SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp “ma” và những phi vụ hàng lậu - Bài 1: Bị “sờ gáy” là… biến mất

13:29, 14/04/2017
Đứng tên thành lập nhiều DN, cử người đến làm thủ tục thông quan hàng hóa bình thường, nhưng khi cơ quan Hải quan phát hiện nghi vấn từ lô hàng NK, có quyết định kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế…, lập tức DN biến mất, để lại khoản nợ thuế cho ngân sách nhà nước.
5ngavoibatgiungay1011AnhTH_resize

Ngà voi nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ ngày 10/11/2016 tại cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa . 

Núp bóng doanh nghiệp “ma” nhập khẩu hàng cấm

Kết quả điều tra, xác minh ban đầu  đối với 7 vụ nhập khẩu ngà voi trái phép, với trọng lượng gần 6 tấn do cơ quan Hải quan liên tiếp phát hiện, bắt giữ trong 2 tháng cuối năm 2016 tại cảng Cát Lái TP.HCM cho thấy, các DN đứng tên NK, vận chuyển đều là DN “ma”.

Qua điều tra, xác minh của cơ quan Hải quan, các DN chỉ đứng tên mở tờ khai hải quan, còn toàn bộ hoạt động khai báo, nhận hàng được thực hiện qua việc thuê các dịch vụ khai thuê thủ tục hải quan. Xác minh tại địa chỉ đăng kí kinh doanh của DN, cơ quan Hải quan phát hiện hầu hết là DN "ma". Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (66/8 đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM) nhập lậu trên 2 tấn ngà voi bị phát hiện vào đầu tháng 10/2016. Dù được cấp phép thành lập vào cuối năm 2015, nhưng tại địa chỉ đăng kí kinh doanh của công ty này lại không có công ty nào tồn tại, tại đây chỉ có một tiệm bán tạp hóa nhỏ chừng 4-5 mét vuông. Hay Công ty TNHH MTV SX TM DV Tam Phúc (Chơn Thành- Bình Phước) là người đứng tên nhận lô hàng gỗ nhập khẩu được phát hiện chứa gần nửa tấn ngà voi cuối tháng 10/2016 cũng được xác định không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh. Qua điều tra, xác minh, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện các đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập DN.

Theo Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM, các lô hàng trên thông thường 1 vận đơn gồm 2 container trở lên, trong đó có 1 container hàng sai phạm. Khi lô hàng bị phân vào luồng Đỏ (kiểm tra thực tế), các đối tượng sẽ đưa container hàng đúng ra kiểm tra thực tế nhằm đối phó các cơ quan chức năng; cơ quan kiểm dịch sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên trên container này, vì vậy lô hàng trên ít có khả năng bị phát hiện.

Bên cạnh đó, các đối tượng vận chuyển lô hàng lòng vòng qua nhiều nước khác nhau và liên tục thay đổi cảng trung chuyển nhằm xoá dấu vết nguồn gốc của lô hàng. Như lô hàng của Công ty Diệu Tiên và Công ty Đào Gia, các lô hàng này được khởi hành từ cảng Nacala - Mozambique, trung chuyển ở cảng KeLang-Malaysia, sau đó mới đưa về Việt Nam. Trong quá trình vận chuyển đã được thay đổi tàu 2 lần. Sau khi các lô hàng đầu tiên bị bắt giữ, các lô hàng về sau, các đối tượng trung chuyển qua nhiều cảng hơn, khởi hành từ cảng Lagos-Ai Cập, chuyển tải tại cảng Tanjung Pelepas-Indonesia, tiếp tục chuyển tải tại cảng KeLang-Malaysia sau đó mới về Việt Nam, đồng thời thay đổi tàu 3 lần trong quá trình đưa hàng về cảng Cát Lái - TP.HCM.

Nhập khẩu ồ ạt hàng rồi bỏ trốn

Qua xác minh, có trường hợp một người đứng tên thành lập nhiều DN, tiến hành NK ồ ạt nhiều lô hàng, song không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh. Điển hình như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Gia Hưng Thịnh và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Giang. Cả 2 DN này đều do ông Lường Tuấn Anh đại diện pháp luật (cùng được cấp phép ngày 9/6/2016, địa chỉ đăng kí kinh doanh tại 63 Nguyễn Bá Huân, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM).

Sau khi được cấp phép hoạt động, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 6 đến tháng 7/2016, 2 DN này đã mở hàng chục tờ khai hải quan NK mặt hàng gạch lót sàn qua cảng Cát Lái, khai báo giá thấp, từ chối tham vấn giá để được thông quan theo quy định. Khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan, DN không hợp tác, không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh… Hậu quả là để lại “cục nợ” trên 3,4 tỷ đồng tiền thuế do cơ quan Hải quan ấn định.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Nguyễn Phụng (17 Hồ Bá Kiện, P.15, quận 10, TP.HCM) chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 8 và tháng 9/2016) đã mở 17 tờ khai hải quan NK thực phẩm đông lạnh, gồm chân, cánh, đùi gà đông lạnh; khoai tây đông lạnh và chân lợn, có xuất xứ từ Úc, Brazil, Ba Lan…Trong đó, trên tờ khai hải quan, DN khai báo giá mặt hàng cánh gà đông lạnh, xuất xứ Brazil, giá chỉ có 0,1 USD (hơn 2.000 đồng)/1kg; đùi gà góc tư, đùi tỏi gà đông lạnh, xuất xứ Úc giá 0,1 USD/kg… Tổng số thuế DN nộp cho 17 tờ khai trên 324 triệu đồng.

Phát hiện giá khai báo bất hợp lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đề nghị tham vấn giá, DN trên không đồng ý, nên cơ quan Hải quan phải giải quyết thông quan theo quy định, đồng thời chuyển hồ sơ cho Đội Quản lý thuế thực hiện kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên, sau khi cơ quan Hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan gửi cho DN, đại diện DN không đến làm việc với cơ quan Hải quan. Trên cơ sở kết quả kiểm tra hồ sơ, dữ liệu của cơ quan Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã bác bỏ mức giá khai báo đối với các mặt hàng NK tại 17 tờ khai hải quan của DN, xác định giá tính thuế đối với mặt hàng chân gà từ 0,1 USD lên 1,22 USD/kg; cách gà từ 0,1 USD lên 2,25 USD/kg; đùi gà từ 0,1 USD lên 1 USD/kg… Đồng thời, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 ban hành quyết định ấn định thuế với tổng số thuế phải nộp trên 3,7 tỷ đồng. Như vậy, so với số thuế DN thực nộp tại thời điểm thông quan (324 triệu đồng), DN còn phải nộp bổ sung gần 3,4 tỷ đồng, thế nhưng hiện nay DN này đã “cao chạy xa bay” khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh. 

Tương tự như trường hợp nêu trên, trong tháng 5 và tháng 6/2016, Công ty TNHH Gấu Đỏ liên tục mở 28 tờ khai hải quan NK mặt hàng đông lạnh là cánh, chân, đùi gà; đầu cá hồi đông lạnh. Cả 28 tờ khai hải quan này, DN đều khai báo giá tính thuế hàng NK rất thấp. Chẳng hạn như đùi gà góc tư đông lạnh, giá từ 0,12 đến 0,18 USD/kg tùy theo xuất xứ; cánh gà có giá từ 0,2 đến 0,22 USD/kg… Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã bác bỏ mức giá khai báo này đối với các mặt hàng NK tại 28 tờ khai hải quan của DN, xác định giá tính thuế đối với mặt hàng tăng từ 1-2,25 USD/kg. Ban hành quyết định ấn định thuế, với tổng số thuế tăng hơn 4,7 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Công ty TNHH Văn Thịnh và Công ty TNHH Asia Join đều được cấp phép vào tháng 5/2016, có địa chỉ tại  475D, Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM nhập khẩu hàng chục lô hàng thịt gà đông lạnh, khai báo giá thấp để thông quan hàng hóa như những trường hợp trên. Cả hai DN này cũng đang để lại số nợ thuế trên 10 tỷ đồng, sau khi Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan và ấn định thuế.

Hiện nay, số nợ thuế phát sinh tại Cục Hải quan TP.HCM khó có khả năng thu hồi được do các chi cục hải quan ban hành quyết định ấn định thuế trong nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan về trị giá tính thuế đã phát sinh khoảng trên 80 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các DN mới thành lập nhập khẩu ồ ạt hàng hóa nhưng né tham vấn giá để thông quan, sau đó trây ỳ không đến thực hiện kiểm tra sau thông quan.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong số nợ thuế phát sinh tại đơn vị thời gian qua chủ yếu từ việc truy thu thuế từ các cuộc kiểm tra sau thông quan tại cửa khẩu, nhưng DN đóng mã số thuế, không nộp cho ngân sách nhà nước. Thủ đoạn của các đối tượng là NK ồ ạt nhiều lô hàng trong thời gian ngắn, “đao” giá hàng NK xuống mức cực thấp, né tránh các biện pháp hậu kiểm của cơ quan Hải quan nhằm trốn thuế, rồi ngừng hoạt động, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt hàng gạch ốp lát  và thịt gà đông lạnh là mặt hàng các đối tượng gian lận nhiều nhất. Chỉ tính riêng tại cảng Cát Lái có 13 DN NK mặt hàng gạch khai giá rất thấp. Các DN này đều mở tờ khai hải quan điện tử NK hàng chục lô hàng gạch men lót sàn qua cảng Cát Lái TP.HCM, giá khai báo khá thấp chỉ 2 USD/m2, trong khi giá tham chiếu trên hệ thống của ngành Hải quan là 3 USD/m2. Các chi cục quyết định kiểm tra sau thông quan đối với 190 tờ khai NK mặt hàng này, ấn định thuế cả chục tỷ đồng nhưng DN không đến làm việc.

Theo Hải Quan

Tin khác

Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh tắm hơi, massage nhưng lại treo bảng hiệu Cheongdam - Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc ngang nhiên quảng cáo là “phòng khám điều trị suy giãn tĩnh mạch thuộc top 1 châu Âu”.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Công ty Cổ phần La Vo bị xử phạt hơn 70 triệu đồng vì sản xuất sản phẩm mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Những năm gần đây, xu thế phát triển của TMĐT trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là công cụ, phương thức kinh doanh phù hợp của xu thế phát triển hiện nay.