Đổi mới cơ chế tài trợ nghiên cứu ứng dụng: Khơi thông dòng chảy tri thức đến thực tiễn
Theo PGS.TS Đào Ngọc Chiến, Giám đốc NAFOSTED, việc Quỹ tiếp nhận nguyên trạng nhiệm vụ, nhân lực, tài chính từ Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia theo Nghị quyết số 57 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN đã biến NAFOSTED thành cơ quan điều hành duy nhất các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Điều này bao gồm cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất, giúp tinh gọn đầu mối, thống nhất quản lý, giảm thủ tục hành chính, đồng thời tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong công tác quản lý. Hiện tại, Quỹ đang đồng thời triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc chương trình KC, KX; các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao về nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, tiềm năng và đột xuất.
NAFOSTED đang tập trung triển khai những thay đổi quan trọng trong cơ chế tài trợ các đề tài nghiên cứu ứng dụng, hướng tới mục tiêu tạo nên một hệ sinh thái tài trợ đồng bộ, từ nghiên cứu nền tảng đến triển khai thử nghiệm và thương mại hóa.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chứng minh rõ ràng nhu cầu thực tiễn, khả năng ứng dụng và tác động xã hội trong hồ sơ đề xuất. Một hồ sơ tốt phải xuất phát từ một nhu cầu thực sự, giải quyết một "bài toán cụ thể" thay vì chỉ là giả thiết. Bà Hà cũng lưu ý, sự thiếu kết nối giữa nhóm nghiên cứu với doanh nghiệp thường khiến đề tài rơi vào thế đơn độc. Khi có sự đồng hành từ phía doanh nghiệp, việc thuyết minh về tính khả thi, phương án ứng dụng và mô hình thương mại hóa sẽ trở nên thuyết phục hơn, giúp đề tài dễ dàng được Hội đồng Khoa học xét duyệt và chấm điểm cao hơn.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là cơ chế quản lý và giải ngân đối với các nghiên cứu được tài trợ theo hướng "khoán chi". Tổ chức chủ trì và nhóm nghiên cứu được quyền tự quyết định các khoản chi trong phạm vi dự toán được duyệt. Bà Đỗ Thị Hồng Vân, Phòng Tài chính - Kế toán của Quỹ NAFOSTED, cho biết cơ chế này giúp cắt giảm đáng kể thủ tục chứng từ, đặc biệt với những khoản chi như: mua vật tư, thuê chuyên gia, hội thảo, khảo sát... Tuy nhiên, cơ chế khoán chi cũng đi kèm yêu cầu cao hơn về minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Cùng với đó, Quỹ cũng đặt ra tiêu chí cao hơn đối với chủ nhiệm đề tài và sản phẩm nghiên cứu. Theo quy định mới, người đứng đầu đề tài phải có ít nhất một sáng chế, bài báo quốc tế uy tín hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng trong vòng 5-10 năm gần nhất. Sản phẩm của đề tài nghiên cứu ứng dụng được ưu tiên là sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng thay vì chỉ là bài báo như trước.
Bên cạnh đó, tác động xã hội và khả năng thương mại hóa cũng được đưa vào thang điểm đánh giá. Điều này buộc các nhóm nghiên cứu phải "nghĩ xa hơn" ngoài phạm vi học thuật. GS.TS Vũ Thị Thu Hà nhận định, một nhóm nghiên cứu thành công không thể chỉ gồm các nhà khoa học. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia thị trường và các đơn vị ứng dụng. Có như vậy, đề tài mới được xét duyệt và có cơ hội đi vào cuộc sống.
Những đổi mới này của NAFOSTED được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam gắn liền hơn nữa với thực tiễn, giải quyết những bài toán lớn của nền kinh tế - xã hội.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
98 thí sinh xuất sắc tham dự Chung kết Olympic Trí tuệ nhân tạo lần thứ nhất - VOAI 2025
-
Vật liệu nhớ hình sinh học hứa hẹn thay đổi ngành phẫu thuật
-
Trung Quốc tuyên bố tạo ra vật liệu tàng hình tránh hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng
-
Đột phá mới của máy bay điện có người lái cất hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện
Tin khác
