Độc đáo lễ rước 'cụ Thượng' trong hội Tiên Công
Sơ lược lịch sử Lễ hội Tiên Công
Theo tư liệu lịch sử, thì vào thời nhà Lý - nhà Trần đã có một số người dân chài đến sinh sống ở vùng đất Quảng Yên ngày nay, họ chọn sống gần những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến khoảng đầu thế kỷ XV, trong những năm 1434 - 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư tại đây đã đến quai đê lấn biển, bắt đầu quá trình khai khẩn đất hoang để trồng lúa, lập làng, dần dần tạo thành khu đảo Hà Nam. Trong số đó có 17 vị Tiên Công, là người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, ở phía Nam thành Thăng Long. Các thế hệ sau này để tưởng nhớ công ơn những vị Tiên Công đã lập miếu thờ thập thất đặt ở thôn Cẩm La để thờ phụng những người có công tạo nên miền đất này.

Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công ngày nay được tổ chức tại đền Thập cửu Tiên Công thuộc xã Cẩm La và còn được người dân địa phương gọi với nhiều tên khác như: Hội Miếu Tiên Công hoặc Hội Miếu La, Hội Thập cửu Tiên Công. Ngày nay người dân Quảng Yên thường gọi lễ hội này là Lễ hội Tiên Công và đây cũng trở thành tên chính thức. Đến hiện tại lễ hội này là của chung bốn xã: Cẩm La, Trung Bản, Phong Cốc và Yên Đông.
Lễ hội được tổ chức vào mùồng 4, 5, 6, và ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, thế nhưng các bước chuẩn bị đã được diễn ra từ tháng Chạp năm cũ. Các cụ ông cụ bà chuẩn bị bước vào độ tuổi 80, 90 và 100 sẽ báo cho họ hàng người thân để mời họ đến lễ mừng thọ được tổ chức vào lễ hội. Vào tối mùng 3 tháng Giêng, những người đứng đầu các dòng họ sẽ cùng nhau cúng yết cáo với tổ họ mình danh sách những cụ ông, cụ bà chuẩn bị bước vào tuổi thượng thọ.

Hình ảnh các cụ bà tham gia lễ hội Tiên Công
Nghi lễ trong Lễ hội Tiên Công
Mở đầu lễ hội Tiên Công sẽ là “Lễ tế Tổ”, được con, cháu tổ chức vào ngày mùồng 4. Vào ngày này, các gia đình có cụ ông cụ bà đến tuổi thượng thọ sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng lên kính cáo với Tiên công và tổ tiên đã ban phúc lành để người già lên được chiếu thọ. Đến ngày mùồng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có người thân lên thượng thọ chuẩn bị để trang trí khuôn viên gia đình mình theo truyền thống mừng thọ. Quan trọng nhất là chuẩn bị trang phục cho các cụ ông cụ bà. Mùồng 6, các hộ gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì sẽ thực hiện đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ. Những gia đình có điều kiện hơn thì sẽ cùng cả dòng họ và làng xóm thực hiện đoàn rước long trọng bằng võng đào về miếu Tiên Công để lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước thọ” và “Rước người”.

Nghi lễ rước người bằng võng đào
Lễ hội Tiên Công, đặc biệt là vào ngày chính hội mùng 7 tháng Giêng, là dịp người dân Quảng Ninh thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh các vị Tiên Công đã có công khai hoang, lập làng và xây dựng vùng đất. Nghi lễ "Rước người" độc đáo trong ngày chính hội là điểm nhấn của lễ hội, mang đậm nét văn hóa thờ phụng người cao tuổi, những người được coi là có phúc đức và được trời đất ban cho sức khỏe và tuổi thọ.
Nghi lễ này không chỉ là một hoạt động văn hóa mà còn là dịp để cộng đồng thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với người cao tuổi. Việc rước các cụ cao niên trên kiệu rồng, võng đào thể hiện sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với những người đã có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra, phần hội cũng có rất nhiều những hoạt động văn hóa, vui chơi với các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, hát đúm, đấu vật… Trong đó đắp đê và đấu vật không chỉ là những trò chơi giải trí mà còn là nghi thức quan trọng mở đầu cho lễ hội, mang ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Tiên Công 2025
Năm nay, đến thời điểm chính hội ngày mùồng 7 tháng Giêng, đã có hơn 100 cụ đến tuổi thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi đến miếu Tiên Công dẫn lễ. Riêng trong ngày chính hội mùng 7 tháng Giêng, đã có 36 cụ thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi của 3 xã, phường: Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải đã được con cháu rước trên võng đào, đến miếu làm lễ tế các vị Tiên Công, còn gọi là lễ rước các "cụ Thượng"

Lễ hội Tiên Công năm 2025
Lễ hội Tiên Công không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để mỗi người dân ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh những người cao tuổi, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Việc tổ chức Lễ hội Tiên Công cũng là một hoạt động thiết thực để hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2025. Lễ hội không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của thị xã Quảng Yên mà còn tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển.
Lễ hội Tiên Công năm 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách. Ngoài ra còn là sự kiện nằm trong chương trình chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02 (1930-2025), hưởng ứng và chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2025, đồng thời để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững".
Hoài Thương
TIN LIÊN QUAN
Tin khác

- Shop chuông ngọc chất lượng nhất ở Việt Nam