SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu vì bị dàn cảnh cướp tài sản ngay tại trụ sở

07:16, 28/05/2019
Anh Hoàng Công Bằng, trú tại xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên - Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà Việt Nam, gửi đơn tới các cơ quan báo chí phản ánh một số đối tượng ngang nhiên cướp tài sản của Công ty tại trụ sở.

 Dàn cảnh để chiếm đoạt tài sản

Theo anh Bằng, khoảng 13h ngày 28/12/2018, anh Bằng đang chủ trì họp ban lãnh đạo Công ty thì ông Nguyễn Văn Vọng là Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Tân Hưng Thịnh (Công ty Tân Hưng Thịnh) đến thanh lý hợp đồng.

Sau khi đối chiếu công nợ, Công ty Tân Hưng Thịnh phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hà 1,22 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông Vọng đã giao đủ số tiền trên cho anh Bằng, anh Bằng nhận tiền rồi để trên bàn và ký thanh lý hợp đồng.

Khi vừa ký xong, có 3 người là Nguyễn Văn Luân (con trai ông Vọng), Nguyễn Văn Thơ (em trai ông Vọng) và một người đàn ông nữa bất ngờ xông vào phòng cướp đi số tiền 1,22 tỷ đồng trên bàn, sau đó chạy xuống chiếc xe ô tô biển kiểm soát 20A-287.20, nhanh chóng tẩu thoát.

Ngay trong ngày, anh Bằng đã đến Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) trình báo về sự việc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xác minh, ngày 6/3/2019, Công an thị xã Phổ Yên có văn bản trả lời anh Bằng, theo đó, cơ quan Công an đã quyết định không khởi tố vụ án vì không có sự việc phạm tội “cướp giật tài sản” xảy ra tại văn phòng Công ty Hoàng Hà vào ngày 28/12/2018.

dn

 Đơn kêu cứu khẩn cấp của anh Hoàng Công Bằng gửi các cơ quan chức năng với mong muốn tìm lại công lý.

Theo Công an thị xã Phổ Yên, sau khi anh Bằng nhận tiền từ ông Vọng thì ông Nguyễn Văn Thơ đi cùng một nam giới vào văn phòng Công ty gặp Đoàn Đức Sơn (là cổ đông của Công ty Hoàng Hà đang dự họp) và đưa ra giấy vay nợ với số tiền 1,5 tỷ đồng, đề nghị ông Sơn phải trả.Sau đó, ông Sơn đề nghị Công ty Hoàng Hà cho vay số tiền 1,22 tỷ đồng mà Công ty Tân Hưng Thịnh vừa đưa để trả nợ.

Cùng lúc, hai cổ đông khác là anh Toàn đồng ý cho Sơn vay 300 triệu đồng, anh Giới đồng ý cho Sơn vay 500 triệu đồng. Đây là số tiền hai người này góp vào Công ty. “Vì Sơn đã góp số tiền 600 triệu đồng vào Công ty nên khi được anh Toàn và anh Giới đồng ý, Sơn đã lấy toàn bộ số tiền 1,22 tỷ đồng giao cho Thơ” - văn bản của Công an thị xã Phổ Yên ghi rõ.

Anh Bằng tiếp tục khiếu nại lên Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên về quyết định của Công an thị xã Phổ Yên. Đến ngày 5/4/2018, Viện trưởng VKSND thị xã Phổ Yên lại ra quyết định bác đơn khiếu nại của anh Bằng, giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên.

dn 1

 Nơi xảy ra vụ việc

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Chung, Viện trưởng Viện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên lại giải thích: "Do biết anh Bằng là người hiền lành nên các đối tượng trên đã bày mưu để lừa anh nhằm chiếm đoạt số tiền 1,22 tỷ đồng".

Tuy vậy, các đối tượng thực hiện hành vi này rất kín kẽ nên không thể xử lý về hành vi “cướp giật tài sản được” bởi các đối tượng này không có hành vi cướp, anh Bằng cũng không có phản ứng quyết liệt bằng lời nói hay hành động khi sự việc xảy ra như giằng co, xô đẩy hay hô hoán... Chỉ có thể xử lý vụ việc theo hướng “sử dụng trái phép tài sản”.

Tuy nhiên ông Chung cho biết, với tội danh này các đối tượng có hành vi sử dụng trái phép tài sản lại không phải là những đối tượng mà anh Bằng tố cáo.

Lý giải như vậy nhưng ông Chung lại cho rằng, hiện tại phía Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên nhận thức như vậy nhưng nếu cấp cao hơn có ý kiến khác thì vụ việc có thể xem xét lại.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Liên hệ với Công an thị xã Phổ Yên, lãnh đạo đơn vị này từ chối tiếp xúc với PV để giải thích về vụ việc.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư Nguyễn Xuân Toán (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, kết luận không có sự việc phạm tội “cướp giật tài sản” đối với vụ việc này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Cụ thể, việc quản lý số tiền 1,22 tỷ đồng của Công ty Hoàng Hà phải theo quy định của pháp luật và các nguyên tắc về tài chính. Theo đó, số tiền 1,22 tỷ đồng phải được thể hiện trên sổ sách của Công ty Hoàng Hà, phải nhập quỹ, tính toán các khoản nghĩa vụ thuế (nếu có).

Khi chi ra để sử dụng, số tiền này cũng phải dựa trên sự đồng thuận của Hội đồng quản trị, trong đó không thể thiếu sự đồng ý của anh Bằng. Trường hợp các cổ đông muốn rút vốn thì cũng phải theo các quy định của pháp luật.

Việc rút vốn được quy định rõ tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp: “Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.

Khi cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.

Như vậy, việc rút vốn của 3 cổ đông sáng lập (Toàn, Giới, Sơn) của Công ty Hoàng Hà là không được pháp luật cho phép bởi Công ty mới được thành lập từ tháng 1/2018 (hoạt động chưa được 1 năm).

dn 2

 Đơn trình báo sự việc của anh Hoàng Công Bằng với các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Luật sư Toán nhận định rõ ràng đã có hành vi cướp đoạt 1,22 tỷ đồng của Công ty Hoàng Hà. Bởi theo diễn biến, nhóm người phối hợp với nhau có tổ chức, trong đó có người chủ mưu, có người là đồng phạm, giúp sức.

“Vì vậy việc Công an thị xã Phổ Yên quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc xảy ra tại trụ sở Công ty Hoàng Hà ngày 28/12/2018 có biểu hiện của việc bỏ lọt tội phạm”, luật sư Toán kết luận.

Được biết, mới đây, Công ty Hoàng Hà đã gửi đơn đến Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thái nguyên để được hỗ trợ giải quyết về vụ việc.

Công an thị xã Phổ Yên lý giải ra sao khi không khởi tố vụ án và cho rằng số tiền 1,22 tỷ đồng của Công ty Hoàng Hà bị lấy đi không phải hành vi cướp tài sản? Với cách giải quyết này, doanh nghiệp cảm thấy bất an vì môi trường đầu tư không an toàn, không được cơ quan chức năng bảo vệ.

Theo congly.vn

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc điều tra đối với Alphabet được mở ra do tập đoàn này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) khi đưa ra những chỉ đạo trong Google Play và tự ưu tiên hiển thị trên Google Tìm kiếm. Ngoài ra, EU cũng tiến hành điều tra tương tự với Meta và Apple.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...