SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Dự án bất động sản TP.HCM ồ ạt tái khởi động

06:15, 26/05/2017
Một số doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng trả lại tiền, đền bù cho khách hàng và thay đổi công năng, thiết kế… để tái khởi động dự án hiệu quả hơn.
gi

The Garden (Q. Tân Phú) được địa ốc An Gia mua lại của Công ty TNHH Đầu tư Nakyco, đã bàn giao cho khách hàng tháng 6/2016 

Tự điều chỉnh cho phù hợp thị trường

Mới đây, tại chung cư Him Lam Chợ Lớn (TP.HCM), một số người dân phản đối chủ đầu tư địa ốc Him Lam Land vì đã thay đổi thiết kế, dịch chuyển nhà sinh hoạt cộng đồng thành trung tâm thương mại và khu nhà cộng đồng được dời vào nơi khuất.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land giải thích, với thiết kế cũ, vị trí đặt nhà sinh hoạt cộng đồng không phù hợp vì rất ồn ào khi tổ chức tiệc cưới hỏi, ma chay… Bởi vậy, thay đổi để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Với việc đặt trung tâm thương mại ra mặt tiền, cư dân cũng có điều kiện được hưởng dịch vụ tiện ích. “Tuy nhiên, nếu những người mua nhà ở đây vẫn không đồng ý thì chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền nhà, cộng với lãi tiền gửi 13 tháng cho khách hàng”, ông Phúc nói.

Một dự án khác nổi đình đám trên thị trường là River City có tổng trị giá 12.000 tỷ đồng đột ngột ngừng kinh doanh khiến không ít nhà đầu tư thắc mắc. Thậm chí, có thông tin dự án được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua nên doanh nghiệp này đang phải trả lại tiền cộng lãi phát sinh cho khách hàng.

Tuy nhiên, ông Lương Sĩ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT khẳng định, không có chuyện dự án này được bán cho Vạn Thịnh Phát. “Dự án tạm dừng nhằm điều chỉnh cho phù hợp để không ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà. Công ty đã quyết định thanh lý hợp đồng với khách hàng và cam kết đảm bảo quyền lợi của khách theo điều khoản đã quy định trong hợp đồng. Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục thanh lý đúng theo trình tự và nhận được sự đồng tình của khách hàng”, ông Khoa nói.  Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế cho hay, dự án điều chỉnh thiết kế là điều bình thường. Bởi, trong quá trình liên kết hợp tác giữa các bên, chủ đầu tư cần cân đối lợi ích với lợi nhuận dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. “Tuy nhiên, trên thị trường còn không ít dự án trùm mền khiến khách hàng bị chôn vốn ở đó mà chủ đầu tư cũng không chịu trả gốc, lãi cho khách hàng”, ông Vũ nói và cho biết thêm, nhiều năm trước, không ít doanh nghiệp đã bỏ của chạy lấy người, thậm chí có trường hợp người mua còn không biết tìm chủ đầu tư ở đâu.

Hồi sinh từ dự án “chết”

Bên cạnh việc thay đổi thiết kế để phù hợp hơn, mới đây một dự án “khủng” vừa được hồi sinh… sau 7 năm “mất sóng”. Đó là tổ hợp Kento Node của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Kể từ khi dừng dự án 7 năm về trước, chủ đầu tư đã phải trả lại tiền cho khách hàng. Ông Vũ Anh Tâm, người sáng lập Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên cho hay, doanh nghiệp vừa ký kết bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV, Maritime. Riêng dự án Evergreen nhận gói tín dụng bổ sung 500 tỷ đồng từ SHB và một số các thỏa thuận với đối tác tham gia đầu tư, quản lý khai thác, kinh doanh.

“Chúng tôi đã hình thành ý tưởng từ năm 2002 nhưng đến năm 2009, dự án mới chính thức khởi công. Khi đó, dự án gồm 3 phân khu: Plaza, Sky Villa và Residences gồm 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, dự kiến hoàn thành năm 2011”, ông Tâm nói và kỳ vọng, biến Kenton thành ốc đảo giữa lòng TP.HCM. Song song đó, nhà đầu tư này cũng ra mắt dự án khu dân cư cao cấp khép kín 5+ Evergreen. Cả hai có tổng vốn đầu tư trên một tỷ USD nằm ngay trên đường Nguyễn Lương Bằng nối dài (quận 7) diện tích 7,4ha có sông bao bọc, được phát triển thành một ốc đảo.

Trong khi nhiều dự án “đóng băng”, những doanh nghiệp có tiềm năng lại coi đây là cơ hội cho mình. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land cho biết, công ty đã mua lại gần 20 dự án, trong số này có 10 dự án đã xây dựng trở lại và mở bán ra ngoài thị trường, một số dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hiện, công ty này vẫn đang tiếp tục đi “săn” các quỹ đất khác để làm nguyên liệu cho những năm tiếp theo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, nhiều doanh nghiệp có quỹ đất nhưng do thiếu kinh nghiệm bán hàng, thiếu vốn hoặc chưa định hình được phân khúc nên phải tạm ngưng. Thậm chí nhiều DN vì thế không bán được hàng, số lượng hàng tồn kho tăng, dòng vốn chôn tại chỗ. Bên cạnh đó, những DN có tiềm lực sẽ nhảy vào mua bán, sáp nhập, liên kết thì doanh nghiệp được tái khởi động làm hồi sinh dự án. Điều này tạo nên sức hấp dẫn, làm thị trường trở nên sôi động và minh bạch hơn.

Theo báo giao thông

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Tin tức 2 ngày trước
Hai hôm nay, giá vàng trong nước giảm mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Nhờ thế, giao dịch trên thị trường sôi động trở lại.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.