Cư dân Hinode City 201 Minh Khai kêu cứu các cơ quan chức năng, yêu cầu CĐT Vietracimex đối thoại và giải quyết bức xúc của cư dân"; “CĐT Vietracimex bàn giao chậm trễ, không có sổ hồng”.

Đại diện tập thể cư dân cho biết, cư dân đã nhiều lần phản ánh và có đơn kiến nghị gửi tới chủ đầu tư về việc sớm tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho cư dân và khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư nhằm sớm bầu ra ban quản trị. Nhưng sau nhiều lần kiến nghị, cư dân vẫn không nhận được phản hồi từ phía Vietracimex.

Nhà máy thủy điện Tả Thàng

Nhà máy thủy điện Tả Thàng có công suất 60 MW (lớn thứ ba ở tỉnh Lào Cai), do Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, nằm tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; riêng phần hồ chứa thuộc địa phận xã Suối Thầu, huyện Sa Pa.

Nhà máy được khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, phát điện lên lưới điện quốc gia vào tháng 10-2013, với sản lượng bình quân 256 triệu kWgiờ/năm. Tuy nhiên đây lại là nhà máy thủy điện được coi là nhiều “tai tiếng” ở địa bàn tỉnh Lào Cai, bởi chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Tả Thàng được xây dựng khi không có hồ sơ xin cấp phép xây dựng gửi cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng, vi phạm khoản 2, Điều 10, Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thuộc trường hợp các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.

Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, công trình Nhà máy thủy điện Tả Thàng thuộc nhóm công trình phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận phù hợp về chất lượng để bảo đảm an toàn, nhưng qua thanh tra cho thấy, Nhà máy thủy điện Tả Thàng không có giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng theo quy định. Nhưng nổi cộm nhất là các sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về đất đai của chủ đầu tư. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) có rất nhiều sai phạm như: không có quyết định, thông báo thu hồi đất của dân; không có danh sách, chứng từ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng...

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Nhà máy thủy điện Tà Thàng (Vietracimex) được xây dựng không phép ở Lào Cai.

Đáng chú ý, qua kiểm tra xác định, dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã và đang sử dụng đất để xây dựng công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh điện gây thất thoát khoản thu từ tiền thuê đất trong gần 10 năm qua. Với công suất 60 MW, là nhà máy lớn thứ ba trong tỉnh Lào Cai, doanh thu bình quân hằng năm đạt 235 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2017, Nhà máy thủy điện Tả Thàng vẫn cố tình chây ỳ, chưa nộp 46,92 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó có: 15,08 tỷ đồng thuế tài nguyên, 26,13 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và 5,71 tỷ đồng tiền phí môi trường rừng...

Những sai phạm của chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng đã được cơ quan chức năng chỉ ra. Nhưng không hiểu vì sao Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex vẫn tỏ ra thờ ơ, không nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh điện lực, thậm chí thiếu thiện chí, hợp tác với chính quyền địa phương trong việc khắc phục những thiếu sót, vi phạm nêu trên.

Theo một lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai, nguyên nhân chính ở việc khi đã có “tấm giấy thông hành” là Giấy phép hoạt động điện lực do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cấp, chủ đầu tư có thể bán điện lên lưới điện quốc gia cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thu tiền nên cố tình chây ỳ, thiếu hợp tác trong việc khắc phục những vi phạm trước đó. Nếu chủ đầu tư không được Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực, có vai trò như là “chốt chặn” cuối cùng để buộc các chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật thì mới được bán điện và thu tiền, thì chắc chắn Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex không thể thờ ơ, để sai phạm kéo dài như vậy? Đây chính là “lỗ hổng” cần được cơ quan chức năng xem xét để tránh những vi phạm tương tự tái diễn tại các dự án khác.

Hiện tại, nhà máy thủy điện Tả Thàng vẫn vi phạm quy định về môi trường do chưa lắp đặt thiết bị giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu và lưu lượng xả qua tràn, chưa thực hiện giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, thực hiện không đầy đủ tần suất quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường...

Liên tiếp xảy ra sự cố tại các dự án thủy điện

Một dự án khác gây "chấn động" dư luận năm 2014 là sự cố sập hầm Đạ Dâng (Lâm Đồng) do Tổng công ty Vietracimex là chủ đầu tư. Sự cố sập hầm này từng khiến 12 công nhân mắc kẹt.

Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư là Vietracimex bặt vô âm tín và chỉ thực sự xuất hiện khi mọi việc đã "ổn ổn". Cụ thể, ngày 22/12/2014, ông Võ Nhật Thăng chính thức lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố. Theo ông Thăng, sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu.

Đến cuối năm 2017, nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, Hà Giang) cũng xảy ra sự cố xả nước hồ chứa làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và khiến nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, thủy điện Bắc Mê do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex làm chủ đầu tư, khởi công tháng 11/2014, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý 1/2018.

Đáng nói, qua kiểm tra cho thấy: Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, điện lực,…

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Hầm thủy điện Đạ Dâng, nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 12 công nhân mắc kẹt. Ảnh: Thanh Niên

Bên cạnh đó, mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực nhưng nhà máy thủy điện Bắc Mê đã phát điện thương mại 1 tổ máy từ ngày 14/9/2017 và vận hành truyền tải điện năng từ nhà máy vào lưới điện 220kV khu vực. Việc tích nước, xả nước hồ thủy điện Bắc Mê đã làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 (địa phận tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng).

Theo báo Dân Trí, tại Thông báo số 360/TB-UBND ngày 7/12/2017 của UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện Bắc Mê, Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex vẫn còn một số tồn tại như: Công trình không có giấy phép xây dựng; đơn vị chưa thực hiện việc nghiệm thu và bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định; công trình đường dây 220kV đã được vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế; chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án;…

Sai phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hóa

Năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) trong việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 phê duyệt Đề án thí điểm cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính và Tổng công ty Thương mại và Xây dựng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu của Đề án để chuyển Vietracimex thành Công ty cổ phần theo mô hình mẹ - con từ ngày 1/1/2006. Mặc dù có những nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án thí điểm, các cơ quan nhà nước có liên quan và một số cá nhân đã có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có những vi phạm dẫn đến làm đảo mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ mà Đề án được phê duyệt.

Cụ thể, Bộ GTVT đã thực hiện không đúng yêu cầu của Đề án trong việc chuyển tất cả các công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietracimex (ông Võ Nhật Thăng) làm trái quy định trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trái quy định của Luật Doanh nghiệp trong việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 3/6/2006, chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trách nhiệm cụ thể thuộc về Lãnh đạo Bộ GTVT, cán bộ cơ quan có liên quan của Bộ GTVT trong thời kỳ 2005 - 2006.

Đối với Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đã có khuyết điểm trong việc tiếp nhận phần vốn nhà nước không đúng thực tế từ Bộ GTVT; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietracimex từ khi nhận bàn giao đến nay. “Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm nghiêm túc. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo SCIC và cán bộ có liên quan, chủ yếu là thời kỳ 2006-2009.

Từ những khuyết điểm, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính, SCIC tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với từng khuyết điểm, vi phạm gắn với từng thời điểm, thời kỳ cụ thể đã nêu trong kết luận thanh tra; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quy trình thực hiện cổ phần hóa nói riêng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 9 công ty tiến hành rà soát lại toàn bộ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đúng quy định, xem xét trách nhiệm, điều chỉnh, cấp lại theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá lại việc tăng vốn điều lệ tại Vietracimex, nếu xác định có sai phạm, vi phạm pháp luật, thất thoát vốn nhà nước thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với SCIC, Thanh tra Chính phủ yêu cầu hủy bỏ các văn bản do SCIC đã ban hành và chỉ đạo không đúng đối với 9 công ty cổ phần từ khi nhận bàn giao đến nay. Khẩn trương khắc phục những sai phạm khi nhận bàn giao vốn, để nhận bàn giao vốn nhà nước và cử người đại diện phần vốn nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, đánh giá việc quản lý và hiệu quả đầu tư vốn tại Vietracimex, nếu xác định có sự thất thoát vốn nhà nước tại đây thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật…

Huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu

Tại thời điểm tháng 5 năm 2022, thống kê cho thấy WTO đã phát hành thành công rất nhiều trái phiếu. Các đợt phát hành tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 12/2021.

Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.

Theo đó, ngày 19/5/2021, doanh nghiệp này đăng ký phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 3 lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) và 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng (kỳ hạn 4 năm).

Kết thúc đợt phát hành, số tiền thực tế Vietracimex thu về từ việc phát hành trái phiếu là 420 tỷ đồng, với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Ngày 28/9/2021, doanh nghiệp tiếp tục huy động được 470 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 1.694 ngày). Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được dùng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A do Cà Mau 1A làm chủ đầu tư. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội thuộc sở hữu của Vietracimex; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữa Vietracimex với Cà Mau 1A.

Cũng vào ngày 28/9/2021, Vietracimex đã phát hành 3 lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B. Ngoài ra, trong kỳ, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng cũng đã phát hành thêm 4 đợt trái phiếu trị giá 789 tỷ đồng khác.

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Danh sách phát hành trái phiếu trong hệ sinh thái Vietracimex. Nguồn: Tổng hợp từ HNX

Trước đó, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến cuối 2020), Vietracimex cũng đã huy động thành công 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu; trong đó từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, doanh nghiệp phát hành 4 đợt trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng tập đoàn mẹ Vietracimex trong giai đoạn từ cuối 2018 đến nay đã huy động được 5.579 tỷ đồng trái phiếu.

Bên cạnh pháp nhân lõi Vietracimex, các thành viên của tập đoàn này cũng rất tích cực trên thị trường trái phiếu. Theo đó, từ ngày 31/8 - 30/11/2021, CTCP Năng lượng Hòa - thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng, đã phát hành thành công 880 tỷ đồng trái phiếu - kỳ hạn 12 năm 4 tháng. Đây là đợt phát hành thứ nhất trong kế hoạch phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.880 tỷ đồng của Hòa Thắng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; 103,4 triệu cổ phần phổ thông do Hòa Thắng phát hành; và các quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Toàn bộ tài sản nêu trên cũng được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 220 tỷ đồng mà Hòa Thắng phát hành vào cuối năm 2019. Số trái phiếu này có kỳ hạn lên tới 14 năm, lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm.

Về phần mình, trong giai đoạn từ 2019 - 2021, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 cũng đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Phần lớn các lô trái phiếu này đều được đảm bảo bởi quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Cập nhật kết quả kinh doanh, theo dữ liệu từ VietTimes cho thấy, trong vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Vietracimex-WTO không được khả quan khi khoản doanh thu liên tục sụt giảm mạnh. Đáng chú ý vào năm 2016, Vietracimex - WTO báo lỗ 1,36 tỷ đồng.

Gần đây nhất vào năm 2019, WTO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.561 tỷ đồng, lãi 41 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của WTO là 19.265 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu ở mức 5.635 tỷ đồng. Có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của công ty này chưa thực sự tương xứng với quy mô tài sản.

Ông chủ của Vietracimex là ai?

Theo thông tin, Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) làm chủ tịch HĐQT, có trụ sở tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng đã sở hữu 93,37% cổ phần doanh nghiệp này.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, tính đến ngày 14/2/2022, Vietracimex có vốn điều lệ 12.510 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Dũng (sinh năm 1960).

Hiện nay, Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Ở mảng bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư nhiều dự án như: khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); dự án tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (4.816m2); dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); dự án Bình Thạnh tại TP. HCM (17,4ha) dự án khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); dự án Bình Khánh quận 2, TP. HCM (3,18ha); sân golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…

Dự án của Vietracimex đẳng cấp đến đâu sau loạt tai tiếng
Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex - WTO. Nguồn WTO.

Những năm gần đây, các thành viên của Vietracimex đã liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, qua đó thể hiện tham vọng rất lớn của Vietracimex trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp này hiện sở hữu một số dự án thủy điện như: thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW); thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW); nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (150MW) và Hồng Phong 1B (100MW) tại Bình Thuận; nhà máy điện gió Hòa Thắng tại Bình Thuận (100MW)...

Ngoài ra, Vietracimex cũng triển khai hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).

Đối với mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.

Được biết đến nhiều với cái tên đã quá quen thuộc Vietracimex, tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động với nhiều sai phạm được công bố, thì cái tên Vietracimex cũng biến mất và thay thế vào đó là tên gọi WTO. Cùng với đó, người được ủy quyền CBTT, đại diện ký tên trên các giấy tờ phát hành trái phiếu là ông Lê Tuấn Dũng-Phó Tổng giám đốc công ty.

Ngọc An

Tin khác

Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Hiệp hội bất động sản Việt Nam bình chọn Dự án của Văn Phú - Invest lọt top 5 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng năm 2024.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương, qua đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập tại các địa bàn dự án triển khai.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.