SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp Việt đứng trước thử thách lớn khi hội nhập quốc tế

16:28, 02/11/2016
(SHTT) - Bên cạnh 60,4% các DN đánh giá thuận lợi do hội nhập quốc tế tạo ra là giúp họ tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng, 55,4% có đánh giá tiếp cận nguồn nguyên vật liệu chất lượng tốt hơn; thì cũng có 50,7% DN tỏ ra lo ngại quá trình hội nhập cũng mang đến những khó khăn và thách thức.

*Nhiều thách thức trước mắt.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te

 

Ghi nhận từ một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thấy, mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới. Tuy nhiên khi hội nhập sâu, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam không theo kịp. Việt Nam quá chú trọng về hội nhập ký kết, còn đổi mới bên trong thì chậm trễ nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra…

Thống kê từ VCCI cho biết, đến nay Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do, và đang tiếp tục đàm phán 5 FTA khác. Số lượng Hiệp định của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, đứng đầu ASEAN và cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó còn phải kể đến việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập từ ngày 31/12/2015 và Hiệp định TPP đã xong quá trình đàm phán.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te a

 

Đánh giá về những thuận lợi do hội nhập mang lại, phần lớn doanh nghiệp (DN) cho rằng, hội nhập giúp tạo thêm việc làm, thúc đẩy nguồn nhân lực, giúp họ tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, đẩy nhanh tốc độ cơ cấu kinh tế, tiếp cận nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ và có chất lượng…

Tuy số DN thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số DN thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại. Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường non trẻ, mở cửa, hội nhập và có nhiều cơ hội kinh doanh như ở Việt Nam, thì con số này rất đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường. Cơ cấu DN trong nền kinh tế cũng có những biểu hiện đáng lo ngại: Tỷ lệ DN nhỏ và siêu nhỏ rất cao chiếm tới trên 96%, còn nếu tính cả các hộ kinh doanh thì tỷ trọng còn cao hơn nhiều nữa. Chỉ có chưa đầy 2% là DN lớn và 2% là DN cỡ vừa. Qui mô bình quân các DN xét theo tiêu chí lao động đã giảm đi trong những năm qua. Bình quân 1 DN Việt Nam năm 2015 chỉ có 29 lao động, giảm so với qui mô 49 lao động của năm 2007. DN Việt không những không lớn lên mà còn teo tóp đi.

Xét về cơ cấu ngành nghề: Khu vực DN tư nhân trong nước tập trung nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, ngân hàng… ít chú trọng đầu tư vào sản xuất. Chưa có nhiều các nhà chế tạo sản xuất và các nhà kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao là DN tư nhân trong nước của Việt Nam. Cả nước mới chỉ có 1% số DN đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te c

 

Những con số trên cho thấy, sau những năm sóng gió, suy giảm cả về sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, DN Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đà hồi phục còn đang rất yếu, và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục. Năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể, có mặt giảm sút.

*Những lo lắng không thừa.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te d

 

Kết quả khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đối mặt với một số vấn đề.

Trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%). Dẫu biết rằng các DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong riêng năm 2015 là 80.000 DN. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, họ thường gặp phải khó khăn nhất định. Khoảng 20% DN siêu nhỏ và 14% DN quy mô nhỏ và vừa nhận thấy những cơ hội thị trường kém hơn so với kỳ vọng ban đầu. Con số này của các DN quy mô lớn chỉ là 6%. Khoảng 32% DN siêu nhỏ, 29% DNNVV cũng cho biết khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng, con số này của các DN quy mô lớn chỉ là 22%.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te e

 

Điều tra của VCCI cũng cho thấy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV tệ hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ các DNNVV thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa đã mất vốn trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng chung cảnh ngộ này. Mức độ lạc quan thấp: Chỉ có 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, con số này đều là 66%.

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te f

 

Nhiều DN khi được hỏi cũng bi quan là, thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, cảm nhận về thị trường, lợi nhuận, hay sự hỗ trợ của chính quyền địa phương của DNNVV không được như kỳ vọng lúc khởi sự, nếu không muốn nó là kém tích cực.

Theo đó, đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương năm 2015, DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các DN lớn trên một số lĩnh vực: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN. 87%% DNNVV có đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh song chỉ một nửa trong số này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ 22% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 29% DN quy mô vừa đánh giá mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh là cao hoặc rất cao; tỷ lệ này của các DN quy mô lớn là 31%. Khoảng 75% các DNNVV cho biết, họ phải cậy nhờ đến các “mối quan hệ” để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% DN siêu nhỏ và nhỏ cho biết, “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”. Khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ quan sát thấy hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. 

doanh nghiep viet dung truoc thu thach lon khi hoi nhap quoc te g

 

Bên cạnh đó, DNNVV cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Chỉ 20-30% DN cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Ngoài ra, chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn (77%).

Những thông tin trên đây cho thấy, bức tranh DN khá đầy đủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Và, nếu như quy mô, tầm vóc một DN trên mức nhỏ và vừa sẽ có nhiều lợi thế hơn. Điều này đồng nghĩa: Quy mô càng lớn càng vững vàng hơn trước “luồng gió hội nhập”. Dẫu biết là vậy, thế nhưng có nhiều DNNVV vẫn… ngại lớn.

*Đâu là hướng giải quyết?

Nếu tìm ra nguyên nhân, hẳn các nhà điều hành kinh tế sẽ có hướng giải quyết. Các nguyên nhân dưới đây đều đã chỉ rất rõ. Ví dụ :

Gánh nặng thanh, kiểm tra: Thống kê năm 2015 cho thấy, 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Có một hiện tượng đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. 

Gánh nặng về thủ tục hành chính: 54% DN siêu nhỏ và 49% DN nhỏ đồng ý với nhận định “Thủ tục giấy tờ là đơn giản”. Các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc là những lĩnh vực mà tỷ lệ DN thấy còn nhiều phiền hà gia tăng theo quy mô của họ.

Hiệu quả hoạt động của DN cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% DN hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các DN còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo ghi nhận, hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của các DN vẫn còn ở mức hạn chế. Vẫn còn tỷ lệ lớn các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất cho sự phát triển, nhất là đối với các dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật, hoặc nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận. Dịch vụ mà các DN sử dụng nhiều nhất là dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế (65%), tiếp đến là dịch vụ liên quan đến pháp lý (49%), quảng cáo (46,2%).

Trong khi đó, chỉ có 23,3% DN đã từng ít nhiều sử dụng dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận, một công cụ rất cần thiết để tìm hiểu mà mở rộng thị trường, 30,1% DN từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật. Với việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định FTA với các đối tác, thì hàng rào thuế quan sẽ dần được thay thế bằng các hàng rào kỹ thuật, do vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật cho các sản phẩm sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam khó có thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của các nước khác.

Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp được coi là một trong 6 trọng tâm của Chiến lược tái cơ cấu kinh tế với những kế hoạch cụ thể trong 5 năm 2016-2020. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã vạch ra nhiệm vụ: “Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Nghị quyết số 98/2015QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 cũng đã nêu rõ các mục tiêu: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện sáu giải pháp chủ yếu để đạt các mục tiêu đề ra:

Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phá triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, tái cơ cấu kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ ba, nâng cao chất lượng  nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.

Thứ tư, phát triển,thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suấn, đảm bảo gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

Thứ năm, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.

Như vậy, hướng giải quyết đã có từ chủ trương cho đến các văn bản pháp lý có liên quan; vấn đề là thực hiện như thế nào và lộ trình thực hiện ra sao mà thôi.

Tấn Đức

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.