Gỏi nhệch - Độc đáo ẩm thực Nga Sơn giữa lòng Hà Nội
Mỗi một nơi trên đất nước Việt Nam có lối ẩm thực riêng mang sắc thái và đặc trưng của vùng đó. Đó là phong tục, thói quen và là văn hóa từng vùng. Miền Bắc như “cô gái e thẹn nép mình vào lòng thủ đô cổ kính” tinh tế, nhẹ nhàng nhưng không kém phần thanh tao. Người miền Bắc có khẩu vị chuộng món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng, chua nhẹ ít ngọt, ít cay. Người Bắc sử dụng các loại rau làm gia vị như: rau húng, lá mơ, riềng, sả, mẻ, mắm tôm,… để tạo nên những món ăn đặc thù. Hà Nội được xem là nơi lưu giữ tinh hoa ẩm thực miền Bắc một cách trọn vẹn nhất. Những đặc sản của Hà Nội như phở, bún thang, bún chả, cốm làng Vòng… đã phản ánh đầy đủ đặc trưng khẩu vị người dân miền Bắc.
Miền Trung như “chàng trai với màu da rám nắng”. Do đặc thù về địa lý vùng đất khô cằn chỉ có nắng và gió, hàng năm gồng mình lên chống gọi với bao thiên tai ập xuống. Có lẽ vì thế mà khẩu vị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều: “Ăn cái gì cũng cay, ăn cái gì cũng nhiều muối, ăn cái gì cũng phải cho no, cho chắc”.
Nhắc đến miền Trung, không thể không kể đến mỳ quảng tại Quảng Ngãi, Bún bò Huế, cháo lươn Nghệ An, bánh canh Quảng Bình, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, nem chua Thanh Hoá,… Đa dạng và phong phú các loại ẩm thực là vậy nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu không kể đến món gỏi cá nhệch tại Nga Sơn, Thanh Hoá. Đây là món ăn mà người dân xứ Thanh nói chung và người dân Nga Sơn nói riêng đều phải thưởng thức ít nhất một lần.
Cá nhệch được biết đến là có nhiều thịt, ít xương, nhiều đạm và chất dinh dưỡng, thịt cá lành tính. Cá nhệch có thể chế biến thành nhiều món như lẩu cá, cháo cá, kho, om… nhưng nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến món gỏi cá nhệch. Gỏi cá nhệch để ngon phải làm khá kì công, cá khi vừa bắt về tươi mới được tuốt sạch nhớt trong nước vôi trong hoặc nước tro sau đó rửa bằng nước muối loãng. Tiếp theo cá được cắt khoanh, phần da nhệch được lột từ cổ cho đến hết đuôi, phần thịt trắng hồng sẽ lộ ra. Phần đầu và ruột cá được cắt bỏ đi rồi bắt đầu lọc tách phần thịt và xương. Khi lọc phải thật khéo léo và tỉ mỉ để cá không bị nát. Đồng thời để cá không bị tanh, tránh để cá dính nước, làm đến đâu người ta dùng khăn sạch thấm khô đến đó. Thịt được thái mỏng, ngâm với nước chanh, riềng, sả vớt ra vắt thật khô để thịt cá chín và mất đi vị tanh. Khi ăn, trộn thịt đã ướp với thính gạo rang cho đến khi thính bám đều miếng thịt cá, từng miếng cá nhệch tơi, không dính nhau và khô.
Trước đây, gỏi nhệch sau khi thái xong sẽ được bóp qua bằng chanh tươi, sau đó vắt cho ráo nước rồi trộn, bóp đều với thính gạo nếp rang vàng. Tuy nhiên, những năm gần đây, để món nhệch được tươi hơn, người làm thường chỉ bóp qua với riềng đã xay nhỏ cùng với củ sả thái mỏng, thính gạo thường được để riêng khi ăn ai thích thì trộn vào. Gỏi cá nhệch ăn ngon, hấp dẫn có rất nhiều các công đoạn và các loại thực phẩm khác kết hợp, thế nhưng có một thứ không được thiếu đó là chẻo. Chẻo chấm phải được làm từ xương cá, sau khi lọc thịt, xương cá đem vào cối giã nhuyễn rồi trộn với thịt ba chỉ, mẻ chua, trứng gà cùng các loại gia vị khác để nấu. Chẻo khi đổ ra bát thường có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà với mùi thơm đặc trưng khó tả.
Món gỏi cá nhệch Nga Sơn có cách ăn rất đặc biệt mà ít có loại ẩm thực nào giống, đó là khi ăn bắt buộc phải có nhiều rau như: Lá sung, cúc tần, lá mơ, mùi tàu, rau húng, tía tô, rau ngổ, bạc hà, đinh lăng... Cuốn lá sung cùng với các loại lá này thành hình phễu, cho lượng cá nhệch vừa ăn vào, rưới chẻo lên trên và thêm ớt tươi, hành củ tươi, riềng, sả, có thể thêm chút mắm tôm (tùy thực khách) và ăn cả miếng cuộn này.
Theo người dân Nga Sơn, gỏi nhệch phải ăn miếng to vừa miệng, thì khi nhai sẽ cảm nhận được vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau, tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi dai giòn của gỏi cá, vị cay, nồng, thơm, nóng của gừng, xả, ớt… Chính vị ngọt mát, béo, bùi, lạ miệng khiến người ăn không bao giờ thấy chán. Không “ngoa” khi nói rằng chế biến gỏi cá nhệch Nga Sơn là một nghệ thuật, mà ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém.
Tại Hà Nội, để thưởng thức món ăn đặc sắc này của vùng đất Nga Sơn – Thanh Hoá, thực khách có thể đến nhà hàng Vũ Bảo. Nhà hàng đã thành công trong việc tạo nên một hương vị xứ Thanh rất gần gũi nhưng lại rất riêng cho những người con xa xứ.
Thi Lê
TIN LIÊN QUAN
-
MC Quyền Linh mang dép tổ ong giản dị, 'xắn tay' lợp mái nhà cho nữ điều dưỡng dưới nắng gắt
-
Liệu có mở cửa du lịch, đón khách quốc tế vào ngày 30/4 tới?
-
Trấn Thành bức xúc vì phim Tết chưa kịp chiếu đã bị phát tán khắp MXH
-
Trở lại sau bê bối tiền từ thiện, NSUT Hoài Linh cùng Việt Hương đoạt giải Vàng tại 'Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021'
Tin khác
- Đặc sản Thịt trâu gác bếp tại TPHCM
- Mua/ cửa hàng/ đại lý Bếp từ tại Bắc Kạn,
- lò rang hạt điều
- Cá mai tươi giá tốt