SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 07/12/2024
  • Click để copy

Đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển – Niềm cảm hứng chủ đạo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

07:25, 22/02/2021
(SHTT) – Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khép lại, chính thức mở ra thời kỳ phát triển mới của Việt Nam, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước gắn với tinh thần đổi mới sáng tạo.

LTS: Nội dung bài viết của GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử (tapchicongsan.org.vn, ngày 22/11/2020) chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tên là “Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo - Điểm nhấn của Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Đại hội thành công, chính thức mở ra thời kỳ phát triển mới của Việt Nam, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước gắn với tinh thần đổi mới sáng tạo. Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo trân trọng đăng lại nội dung bài viết với nhan đề mới để đọc giả tham khảo. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (1).

1. TBT

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc _Ảnh: TTXVN 

Nhiều điểm mới và dấu ấn nổi bật:

1- Dự thảo Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới. Xuất phát từ nhu cầu khách quan cấp thiết của thực tiễn đất nước và thế giới với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ hơn, đổi mới đồng bộ, toàn diện hơn, ở trình độ cao hơn. Mới là do khả năng thực tế của đất nước sau gần 35 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ quá trình lao động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; do đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế thành công nên đã cho phép chúng ta tiến cùng thời đại, nắm bắt, dự báo, tiếp cận được những xu thế phát triển và những giá trị phổ quát của nhân loại - những nhân tố đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững hơn ở tầm mức mới. Như vậy, những điểm mới của Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phản ánh sự tương thích giữa nhu cầu phát triển khách quan của đất nước trong bối cảnh mới và năng lực tiếp tục đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Những điểm mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không phải chỉ mới về câu chữ, mà mới từ cách tiếp cận, tầm bao quát, từ những tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phấn đấu và những định hướng phát triển đất nước trên cơ sở tổng kết nghiêm túc thực tiễn đổi mới đầy sáng tạo của nhân dân ta qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; từ sự phân tích, dự báo xu thế phát triển của thế giới; nghiên cứu, tiếp thu các thành quả phát triển lý luận.

- Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, mỗi kỳ đại hội Đảng đều có một số điểm nhấn tạo ấn tượng sâu đậm trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội. Điểm nhấn của Đại hội VI là Đại hội đổi mới; Đại hội VII là Đại hội đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội VIII là Đại hội đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đại hội IX là Đại hội xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội X là Đại hội tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng nước kém phát triển; Đại hội XI là Đại hội bổ sung, phát triển Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; Đại hội XII là Đại hội chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế... Vậy điểm nhấn của Đại hội XIII là gì?

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có những điểm nhấn, trong đó có hai thành tố mới được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo. Đây có thể được xem là điểm nhấn trong Dự thảo Văn kiện và của Đại hội XIII, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực nội sinh, là năng lượng tiềm tàng tạo thành sức mạnh vĩ đại của dân tộc trong thời kỳ mới:

- Khát vọng, theo cách hiểu phổ quát, là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”(2). Kết Đ. Ha-reo (Keith D. Harrell) - thuyết trình gia nổi tiếng nước Mỹ, trong nhiều tác phẩm(3) đã trình bày sâu sắc, sinh động ý nghĩa của khát vọng như là một dạng thức tích cực của thái độ con người đối với cuộc sống. Từ triết lý “thái độ là tất cả”, Kết Đ. Ha-reo đã phân tích ý nghĩa lớn lao của khát vọng. Theo ông, khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh.

Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai(4). Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.

- Thời trung đại, Việt Nam đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, sáng tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà trước hết và chủ yếu bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia: “Sông núi nước Nam vua Nam ở” (Lý Thường Kiệt), về một quốc gia Đại Việt “Vốn xây nền văn hiến đã lâu; núi sông, bờ cõi đã chia, phong tục Bắc, Nam cũng khác” (Nguyễn Trãi) và khát vọng về một đất nước phú cường “Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (Trần Nhân Tông).      

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến công oanh liệt đó được tạo nên bằng sức mạnh vô địch của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5); “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(6); Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”(7).

Sau khi đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX; vượt qua cuộc chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết và Đông Âu sụp đổ, cùng những thử thách khắc nghiệt do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu những năm 2008 - 2009, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng. Khát vọng vươn lên của dân tộc được phản ánh cụ thể và vô cùng sinh động qua khát vọng chiến thắng của Đội bóng U23 Việt Nam trong năm 2018, 2019 trên đấu trường khu vực và châu lục. Một đội ngũ cầu thủ được đào tạo bài bản; được tổ chức chặt chẽ, hợp lý; được dẫn dắt bởi một đấu pháp khoa học và, đặc biệt với khát vọng Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch đã tạo nên kỳ tích trên sân cỏ của Đội U23, thổi bùng lên khát vọng vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc. Đây chính là thước đo và cũng là minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của khát vọng vươn lên của toàn dân tộc.

2. U23

Khát vọng Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch đã tạo nên kỳ tích trên sân cỏ của Đội U23, thổi bùng lên khát vọng vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc _Ảnh: Tư liệu 

- Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng chủ trương khơi dậy ở một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là một huyễn tưởng xuất phát từ ngẫu hứng chủ quan, duy ý chí, mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và những kinh nghiệm dày dạn mà Đảng, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo suốt mấy chục năm qua. Đó cũng không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều, mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời, tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là mơ ước mà là khát vọng mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng. Kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những đại hội Đảng trước đây; căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đất nước và xu thế phát triển của thế giới, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII xác định các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới(8),  gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...(9).

Đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ:

1 - Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Đổi mới là một quá trình tạo ra những biến đổi có tính cách mạng. Đổi mới và sáng tạo là hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau trong một quá trình phát triển. Trong đổi mới có sáng tạo; sáng tạo gắn liền với đổi mới. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến nay là một công trình sáng tạo vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó là một quá trình sáng tạo liên tục nhằm xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới từ gốc đến ngọn, tạo ra cả lực lượng sản xuất mới lẫn quan hệ sản xuất mới, cả cơ sở kinh tế lẫn thượng tầng kiến trúc mới, cả đời sống vật chất mới lẫn đời sống tinh thần mới(10).

3. NACHI

Đổi mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trên nền tảng sáng tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để tạo ra chất lượng mới, những giá trị mới trong phát triển kinh tế - xã hội _Ảnh: TTXVN 

Sự nghiệp đổi mới kết tinh thành quả sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên các lĩnh vực của đời sống đất nước, trên mọi địa bàn với những cấp độ, trình độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ bộ phận đến tổng thể, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đổi mới bắt đầu từ sự tổng kết thực tiễn, đúc rút những kinh nghiệm thành công và chưa thành công, trên cơ sở đó tìm tòi, sáng tạo cách nghĩ, cách làm mới. Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới chính là bắt đầu từ những bài học vô cùng sâu sắc được đúc kết từ thực tiễn những năm trước đổi mới và sự tổng kết những mô hình mới, những cách làm sáng tạo của nhân dân. Bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sáng tạo được nâng lên tầm mức mới, dựa trên sự cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào lãnh đạo, quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự phát triển trên các lĩnh vực, các khu vực, các địa bàn... Trình độ sáng tạo trong giai đoạn này có bước tiến mới. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 35 năm qua gắn liền với quá trình đổi mới, sáng tạo bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, do trình độ khoa học, công nghệ và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn thấp nên cấp độ, hiệu quả sáng tạo ở nước ta còn hạn chế, chưa đủ sức tạo ra những bước phát triển đột phá.

- Hiện nay, thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Cuộc cách mạng công nghệ mới, được gọi là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh chưa từng có tiền lệ, với những đột phá về công nghệ, nhất là trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, in-tơ-nét kết nối vạn vật, công nghệ na-nô, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu... Những đột phá từ sự tương tác, thúc đẩy nhau của công nghệ đang tạo ra một thế giới số hóa, tự động hóa, mọi hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thông minh hơn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia, tạo ra cả thời cơ và thách thức với nhiều đột biến trong quản lý, quốc phòng, an ninh, sản xuất, kinh doanh, môi trường, sinh hoạt và đời sống xã hội, con người(11).

Các nước đều chú trọng xây dựng, thực thi chiến lược tận dụng thành tựu và ứng phó với những thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư -  yếu tố quyết định sự phát triển bứt phá hay chậm trễ, tụt hậu của một quốc gia. Đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung có ý nghĩa toàn cầu, thể hiện một cấp độ mới, trình độ mới của sáng tạo, đổi mới, phát triển - đổi mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trên nền tảng sáng tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để tạo ra chất lượng mới, những giá trị mới trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong sản phẩm hàng hóa nói riêng. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo là công việc đang thu hút sự nỗ lực của các nước, các cộng đồng lao động sáng tạo trên toàn thế giới.

3 - Với tư duy nhạy bén, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết nêu 4 quan điểm chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội..., coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội dể Việt Nam bứt phá trong phát tiển kinh tế - xã hội”; “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”(12).

4. Camera-Giao-thong

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp (Trong ảnh: Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam) _Ảnh: Tư liệu 

Tư duy nhạy bén và tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị được khẳng định, nâng tầm trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, và đổi mới sáng tạo có thể được xem là một điểm nhấn của Đại hội.

- Cần hiểu đúng về đổi mới sáng tạo để thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn xã hội.

Đổi mới sáng tạo với triết lý không có gì là không thể là thuộc tính quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phản ánh tư duy và phương thức phát triển mới mang tính phổ biến của toàn nhân loại. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng trực tiếp, sâu rộng, do đó chúng ta cần tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị trí tuệ mới, những kinh nghiệm thành công của thế giới để tiến cùng thời đại. Hơn nữa, đổi mới sáng tạo chính là sự phát triển hợp quy luật ở tầm vóc mới, trình độ mới của quá trình đổi mới vốn có của Đảng, nhân dân ta trong hơn ba thập niên qua; là động lực để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đáp ứng yêu cầu dựng xây đất nước trong thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của đổi mới, sáng tạo. Sinh thời, Người căn dặn: Thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ, do vậy cán bộ, đảng viên không thể “giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi”(13), mà tư tưởng, hành động cũng phải phát triển.

Đổi mới sáng tạo phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ cả về tư duy và hành động, phải “đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ”(14).

Công cuộc đổi mới ở nước ta được bắt đầu từ sự đổi mới tư duy của Đảng, trước hết là tư duy kinh tế, theo nguyên tắc tôn trọng và làm theo quy luật khách quan. Bối cảnh của thế giới ngày nay đang xuất hiện rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng tầm trí tuệ, dẫn dắt đất nước tiến kịp và tiến cùng thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, ngời sáng về phong cách tư duy đổi mới: nhạy bén nắm bắt diễn biến lịch sử, chủ động tranh thủ thời cơ, giữ vững nguyên tắc và mạnh dạn sáng tạo, kịp thời đổi mới, gắn liền lý luận với thực tiễn(15). Đổi mới sáng tạo về tư duy cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa “kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo” theo phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ, nhưng nếu không kiên định, mà đổi mới sáng tạo một cách vô nguyên tắc cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”(16).

Trong hoạt động thực tiễn, đổi mới sáng tạo phải được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế đất nước, tránh nôn nóng, duy ý chí dẫn đến phiêu lưu, mạo hiểm hoặc bàng quan, do dự, ngại khó, ngại khổ, chậm trễ, bỏ lỡ thời cơ phát triển. Cần chú trọng xây dựng môi trường thể chế thuận lợi; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông..., tạo những tiền đề thiết yếu để thực hiện đổi mới sáng tạo có kết quả. Ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị..., từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, tạo ra những giá trị mới và sức mạnh tổng hợp mới của đất nước. Thước đo tính hợp lý của đổi mới sáng tạo là hiệu quả phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo chân lý Hồ Chí Minh: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với  lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”(17).

Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung; đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo doanh nghiệp; động viên, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân; và qua đó, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thúc đẩy bằng động lực đổi mới sáng tạo, nhất định đất nước ta sẽ “bước  tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”(18) trong thế kỷ XXI, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng của toàn dân tộc ta./.

GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

---------------------

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tạp chí Cộng sản, số 949 (9-2020), tr. 10 – 11

(2) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 493

(3) Keith D. Harrell: Cám ơn cuộc sống, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015; Thay đổi thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, t. 2, 3

(4) Xem: Vũ Minh Khương: “Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17-1-2020; “Khát vọng đổi mới để phát triển”, baodauthau.vn, ngày 12-2-2018

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 131

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280

(8) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tài liệu đã dẫn, tr. 11

(9) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2020

(10) Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 7, tr. 504 - 505

(11) Xem: Nguyễn Thắng: CMCN4: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Trang ngoại giao kinh tế trực tuyến, http://ngkt.mofa.gov.vn/cmcn4-mot-so-dac-trung-tac-dong-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam/, ngày 13-12-2016

(12) Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 55

(14) Xem: Trường Chinh: Đổi mới chính là đòi hỏi bức thiết của đất nước, của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 66

(15) Xem: Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - tinh hoa và khí phách dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 219

(16) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tài liệu đã dẫn, tr. 8

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378

(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 35.

Tin khác

Tin tức 59 phút trước
(SHTT) - Tối ngày 6/12, VinFuture 2024 đã chính thức công bố các chủ nhân giải thưởng. Theo đó, giải thưởng đã vinh danh 10 nhà khoa học là tác giả của những nghiên cứu về mạng nơ-ron, học sâu, liệu pháp điều trị ung thư, vaccine dạng uống ngừa bệnh tả và vật liệu sinh học giúp cơ thể tự chữa lành.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Chia sẻ được đưa ra trong hội thảo "Tương lai của AI" do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 5/12 tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình là một trong chuỗi hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2024.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Báo Nhà báo và Công luận vừa tổ chức Lễ trao Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí" năm 2024. Giải thưởng đặc biệt tại Lễ trao giải năm nay được trao cho tác phẩm "Những hình ảnh xúc động tại Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng 6/12, Lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính TP Hà Nội được diễn ra tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là sự kiện quan trọng của TP trong nỗ lực hoàn thành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền số.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Ngày 5/12 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AI). Ủy ban ra đời với sức mệnh đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của AI và bảo vệ các giá trị xã hội.
. ..